Sản xuất và vận chuyển vỏ hầm metro từ Hà Nam về Hà Nội

Để chuẩn bị cho các máy khoan bắt đầu đào hầm đoạn ngầm dự án metro Nhổn - ga Hà Nội vào cuối tháng 7, công tác sản xuất vỏ hầm tại xưởng đang được chủ đầu tư và nhà thầu dự án tích cực thực hiện.

Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội - MRB (chủ đầu tư) cho biết, dự án đường sắt đô thị (metro) tuyến số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội có hơn 4 km đi ngầm. Hiện, dự án đã chuẩn bị hai máy đào hầm TBM để đào 2 đường ống ngầm chạy song song từ ga S9 (Cầu Giấy) về ga Hà Nội của dự án. “Sau một thời gian vận hành thử nghiệm, dự kiến cuối tháng 7 hai máy đào hầm TBM sẽ chính thức đào hai đường hầm để tàu chạy ở độ sâu dưới lòng đất 17,8 mét", lãnh đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội - MRB thông tin.

Vỏ hầm metro Nhổn - ga Hà Nội được sản xuất trong xưởng tại Hà Nam.

Vỏ hầm metro Nhổn - ga Hà Nội được sản xuất trong xưởng tại Hà Nam.

Để chuẩn bị cho các máy TBM hoạt động và hoàn thiện luôn vỏ hầm khi đào đất lên, thiết bị vỏ hầm được đúc sẵn ở xưởng cũng được vận chuyển về công trường dự án để đưa vào buồng chứa các máy TBM sẵn sàng lắp đặt, hoàn thiện cho từng mét hầm đào được.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội - MRB, với chiều dài đường hầm hơn 4 km, dự án phải sản xuất 3.488 vòng hầm, kích thước mỗi vòng hầm, mỗi vỏ hầm đường kính trong rộng 5,7m, đường kính ngoài rộng 6,3m, bề rộng vòng 1,5m, chiều dày vỏ hầm 0,3 m, nặng 4 tấn.

Trao đổi với PV Tiền Phong tại hiện trường dự án sản xuất vỏ hầm ngày 19/7, ông Nguyễn Văn An - Phó Tổng Giám đốc Nhà máy sản xuất bê tông Amacao, cho biết, vòng bê tông vỏ hầm của tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội được sản xuất tại nhà máy Amacao tại Hà Nam. Hiện, nhà máy đã sản xuất được hơn 800 vòng trên tổng số 3.488 vòng vỏ hầm của dự án. Cùng với việc sản xuất khẩn trương, hiện các vòng vỏ hầm thành phẩm hoàn thiện, nhà máy cũng đã cho xuất xưởng để chở về công trường dự án tại Hà Nội.

Theo ông An, quy trình sản xuất vỏ hầm (tunnel lining segments) tại nhà máy đã được phê duyệt trước khi tiến hành sản xuất. Quy trình sản xuất vỏ hầm bao gồm 10 giai đoạn: Thiết kế và lập kế hoạch; Chuẩn bị nguyên vật liệu và kiểm soát chất lượng vật liệu; Kiểm tra và nghiệm thu ván khuôn; Lắp đặt cốt thép; Đổ bê tông; Bảo dưỡng bê tông; Tháo khuôn và kiểm tra chất lượng; Hoàn thiện và xử lý bề mặt; Phủ lớp sơn chống thấm ngoài vỏ hầm; Lắp đặt phụ kiện vỏ hầm.

Cẩu, đưa các miếng vỏ hầm về Hà Nội để lắp hoàn thiện, đưa vào máy đào hầm.

Cẩu, đưa các miếng vỏ hầm về Hà Nội để lắp hoàn thiện, đưa vào máy đào hầm.

Nguyên vật liệu để sản xuất vỏ hầm bao gồm: Xi măng, cốt thép, cốt liệu (đá, cát), nước, phụ gia và các phụ kiện vỏ hầm. Sau quá trình chuẩn bị, bê tông được trộn bằng trạm trộn tự động theo tỷ lệ cấp phối đã được xác định, sau đó được đổ vào khuôn đúc đã lắp cốt thép, sử dụng các kỹ thuật đầm rung để loại bỏ bọt khí và đảm bảo bê tông phân bố đều.

Trong chiều và đêm ngày 19/7, chủ đầu tư và các nhà thầu đã thực hiện vận chuyển các vỏ hầm bê tông về công trường ga S9 ở Cầu Giấy (Hà Nội) để chuẩn bị cho việc đào hầm của các máy khoan BTM.

Dự án metro đoạn Nhổn – ga Hà Nội (tuyến đường sắt đô thị số 3) có chiều dài 12,5, trong đó đoạn đi trên cao dài 8.5 km, đoạn đi ngầm dài 4,5 km. Với đoạn trên cao có kế hoạch hoàn thành, khai thác vào tháng 7/2024, đoạn dưới thấp có kế hoạch hoàn thành vào năm 2027.

Trọng Đảng - Thanh Hiếu

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/san-xuat-va-van-chuyen-vo-ham-metro-tu-ha-nam-ve-ha-noi-post1656542.tpo