Sản xuất xanh gắn với giảm nghèo bền vững
Xanh hóa sản xuất góp phần hướng tới tăng trưởng bền vững và mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về kinh tế lẫn giá trị vô hình cho HTX. Nhận thức được điều đó, những năm qua, tỉnh Yên Bái đã xây dựng các HTX gắn với sản xuất xanh, quản lý, khai thác nguồn tài nguyên hợp lý và hiệu quả. Nhờ đó, đời sống và ý thức BVMT của người dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm.
Các HTX sản xuất xanh, nói không với hóa chất đã tạo ra công ăn việc làm, đảm bảo đời sống cho hàng chục nghìn lao động, góp phần vào chiến lược quốc gia về xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững.
Thu tiền tỷ từ nông nghiệp sạch
Những năm gần đây, nông dân Yên Bái đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi các mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống sang các mô hình sản xuất nông sản sạch, sử dụng phân hữu cơ, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng và cả môi trường sống.
HTX Sáu Không Farm, huyện Lục Yên, tỉnh Yên bái là một trong những điển hình về HTX kiểu mới, chú trọng ứng dụng công nghệ vào sản xuất xanh thân thiện với môi trường.
Anh Lục Vân Anh, Giám đốc HTX nhớ lại, nhận thấy môi trường ngày càng bị ô nhiễm do thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời sức khỏe của con người bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ tình trạng dùng nông sản nhiễm hóa chất, anh nảy sinh ý tưởng sản xuất nông nghiệp sạch.
Khởi đầu, anh trồng rau sạch trên diện tích 2.000 m2 nhưng thất bại. Lứa rau đầu tiên bị bão cuốn bay. Ðồng thời, do nguồn đất và nước chưa phù hợp với việc trồng rau sạch nên cây trồng phát triển kém, sâu bệnh nhiều, năng suất thấp.
Ban đầu có nhiều lúc anh muốn bỏ cuộc do thiếu kinh nghiệm tìm đầu mối liên kết, chuyển giao kỹ thuật, thiết bị công nghệ cao. Tuy nhiên, với mong muốn thoát nghèo và giúp bà con phát triển kinh tế, anh quyết tâm triển khai xây dựng mô hình HTX Sáu Không Farm.
"Trang trại được xây dựng với tiêu chí 6 không, gồm: không canh tác trên vùng đất, nguồn nước bị ô nhiễm; không sử dụng thuốc hóa học; không sử dụng thuốc diệt cỏ; không sử dụng phân hóa học; không sử dụng chất kích thích sinh trưởng và không sử dụng giống biến đổi gien", anh Vân Anh chia sẻ.
Đến nay tổng diện tích canh tác của HTX đã lên tới 2 ha. Sản lượng trung bình của HTX đạt từ 60 - 80 tấn rau, củ, quả/năm. Doanh số sản phẩm trung bình 20 - 30 tấn/vụ đã cho tổng doanh thu đạt 1,5 tỉ đồng/năm. Sau khi trừ chi phí, HTX thu về 500 triệu đồng/năm.
Ðặc biệt, HTX do anh Vân Anh làm chủ đã tạo việc làm trực tiếp cho 25 lao động là thanh niên nông thôn, giúp đỡ 15 hộ liên kết sản xuất có việc làm và thu nhập ổn định, giúp giảm nghèo cho người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc Tày. Chưa dừng lại với thành quả đó, anh Vân Anh đang thực hiện mô hình nông nghiệp trải nghiệm để giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh.
HTX góp phần tăng thu nhập cho người dân
Ông Đinh Khắc Yên, Chủ tịch UBND huyện Lục Yên đánh giá, hiện nay, các HTX trên địa bàn huyện đang từng bước trở thành nhân tố tích cực tham gia vào phát triển kinh tế xanh.
Nhiều HTX đã đạt hiệu quả, xây dựng được các mô hình đem lại giá trị kinh tế cao, chuyển giao nhanh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tăng thu nhập cho thành viên người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, ổn định chính trị, an sinh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
“Nhiều HTX trên địa bàn đã chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh theo hướng bảo vệ môi trường, đồng thời tích cực trong tạo việc làm, ổn định sinh kế cho thành viên, đóng góp có hiệu quả vào tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của huyện”. ông Đinh Khắc Yên cho hay.
Như tại HTX Thái Sơn, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên đi lên từ sản xuất sản xuất 2 vạn cây cam sành. Không dừng lại ở đó, HTX còn chuyển sang thu mua và sản xuất dầu lạc. Dù sản xuất ở lĩnh vực nào, HTX đều thực hiện theo chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như giải quyết triệt để bài toán ô nhiễm môi trường.
Ông Đàm Văn Việt – Giám đốc HTX cho biết: “Nếu như mọi năm, đơn vị luôn phải tìm nguồn nguyên liệu chế biến dầu lạc thì sau khi tham gia dự án chuỗi trên địa bàn, mọi khâu từ trồng, thu hoạch, ép dầu đã khép kín. Sản phẩm dầu lạc cũng vì thế mà có chất lượng và giá cả hợp lý hơn”.
Đặc biệt, việc sử dụng máy móc hiện đại vừa giúp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa hạn chế được lượng bã của hạt lạc, quá trình thu gom chất thải cũng nhanh, đơn giản hơn. Sau khi ép, bã hạt lạc cũng được tận dụng cùng lá, thân để ủ làm phân hữu cơ nên giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường và gia tăng giá trị kinh tế cho HTX.
Hiện nay, HTX đã tạo việc làm cho trên 30 lao động với mức thu nhập bình quân dao động từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Các lao động đa dạng độ tuổi, có những lao động gia đình hoàn cảnh khó khăn, là hộ nghèo, cận nghèo, những người khuyết tật, quá tuổi lao động, sức khỏe yếu, phụ nữ có con nhỏ từ khắp các địa phương trong huyện.
“Để nông nghiệp sạch tiếp tục phát triển, cùng với việc thay đổi tư duy sản xuất của người dân thì việc xây dựng thương hiệu, mời gọi, thu hút các tổ chức, cá nhân, HTX cùng tham gia sản xuất, tiêu thụ nông nghiệp sạch sẽ tạo nên một nền nông nghiệp xanh, bền vững. Đồng thời, giúp các thành viên HTX, người nông dân từng bước thay đổi tư duy sản xuất, đặc biệt từ hoạt động của HTX đã phá cách thức sản xuất độc canh đơn lẻ, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo hiệu quả”, ông Đinh Khắc Yên, Chủ tịch UBND huyện Lục Yên chia sẻ.