Sáng kiến công tư hỗ trợ doanh nghiệp tiên phong
Khu vực tư nhân đang đứng trước nhiều cơ hội để nâng tầm và phát triển, tuy nhiên cũng đang vướng phải nhiều thách thức, rào cản to lớn.
Sau 15 năm hình thành và phát triển, với chiến lược đầu tư bài bản ngay từ đầu, tích cực phát triển hệ thống nhân sự chất lượng, nòng cốt, công ty Vĩnh Hưng JSC đã trở thành một cái tên lớn trong ngành cung ứng vật liệu xây dựng, tiên phong thay thế hàng nhập khẩu những sản phẩm cơ khí giao thông như gối cầu, lan can, thép chống ồn… cũng như đưa các sản phẩm này ra thị trường quốc tế.
Đại dịch Covid-19 ập đến với nhiều khó khăn, mất mát nhưng cũng mở ra cơ hội lớn cho ngành xây dựng khi chính phủ nhiều quốc gia đang dồn lực đầu tư công, xây dựng cơ sở hạ tầng để phục hồi kinh tế. Đây là cơ hội lớn để Vĩnh Hưng JSC thực hiện mục tiêu mở rộng thị trường, trở thành nhà cung ứng cơ khí hàng đầu ASEAN.
Đứng trước cơ hội to lớn ấy nhưng ông Võ Tá Lương, Tổng giám đốc Vĩnh Hưng JSC vẫn không giấu nổi sự băn khoăn, lo lắng. Là doanh nghiệp tiên phong, ông Lương hiểu được những thách thức mà doanh nghiệp cơ khí Việt Nam gặp phải khi xuất khẩu ra nước ngoài.
Đó là Việt Nam chưa có thương hiệu quốc gia về sản phẩm cơ khí, do đó khi xuất sang nước ngoài vẫn chưa chiếm được lòng tin của khách hàng. Cùng với đó, văn hóa kinh doanh, thông tin thị trường, tiêu chuẩn kỹ thuật là những điều Vĩnh Hưng JSC vẫn phải “vừa làm vừa học”, chưa thể so bì với những đối thủ cạnh tranh quốc tế hàng chục, thậm chí cả trăm năm kinh nghiệm.
Đứng trước cơ hội to lớn nhưng băn khoăn về năng lực cạnh tranh cũng là tâm trạng của bà Đặng Thị Thanh Vân, Giám đốc công ty Savvycom, doanh nghiệp công nghệ, phần mềm hàng đầu Việt Nam.
Bà Vân cho biết, làn sóng chuyển đổi số đang xảy ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chính phủ ban hành chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Đổi mới sáng tạo quốc gia với những tầm nhìn đầy tham vọng là sự khuyến khích rất lớn để Savvycom thực hiện hóa mục tiêu trở thành doanh nghiệp dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghệ.
Tuy nhiên, thách thức về mức độ sẵn sàng về nguồn lực và kỹ năng cũng như khả năng ngôn ngữ của lập trình viên đang là những điều khiến Savvycom không tránh khỏi e ngại khi vươn ra quốc tế, tham gia cuộc chơi với những ông lớn hàng đầu.
Sự băn khoăn, lo lắng của ông Lương, bà Vân đã nói lên phần nào “tiếng lòng” của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Họ sẵn sàng nâng tầm, sẵn sàng phát triển, vươn ra quốc tế để dựng xây và vinh danh tổ quốc. Tuy nhiên, họ cũng đang phải loay hoay với nhiều bài toán nan giải.
Doanh nghiệp lúng túng với chuyển đổi số
Bà Phạm Thị Bích Huệ, Phó chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết, Việt Nam đang hướng đến nền kinh tế hội nhập sâu rộng. Cùng với việc bước sang giai đoạn phát triển mới dựa trên trí tuệ và công nghệ cũng như những biến động sâu sắc từ đại dịch Covid-19, nhu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cấp lao động, hoàn thiện mô hình kinh doanh… đang ngày càng trở nên cấp thiết.
Những khó khăn như thiếu vốn; thiếu công nghệ; thiếu sự hợp tác, liên kết với doanh nghiệp nước ngoài; thiếu lao động trình độ cao; kỹ năng quản lý chưa tốt… vẫn là rào cản rất lớn để khu vực tư nhân thực hiện hóa khát vọng.
Sáng kiến công tư hỗ trợ doanh nghiệp tiên phong
Đứng trước cơ hội và thách thức, Savvycom và Vĩnh Hưng JSC là 2 trong số khoảng 5.000 doanh nghiệp tham gia vào Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân do Bộ Kế hoạch và đầu tư và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) phối hợp tổ chức.
Nói về quyết định tham gia của dự án, ông Lương đánh giá cao điểm mới là phương thức công tư, doanh nghiệp phải đóng góp nguồn lực để thực hiện dự án thay vì nhận hỗ trợ 1 chiều từ các nhà tài trợ. Doanh nghiệp phải đóng góp chắc chắn sẽ tạo ra được quyết tâm, từ đó tạo tiền đề cho sự bứt phá của chính doanh nghiệp.
Chia sẻ quan điểm với lãnh đạo Vĩnh Hưng JSC, theo bà Vân, danh nghiệp đã “thể hiện quyết tâm ngay từ việc đăng ký tham gia. Bà chủ Savvycom cũng đặt kỳ được hỗ trợ kết nối, hợp tác với những doanh nghiệp nước ngoài, mở rộng thị trường ra nước ngoài và đặc biệt là được hỗ trợ xây dựng những công cụ quản trị doanh nghiệp.
Một yếu tố khác được doanh nghiệp đánh giá cao ở dự án là những hỗ trợ liên quan đến đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ, yếu tố mà theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Duy Đông đánh giá là mang tính sống còn trong nền cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
Các giải pháp được thiết kế trên tinh thần tận dụng đội ngũ nhân tài Việt Nam, khuyến khích sản phẩm, dịch vụ, sáng kiến của người Việt, từ đó tạo ra hiệu ứng lan tỏa. Với đối tượng chính là nhóm doanh nghiệp tiên phong, dự án cũng kỳ vọng tạo ra những hình mẫu phát triển để nhân rộng mô hình tới những doanh nghiệp đang vấp phải thách thức trên quá trình tăng trưởng, mở rộng.
Doanh nghiệp của người yếu thế, doanh nghiệp phụ nữ làm chủ cũng là đối tượng được ưu tiên, thể hiện một tầm nhìn về sự bao trùm và bền vững.
Với quy mô 36 triệu USD, dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân đặt mục tiêu hỗ trợ cho khoảng 5 nghìn doanh nghiệp, trong đó 240 doanh nghiệp sẽ gia nhập thành công thị trường quốc tế, 60 doanh nghiệp tiên phong nhận các gói hỗ trợ chuyên biệt. Những doanh nghiệp này là lực lượng nòng cốt để tạo ra sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao, định vị thương hiệu made in Việt Nam trên trường quốc tế.