Sandbox cho kinh tế chia sẻ rồi gì nữa

Khái niệm thương mại dịch vụ lần đầu tiên được chính thức đề cập trong Luật Thương mại năm 1997. Nhưng giới luật học và nền kinh tế Việt Nam chỉ bắt đầu chú tâm từ khoảng mười năm sau đó, khi Việt Nam bắt đầu trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Đến nay, thương mại dịch vụ, đặc biệt là phương thức cung ứng dịch vụ xuyên biên giới, mới chỉ thật sự thu hút sự chú ý khi... Uber và Grab xuất hiện.

Kinh tế học cũng có đề cập và phân tích về độ trễ của chính sách. Nhưng “trễ” đến mức thế giới đã đi quá xa và bỏ mình ta với những thất bại thì cũng cần phải xem lại.

Dự thảo về Đề án Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ vừa được công bố cho thấy sự phản ứng cần thiết và mang nhiều ý nghĩa của Chính phủ. Nhưng liệu có rút ngắn được độ trễ nếu như bản chất của mô hình không được tiếp cận đầy đủ, và các giải pháp khả dĩ không được đưa ra.

Sandbox và nhu cầu về môi trường vận hành thực sự

Không thể phủ nhận, chính môi trường năng động của nền kinh tế số là nhân tố kích hoạt sự “vùng vẫy” của kinh tế chia sẻ, vì vậy giải pháp số là chọn lựa khả dĩ của nhà nước để thực thi chính sách thúc đẩy và kiểm soát hoạt động kinh doanh. Giải pháp số được coi là điểm nhấn trong bản dự thảo của đề án và là cơ chế thử nghiệm chính sách mới, hay còn gọi là sandbox.

Đây không phải lần đầu tiên sandbox được nhắc đến trong hoạt động hoạch định chính sách. Đầu năm ngoái, trên cơ sở nhận định về sự xuất hiện và xu hướng phát triển của FinTech (financial technology) ở Việt Nam, sandbox đã được đề cập như một lựa chọn hữu ích để Ngân hàng Nhà nước ứng xử với các biến chuyển trên thị trường tài chính - ngân hàng. Dù vậy, sandbox đến nay vẫn còn đang được... bàn tiếp, trong khi với thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế lân cận, sandbox đã không còn xa lạ dù chỉ mới được nghĩ ra vào năm 2012.

Thử nghiệm chính sách là cơ chế để tạo ra một không gian mới, ứng dụng các giải pháp và sự điều chỉnh pháp lý phù hợp để có thể tiếp nhận các ý tưởng sáng tạo hay mô hình kinh doanh - thương mại mới. Ở khía cạnh này, ý nghĩa rõ ràng nhất của sandbox là tính chất “kích hoạt” sự thử nghiệm và tìm kiếm cái mới, mang lại các giá trị mới cho nền kinh tế. Nhưng khi quá trình thử nghiệm đã đủ kiểm chứng, thì đối tượng thụ hưởng cần ra khỏi sandbox để bước sang không gian sản xuất - vận hành thực thụ và chịu sự chi phối của môi trường kinh doanh và pháp lý chính thức đã được định hình.

Chương trình thí điểm đối với taxi công nghệ chính là một sandbox. Nhưng sau hai năm thử nghiệm, gia hạn, và điều chỉnh thì đến nay taxi công nghệ vẫn chưa thể chính thức bước vào một không gian vận hành thực thụ.

Điều này cho thấy, tiếp cận về bản chất kinh doanh và mô hình kinh doanh cực kỳ quan trọng.

Đi tìm bản chất của mô hình kinh doanh

Khi tư duy về quyền tự do kinh doanh thoát khỏi sự ràng buộc, giới hạn về lĩnh vực và ngành nghề được chấp nhận và cụ thể hóa trong Luật Doanh nghiệp 2014, thì hoạt động quản lý sẽ tập trung vào các ngành và lĩnh vực cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện và cùng với đó là hệ thống hóa bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn phù hợp. Đồng thời, tiếp cận bản chất mô hình kinh doanh và đánh giá tác động của nó đối với thị trường và nền kinh tế cần được quan tâm nhằm dẫn dắt quá trình xây dựng và thực thi chính sách.

Ở góc độ này, trở lại với bản dự thảo đề án nói trên, các mô hình kinh doanh mới của kinh tế chia sẻ chưa thật sự được... nhìn thấu. Dự thảo giới thiệu nhóm giải pháp đối với các doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp cung cấp nền tảng trong kinh tế chia sẻ (mục 3.3), nhưng lại chưa đề cập đến mô hình mà ở đó doanh nghiệp sở hữu nền tảng cũng đồng thời là bên (sử dụng nền tảng đó) cung cấp dịch vụ trong nền kinh tế chia sẻ.

Đây chính là hướng đi của taxi công nghệ, khách sạn trực tuyến (chẳng hạn như Airbnb)... được nhiều nghiên cứu gọi tên là mô hình kinh doanh lưỡng diện (two side business). Chính mô hình kinh doanh này mới thật sự là ngòi kích cho hoạt động kinh doanh và những tác động của nó trên thị trường cần phải quan tâm. Cơ quan cạnh tranh Singapore buộc phải lưu ý đến điều này trong phân tích và xử lý thương vụ mua lại giữa Grab và Uber. Trong khi đó, việc không tiếp cận góc độ này đã trở thành một trong những nguyên nhân làm cho những tranh cãi về mô hình taxi công nghệ tiếp tục dai dẳng ở Việt Nam.

Tiếp theo, cũng cần tỉnh táo để không bị dẫn dắt bởi ý niệm “chia sẻ” mà quên đi ý đồ kinh doanh và bản chất kinh tế của nó. Sự tỉnh táo đó sẽ giúp nhà hoạch định chính sách kiểm soát mức độ cởi mở và có sự giới hạn cần thiết đối với các hoạt động kinh doanh chia sẻ, như bất kỳ một hoạt động kinh doanh nào khác.

Airbnb và “phản ứng” của Nhật Bản

Cách đây không lâu, khi loay hoay tìm phòng nghỉ giúp vài người bạn từ Việt Nam sang Nhật du lịch trên Airbnb, người viết bài này có cơ hội tìm hiểu thêm về khung pháp lý khá thú vị của Nhật Bản đối với hoạt động này. Cụ thể, sau khoảng năm năm xuất hiện, từ giữa năm 2018, Airbnb đã phải đáp ứng nhiều điều kiện hơn để có thể được... chia sẻ.

Theo quy định, các chủ nhà phải thông qua một công ty quản lý bất động sản được cấp phép để tham gia cho thuê phòng trên Airbnb (gọi là host) và phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về diện tích tối thiểu, điều kiện vệ sinh, phòng cháy chữa cháy, và khắt khe hơn là phải có sự đồng thuận của... hàng xóm, liên quan đến những cam kết rằng hoạt động kinh doanh... không tiếng ồn để khỏi ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của họ.

Với những khu vực đặc biệt, nhiều quy định cá biệt khác cũng được đưa ra. Có nhiều vùng, như Shijuku, Nerima và Bunkyo (Tokyo) và Yokohama (Kanagawa), có thể host chỉ được hoạt động vào dịp cuối tuần hay kỳ nghỉ lễ và tuyệt nhiên không được hoạt động ở Ota (Tokyo). Riêng ở Kyoto thì host được hoạt động vào tháng 1 và 2. Ngoài việc có giới hạn riêng về diện tích phòng, các host ở các vùng này cũng chỉ có thể kinh doanh tối đa 180 ngày trong một năm. Chính quyền Tokyo, Osaka, Niigata và Kyusu còn hạn định một khách phải lưu trú tối thiểu hai đêm và tối đa được chín đêm.

Có thể sẽ có nhiều ý kiến về mô hình của Nhật Bản. Nhưng cách tiếp cận này cho thấy Nhật Bản đã bóc tách được bản chất của hoạt động kinh tế chia sẻ - nơi huy động tối đa nguồn lực nhàn rỗi, với hoạt động kinh doanh chuyên nghiệp. Và quan trọng hơn, các thông số tiêu chuẩn hóa đó là nhằm bảo đảm cho các lợi ích cần được bảo vệ, như bên lưu trú và các trật tự chung.

Để có thể làm được điều đó, pháp luật Nhật Bản phải có bộ khung chế tài đủ mạnh. Quan trọng hơn, như nhận định của nhà lý luận pháp luật nổi tiếng H. L. A. Hart (1907-1992), đó là các quy tắc cần thiết để bảo toàn cho đời sống xã hội. Hay nói cách khác, mỗi cá nhân cần phải chấp nhận sự “đánh đổi” và tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ của mình để có được sự bảo vệ từ phía nhà nước.

Ba vấn đề cần được giải quyết

Có thể nói đó là triết lý quan trọng cho sự giới hạn của luật pháp đối với quyền của cá nhân. Chẳng hạn như có thể lập luận theo nguyên tắc này để bảo vệ ý tưởng hạn chế sử dụng phương tiện lưu thông cá nhân cho các nhu cầu kinh doanh (nhu cầu ngoài cá nhân) để đảm bảo trật tự lưu thông chung. Từ cơ sở tiếp cận này, quá trình xây dựng định chế pháp lý cho mô hình kinh tế chia sẻ cần lưu ý và giải quyết triệt để ít nhất các vấn đề sau.

Một, tiếp cận về mặt chính sách cần dứt khoát giữa mục tiêu tận dụng nguồn lực và khai thác tài sản nhàn rỗi với mục đích phát triển kinh doanh. Điều này sẽ quyết định cho sự lựa chọn chính sách quản lý tiếp theo, tiêu biểu nhất là chính sách thuế. Nghĩa vụ thuế phải được thực thi một cách triệt để nếu nhà nước có định hướng đưa kinh tế chia sẻ trở thành phương thức kinh doanh chính thức.

Ngược lại, nếu thúc đẩy các mục tiêu theo hướng tận dụng tài nguyên và nhằm phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng, nghĩa vụ thuế cần có những giới hạn tương ứng với những giới hạn về mức độ tự do phát triển và cạnh tranh của kinh tế chia sẻ.

Hai, đến lượt mình cơ quan thuế và hoạt động thu thuế thật sự phải được cải tiến. Sự hô hào, thúc giục khó có thể phát huy được hiệu quả, nhất là khi đối tượng có hoạt động kinh doanh và hưởng lợi từ hoạt động kinh doanh đang ở... ngoài biên giới. Thậm chí, ngay cả khi pháp luật có bộ chế tài mạnh thì cơ quan thuế vẫn cần có bộ công cụ công nghệ số đủ mạnh để có thể dò tìm các biểu hiện sai phạm, trốn thuế và lẩn tránh thuế.

Hay ít ra thì cơ quan thuế cũng giảm bớt sự lạnh lùng để có thể tối đa hóa cơ hội sử dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA), cơ chế tính thuế phổ biến nhằm kiểm soát chuyển giá, và quan trọng là cơ chế đó đã chính thức được ghi nhận trong Luật Quản lý thuế sửa đổi từ năm 2012.

Và ba, nhà nước cần định hình khung pháp lý nhằm bảo đảm quyền lợi của bên lao động, cụ thể nhất là chính sách bảo hiểm và an sinh xã hội.

Trương Trọng Hiểu

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/286688/sandbox-cho-kinh-te-chia-se-roi-gi-nua-.html