Sáng đẹp hình ảnh thầy thuốc quân hàm xanh trên biên giới
Nhiều khu vực biên giới hiện vẫn còn khó khăn, nhất là về giao thông, hệ thống y tế hạn chế. Trong điều kiện đó, những bác sĩ, y sĩ BĐBP đã và đang ngày đêm nỗ lực chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới. Hoạt động kết hợp quân dân y đã góp phần bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho người dân và bộ đội, mang lại niềm vui và hạnh phúc cho quân - dân biên giới, giúp cho thế trận Biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc.
Cuộc đời như được hồi sinh
Xã biên giới Ia Rvê là một trong những xã xa nhất của huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Ia Rvê là nơi sinh sống của khoảng 6.800 người thuộc gần 30 thành phần dân tộc thiểu số khác nhau. Người dân ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số từ các tỉnh phía Bắc và tỉnh Bến Tre di cư tới theo các chương trình tái định cư, xây dựng vùng kinh tế mới nên đời sống của bà con còn khó khăn. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng y tế thiếu thốn khiến cho công tác chăm sóc sức khỏe của người dân còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, từ khi Phòng khám quân dân y kết hợp Ia Rvê đi vào hoạt động đã góp phần tích cực trong công tác khám, chữa bệnh cho bà con các dân tộc sinh sống trên địa bàn.
Thiếu tá, bác sĩ Hoàng Ngọc Linh, cán bộ Đồn Biên phòng Ia Rvê, BĐBP Đắk Lắk hiện đang thực hiện nhiệm vụ tại Trạm quân dân y kết hợp xã Ia Rvê được người dân các xã xung quanh yêu quý, tín nhiệm bởi đức tính tận tụy, hết lòng vì người bệnh. Anh được coi là thầy thuốc “mát tay” khi chữa trị thành công nhiều ca bệnh từ các bệnh viện tuyến trên. Điển hình là việc Thiếu tá Linh điều trị thành công cho anh Nguyễn Văn Lệ, thôn 1, xã Ia Rvê. Anh Lệ vốn có tiền sử cao huyết áp. Hồi tháng 7/2023, anh bị đột quỵ, tổn thương não phải dẫn tới liệt nửa người bên trái. Gia đình anh Lệ thuộc diện khó khăn, nhà làm bằng tôn. Để chữa trị cho anh Lệ, gia đình anh đã gom góp, chạy vạy tiền đưa tới bệnh viện huyện điều trị nhưng không khỏi.
Người nhà anh Lệ sau khi nghe người dân trong xã kể về sự tận tâm, tài năng và y đức của Thiếu tá Hoàng Ngọc Linh, đã tới gặp anh đề nghị giúp đỡ. Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của bệnh nhân, anh Linh không chút ngần ngại đã nhận lời ngay. Do anh Lệ không đi lại được, anh Linh phải tới tận nhà thăm khám và châm cứu. Sau đợt điều trị đầu tiên kéo dài 10 ngày, anh Lệ đã bước đi được mấy bước, nói lại được tuy giọng vẫn còn ngọng. Anh Linh tiếp tục châm cứu đợt 2. Niềm vui, hạnh phúc vỡ òa với cả gia đình anh Lệ khi anh đã tự chống gậy đi lại được, giọng nói gần trở lại bình thường sau gần 7 tháng nằm một chỗ. Với anh Lệ, việc có thể đứng dậy, đi lại được giống như cuộc đời được hồi sinh vậy.
Kể về ca bệnh này, Thiếu tá Hoàng Ngọc Linh chia sẻ: “Tôi rất vui vì đã chữa trị cho anh Lệ đi lại được. Tuy nhiên, để sức khỏe của anh Lệ có thể hồi phục như ban đầu là rất khó và cần thời gian dài. Hiện, tôi vẫn đang tiếp tục châm cứu, điều trị Đông y cho anh ấy. Với tôi, mỗi ca bệnh được chữa khỏi là tôi có thêm động lực để tiếp tục công việc mình đang làm”.
Điểm tựa của quân - dân biên giới
So với nhiều xã biên giới khác, cuộc sống của người dân xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị còn vô cùng khó khăn. Thiếu tá Trần Minh Vũ, y sĩ, nhân viên quân y Đồn Biên phòng A Vao, BĐBP Quảng Trị được giao phụ trách Trạm quân dân y kết hợp Pa Lin đã có 5 năm gắn bó ở A Vao nên hiểu hơn ai hết những khó khăn, vất vả của người dân nơi đây mỗi khi ốm đau, bệnh tật. Anh cho biết: “A Vao cách xa trung tâm huyện, đường sá đi lại khó khăn, do đó, bà con ít có điều kiện chăm sóc sức khỏe bản thân. Mỗi lần ốm đau, người dân thường đến Trạm quân dân y kết hợp để khám chữa bệnh. Ở đây, bà con hay mắc các loại bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa”.
Chúng tôi được biết, ngoài khám, chữa các loại bệnh theo mùa, cán bộ ở Trạm quân dân y kết hợp Pa Lin, Đồn Biên phòng A Vao còn xử lý cả các trường hợp cấp cứu ban đầu, đỡ đẻ. Một trong những ca bệnh đáng nhớ là hồi cuối năm 2022, cán bộ của trạm đã đỡ đẻ thành công cho sản phụ Hồ Thị Chuôi. Chị Chuôi được gia đình đưa đến Trạm quân dân y kết hợp Pa Lin trong tình trạng đã vỡ ối, sức khỏe yếu, tinh thần hoảng loạn. Sau khi tiếp nhận, quân y của Đồn Biên phòng A Vao lập tức tiến hành sơ cứu, thực hiện các kỹ thuật chuyên môn để hỗ trợ sản phụ sinh con. Khoảng 3 giờ sau đó, chị Chuôi đã hạ sinh thành công con trai bằng biện pháp sinh thường.
Bên cạnh việc khám, chữa bệnh cho người dân, Thiếu tá Vũ luôn chú tâm chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Một trong những khó khăn trong công tác khám chữa bệnh ở A Vao là trang thiết bị y tế, cơ số thuốc còn thiếu thốn nhiều, trong khi đó, đường sá đi lại khó khăn, với những trường hợp bệnh nặng cần chuyển tuyến điều trị, việc di chuyển rất vất vả. Trong nhiều trường hợp, những cán bộ quân y như Thiếu tá Vũ phải huy động mọi nguồn lực, nhân lực để cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân. Một trong những ca bệnh mà anh nhớ mãi, đó là vào cuối năm 2020, khi cả miền Trung hứng chịu đợt lũ lụt lịch sử, một cán bộ của đơn vị bị đau ruột thừa. “Khi đó, mưa lũ đã gây chia cắt, đường sá bị sạt lở nhiều đoạn, không thể di chuyển bằng phương tiện cơ giới được. Chúng tôi phải huy động người dân, vận chuyển người bệnh bằng cáng, đi bộ hơn 20km. Anh em động viên nhau đi nhanh hết sức có thể, sau 3 giờ, chúng tôi đã đưa được đồng đội ra bệnh viện huyện cấp cứu kịp thời” – anh Vũ kể lại.
Vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị
Hiện tại, trên toàn tuyến biên giới đất liền và hải đảo, các đơn vị BĐBP hiện đang cử 123 y, bác sĩ tham gia tại 102 cơ sở quân dân y chăm sóc sức khỏe cán bộ, chiến sĩ và nhân dân khu vực biên giới. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, các đơn vị đã tổ chức khám, điều trị tại các tuyến quân y cho hơn 100.000 lượt người, cấp cứu cho 780 lượt người dân; tổ chức 121 đợt khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gần 30.000 lượt người dân trên địa bàn biên giới; tham gia tiêm chủng mở rộng tại địa phương cho 36.600 lượt trẻ em.
Ngoài ra, quân y các đơn vị đã tham gia khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân biên giới nước bạn Lào, Campuchia. Từ đầu năm 2023 đến nay, các tuyến quân y đơn vị đã cấp cứu cho 86 lượt người, khám cho 3.785 lượt người dân nước bạn, tổ chức 5 đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 3.000 lượt người dân nước láng giềng.
Có thể nói, những thầy thuốc quân hàm xanh đã thực sự là điểm tựa, không chỉ góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và người dân nơi biên viễn xa xôi, mà còn vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai bên biên giới ngày càng sâu sắc, bền chặt.