Sản xuất xe điện Trung Quốc thực tế không suôn sẻ như chúng ta nghĩ
Thị trường xe điện Trung Quốc đang chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của những đối thủ cạnh tranh với Tesla, như BYD, Nio, Zeekr, Xiaomi và Xpeng.
Trong thời gian gần đây, các hãng này đã lập nhiều kỷ lục về doanh số, nhưng cũng phải đối mặt với những thách thức lớn về tài chính.
Doanh số bùng nổ giữa cơn bão giảm giá
Hãng xe Nio, nổi tiếng với các trạm đổi pin và được dẫn dắt bởi CEO William Li – người được mệnh danh là "Elon Musk của Trung Quốc", vừa công bố khoản lỗ ròng 5,06 tỷ nhân dân tệ (khoảng 700 triệu USD) trong quý 3 năm nay, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này xảy ra dù hãng đạt kỷ lục với 61.800 xe được giao trong ba tháng qua.
Nguyên nhân chủ yếu là do cuộc chiến giảm giá khốc liệt tại thị trường xe điện Trung Quốc kéo dài trong suốt năm qua. Nio cho biết doanh thu từ bán xe giảm do giá bán trung bình thấp hơn, mặc dù số lượng xe giao tăng.
Tương tự, Zeekr và Xpeng cũng ghi nhận mức tăng trưởng doanh số ấn tượng nhưng phải chịu lỗ lớn. Zeekr giao 55.000 xe trong quý 3, tăng hơn 50% so với năm ngoái, trong khi Xpeng lập kỷ lục về doanh số trong tháng 10. Tuy nhiên, Zeekr lỗ 1,14 tỷ nhân dân tệ (157 triệu USD) và Xpeng lỗ 1,81 tỷ nhân dân tệ (250 triệu USD) trong cùng kỳ.
CEO của Xpeng, ông Hà Hiểu Bằng, chia sẻ rằng áp lực cạnh tranh khiến phần lớn các hãng xe Trung Quốc khó tồn tại trong thập kỷ tới. Ông nói với The Straits Times: "Từ 300 công ty khởi nghiệp, chỉ còn 100 công ty sống sót. Hiện nay, chưa tới 50 hãng vẫn hoạt động, và chỉ 40 trong số đó thực sự bán xe hàng năm. Tôi cho rằng trong 10 năm tới, chỉ còn lại bảy công ty xe lớn".
BYD - Ngoại lệ trong cuộc đua
Trái ngược với tình hình của các hãng xe điện khác, BYD - đối thủ lớn của Tesla - lại đạt được những thành công rực rỡ. Trong quý 3, hãng đạt lợi nhuận ròng 11,6 tỷ nhân dân tệ (1,6 tỷ USD), tăng 11,5% so với quý trước. BYD cũng lần đầu tiên vượt Tesla về doanh số bán hàng quý và ghi nhận doanh thu kỷ lục.
Sự thành công của BYD được cho là nhờ dòng xe hybrid mạnh mẽ cùng chiến lược sản xuất "tự cung tự cấp", giúp công ty giữ chi phí thấp. Theo giáo sư David Bailey, Đại học Birmingham, "BYD với mức độ tích hợp dọc cao, tự sản xuất thay vì mua nhiều linh kiện chiến lược sẽ giúp kiểm soát được quy trình sản xuất pin và chip với chi phí rất thấp".
Trong khi đó, Tesla gặp khó khăn tại thị trường Trung Quốc khi doanh số tháng 10 giảm 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù doanh số xe điện tại Trung Quốc đang tăng nhanh, các hãng xe vẫn phải đối mặt với bài toán khó về lợi nhuận. Áp lực giảm giá để cạnh tranh, cùng nhu cầu phải nhanh chóng tung ra các mẫu xe giá rẻ mới, đang khiến nhiều công ty phải chịu gánh nặng tài chính lớn.
Dù vậy, một số tên tuổi như BYD đang chứng minh rằng chiến lược đúng đắn có thể giúp vượt qua thử thách và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.