Sản xuất, xuất khẩu tinh dầu quế: Đừng 'bỏ trứng vào một giỏ'!

Giá bán thấp, thị trường nhập khẩu truyền thống tinh dầu quế sụt giảm dẫn đến nhiều nhà máy, cơ sở chiết xuất tinh dầu quế trên địa bàn tỉnh Yên Bái ngưng 'đỏ lửa', số còn lại hoạt động cầm chừng. 'Cơn bĩ cực' này cho thấy đã đến lúc phải quan tâm hơn nữa đến chế biến sâu sản phẩm tinh dầu quế và cần tìm đường xuất khẩu sang các thị trường khác thay vì 'bỏ trứng vào một giỏ' như hiện nay.

Các doanh nghiệp cần quan tâm chế biến sâu sản phẩm tinh dầu quế

Các doanh nghiệp cần quan tâm chế biến sâu sản phẩm tinh dầu quế

>> Đi vào "vết xe đổ", nghề nấu dầu quế lao đao

Những ngày này, về Văn Yên - nơi được coi là "thủ phủ” quế của tỉnh Yên Bái không còn gặp cảnh người người lên đồi tận thu cành, lá quế; các đoàn xe chở cành, lá, quế về các nhà máy cũng thưa dần. Bề ngoài yên bình ấy cũng phản ánh một thực tế không hề dễ chịu - nghề chế biến tinh dầu quế ngày càng trở nên khó khăn và bấp bênh. Chúng tôi vào nhà máy chế biến tinh dầu quế của Công ty TNHH An Thịnh Cường Phát ở thôn An Phú xã An Thịnh. Dạo một vòng quanh xưởng, các kho chứa nguyên liệu cũng đã vơi, chỉ có khoảng 2 tấn cành lá quế.

Lý giải điều này, công nhân ở đây cho biết, sau thời gian ngừng hoạt động, nhà máy mới hoạt động trở lại từ cuối tháng 5/2024. Nhà máy "đỏ lửa” trở lại chủ yếu để giữ chân công nhân thôi chứ lượng tinh dầu sản xuất ra vẫn còn để kho. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều cơ sở sản xuất tinh dầu quế trên địa bàn huyện Văn Yên.

Hiện trên địa bàn huyện Văn Yên có 11 nhà máy với 12 dây chuyền sản xuất và khoảng 10 hộ tư nhân nấu chưng cất thủ công. Sản lượng tinh dầu trung bình đạt trên 500 tấn/năm, chiếm 1/2 sản lượng của toàn tỉnh. Các nhà máy, cơ sở chế biến tinh dầu quế sử dụng nguyên liệu là cành nhỏ và lá quế tận thu, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người trồng quế. Tuy nhiên, hơn 2 năm trở lại đây, sản xuất tinh dầu quế trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do giá bán giảm sâu khiến các doanh nghiệp sản xuất cầm chừng.

Nhà máy chế biến tinh dầu quế của Công ty TNHH An Thịnh Cường Phát ở thôn An Phú xã An Thịnh.

Nhà máy chế biến tinh dầu quế của Công ty TNHH An Thịnh Cường Phát ở thôn An Phú xã An Thịnh.

Hợp tác xã Dịch vụ Nông lâm nghiệp tổng hợp Công Tâm, xã Xuân Ái, huyện Văn Yên hiện có 1 dây chuyền chưng cất tinh dầu quế với công suất 600 tấn lá quế/tháng, giải quyết việc làm cho 50 lao động với thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Nay thị trường ảm đạm nên HTX chỉ sản xuất cầm chừng.

Giám đốc HTX Trần Văn Kiên cho biết: "Giá tinh dầu quế hiện chỉ dao động từ 350 đến 360 triệu đồng/tấn và từ đầu năm đến nay đơn vị mới sản xuất được hơn 5 tấn tinh dầu quế, vẫn còn tồn kho khoảng 2 tấn tinh dầu, còn chủ yếu chuyển sang làm vỏ quế. Hiện cũng chỉ sản xuất cầm chừng, một phần giữ chân công nhân, hoạt động cho máy móc đỡ hỏng, một phần giữ mối mua nguyên liệu. Rất mong các cấp chính quyền đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho tinh dầu quế”.

Hiện toàn tỉnh Yên Bái có trên 82.000 ha quế và được coi là địa phương có vùng chuyên canh quế lớn của cả nước. Với vùng nguyên liệu dồi dào, cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm, nhu cầu về tinh dầu quế cũng tăng lên đáng kể. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào ngành này với nguyên liệu là cành nhỏ, lá quế tận thu, nông dân trồng quế có thể tận dụng mọi sản phẩm từ cây quế.

Trên địa bàn tỉnh có 16 nhà máy chiết xuất tinh dầu quế với quy mô tương đối lớn sử dụng công nghệ lò hơi để chiết xuất tinh dầu, tổng công suất là 1.000 tấn sản phẩm tinh dầu/năm. Thời kỳ hoàng kim, giá một tấn tinh dầu quế lên đến 600 - 700 triệu đồng, các cơ sở chế biến ăn nên làm ra thu được lợi nhuận đáng kể.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 đến nay, sản xuất tinh dầu quế trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do giá bán giảm sâu, thị trường tiêu thụ giảm sút. Tính riêng tại thủ phủ quế Văn Yên năm 2023, sản lượng tinh dầu quế đạt khoảng 350 tấn, nhưng sản lượng tiêu thụ chỉ đạt khoảng 60 -70%. Nguyên nhân chính dẫn đến điều này là do mặt hàng này chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc. Tại nhiều thời điểm, thị trường truyền thống này bị ngừng trệ, thậm chí "đóng băng” khiến rất nhiều cơ sở chế biến tinh dầu ngưng "đỏ lửa", số còn lại cũng sản xuất cầm chừng.

Trước thực trạng này, bài toán đặt ra cho các cơ sở, doanh nghiệp chế biến tinh dầu quế là phải mở rộng thị trường để không phụ thuộc vào 1 thị trường. Tuy nhiên, muốn làm được điều này các doanh nghiệp phải tiến hành nâng cấp dây chuyền sản xuất nhằm chế biến sâu. Bởi hầu hết các cơ sở, nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh chỉ là sản phẩm tinh dầu thô, hàm lượng tinh dầu quế đạt 82-85%, có giá trị thấp. Sản phẩm tinh dầu quế này sau khi xuất khẩu, tiếp tục được tinh chế thành các loại tinh dầu có giá trị sử dụng cao, được sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp y dược, công nghiệp chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, hương liệu.

Thực tế, tình trạng đìu hiu ở thủ phủ quế Văn Yên nói riêng hay ngành công nghiệp chế biến tinh dầu trên địa bàn sẽ còn rơi vào tình trạng bi đát hơn nếu các cơ sở sản xuất không thay đổi tư duy, cải thiện công nghệ máy móc. Không phải các doanh nghiệp không nghĩ đến điều này nhưng vấn đề là "lực bất tòng tâm”.

Ông Trần Văn Kiên - Giám đốc Dịch vụ Nông lâm nghiệp tổng hợp Công Tâm cho biết: "Để đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến sâu cần phải mất hơn 40-50 tỷ đồng, trong khi đó thị trường chưa biết thế nào nên hiện trên địa bàn chưa có doanh nghiệp nào đầu tư”. Trước thực tế này, ngành chức năng, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, hỗ trợ về công nghệ chế biến sâu, đặc biệt cần thu hút được doanh nghiệp có đủ năng lực về vốn, về công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị quế. Khi đó các doanh nghiệp này sẽ đứng ra bao tiêu tinh dầu quế từ các cơ sở sản xuất của địa phương làm nguyên liệu cho sản phẩm chế biến sâu để xuất khẩu. Còn nếu cứ sản xuất sản phẩm thô cùng với việc "bỏ trứng vào một giỏ” như hiện nay thì các nhà máy chế biến tinh dầu chỉ biết nằm im và trông chờ vào một cú hích tích cực từ thị trường Trung Quốc.

Văn Thông

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/324777/san-xuat-xuat-khau-tinh-dau-que-dung-bo-trung-vao-mot-gio.aspx