Sáng kiến Vành đai và Con đường - 'Siêu dự án' nhiều kỳ vọng Bài 3: Cầu nối Trung Quốc - Đông Nam Á
Với Đông Nam Á, sáng kiến 'Vành đai và Con đường' (BRI) đã mang lại không ít thuận lợi, khi cung cấp nguồn vốn quan trọng và cần thiết, góp phần thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng và các nền kinh tế khu vực.
Những cái bắt tay
Đầu tháng 10-2023, Indonesia khai trương tuyến tàu cao tốc đầu tiên ở Đông Nam Á, tuyến đường sắt kết nối hai thành phố lớn nhất nước này, từ thủ đô Jakarta tới Bandung, dài 142km. Có thể đạt 350km/h, tuyến tàu nhanh nhất Đông Nam Á thuộc khuôn khổ BRI tiêu tốn tới 7,3 tỷ USD, đánh dấu hợp đồng đường sắt cao tốc đầu tiên Trung Quốc triển khai thành công ở nước ngoài.
Trước đó, tháng 12-2021, tuyến đường sắt bán cao tốc với tốc độ tối đa 160km/h nối Côn Minh (Trung Quốc) với Viêng Chăn (Lào) đã khánh thành. Tuyến tàu dài 1.035km này tiêu tốn 6 tỷ USD, phần lớn từ nguồn vốn Trung Quốc.
Thực tế, đường sắt Jakarta - Bandung hay Côn Minh - Viêng Chăn mới là hai trong số nhiều điểm sáng thành tựu mà BRI đã đạt được sau tròn 10 năm hình thành và triển khai trên phạm vi quốc tế nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng.
Trung Quốc cũng đã giành được hợp đồng triển khai tuyến đường sắt bờ biển phía đông (ECRL) dài 665km nối liền hai bờ duyên hải đông bắc bán đảo Malaysia, từ cảng Klang ở eo biển Malacca tới Kota Bharu. Dự kiến vận hành từ năm 2027, đây là một trong những dự án lớn nhất thuộc BRI với dự toán chi phí khoảng 12,1 tỷ USD, được tài trợ từ khoản vay của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (EXIM). Chưa dừng ở đó, nếu mọi việc diễn ra đúng kế hoạch, trong những thập kỷ tới sẽ còn tuyến đường sắt mới nối Bắc Kinh với Bangkok và Singapore, một phần quan trọng khác của BRI.
Những khoản đầu tư mạnh tay của Trung Quốc dành cho ASEAN là dễ hiểu, bởi thực tế Đông Nam Á từ lâu vẫn là khu vực có tầm quan trọng chiến lược đối với Bắc Kinh.
Bản thân các quốc gia Đông Nam Á cũng có nhiều lý do chào đón BRI, khi cơ sở hạ tầng nghèo nàn và lỗi thời tiếp tục là rào cản tăng trưởng của nhiều nền kinh tế trong khu vực. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các nước Đông Nam Á sẽ cần khoảng 2.759 tỷ USD (tương đương 5% GDP) cho đầu tư cơ sở hạ tầng giai đoạn 2016 -2030. Do vậy, việc tiếp cận các khoản đầu tư của Trung Quốc qua BRI được các nước Đông Nam Á đánh giá cao, đặc biệt là khi nguồn vốn từ các nhà đầu tư tư nhân và các tổ chức tài chính quốc tế còn hạn chế và không đáp ứng đủ nhu cầu của khu vực.
Các dự án cơ sở hạ tầng mới do BRI cấp vốn có thể sẽ giúp thúc đẩy hiệu suất kinh tế đáng kể trong bối cảnh hiện nay. Ở cấp độ khu vực, các hệ thống đường cao tốc, sân bay, cảng biển và đường sắt, đương nhiên sẽ tạo điều kiện cho thương mại và du lịch nội khối. Chưa dừng ở đó, Đông Nam Á còn là điểm đến quan trọng cho các khoản đầu tư trong khuôn khổ “Con đường tơ lụa kỹ thuật số”, với các công ty Trung Quốc đang cung cấp cơ sở hạ tầng viễn thông ở một số nước như Campuchia, Lào, Myanmar…
Tuy vậy, một số ý kiến phân tích cũng chỉ ra, BRI đem đến nhiều hứa hẹn nhưng sẽ khiến các nước ASEAN phải đối mặt với một số thách thức nhất định. Một thực tế hiển nhiên là BRI ưu tiên thúc đẩy lợi ích kinh tế của Trung Quốc ở nước ngoài, đồng nghĩa các nước nhận vốn sẽ phải sử dụng công nghệ, thiết bị và nhà thầu của Trung Quốc cho các dự án do sáng kiến này cấp vốn.
Thực tiễn này có thể sẽ gây ra các vấn đề cho cả các nước tiếp nhận lẫn chính Trung Quốc. Nếu không xử trí khéo léo, những vấn đề này sẽ không chỉ tước đi những lợi ích kinh tế các nước ASEAN mong muốn, mà còn gây tổn hại đến triển vọng của chính BRI.
Cầu nối quan trọng
Là một nền kinh tế thành viên ASEAN, Việt Nam đương nhiên cũng có những ích lợi và cả những thách thức từ BRI. Thông qua BRI, Việt Nam có thể nhận thêm nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng và giao thông, đặc biệt là kết nối vào Đông - Tây; kết hợp gia tăng năng lực phục vụ và phát triển kinh tế; đồng thời tận dụng cơ hội này tăng trao đổi thương mại đầu tư, gắn kết với các nước Đông Nam Á. Tham gia BRI cũng có thể mang lại những tiềm năng du lịch lớn hơn cho cả Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng, những thách thức về nợ công, chất lượng dự án… vẫn là rào cản lớn.
Tuy nhiên, trên tinh thần thúc đẩy hợp tác quốc tế, với nhận thức rõ ràng về cơ hội và thách thức, nhân chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC năm 2017, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Bản ghi nhớ giữa Chính phủ hai nước về thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” của Việt Nam với BRI và hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc đang thúc đẩy đàm phán kế hoạch này.
Hợp tác phát triển "Hai hành lang, một vành đai" kinh tế Việt Nam - Trung Quốc bao gồm hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng, và vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ. Đây là một sáng kiến trong hợp tác có tính liên vùng và xuyên quốc gia, nhằm tận dụng và khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của các địa phương mà “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” đi qua, đồng thời phát huy vai trò lan tỏa đối với các địa phương khác thuộc Tây Bắc, Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam và vùng Tây Nam Trung Quốc hướng tới mục tiêu chung là cùng có lợi và cùng phát triển bền vững.
Vận dụng hiệu quả hợp tác phát triển "Hai hành lang một vành đai" kinh tế, Việt Nam đã có những đóng góp hiệu quả vào khuôn khổ BRI dù chưa hoàn toàn là một thành viên tham gia sáng kiến này. Trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp của Việt Nam, Trung Quốc đã tích cực hợp tác vận chuyển hàng hóa trên tuyến hành lang kết nối từ thành phố Trùng Khánh của Trung Quốc đi qua Việt Nam và một số nước ASEAN, cũng như từ Việt Nam qua Trung Quốc đi tới Trung Á, châu Âu...
Tháng 11-2023, Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) lần thứ X đã diễn ra thành công tốt đẹp tại Hà Nội, trong đó chứng kiến các địa phương tham dự ký kết thỏa thuận tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác đầu tư, thương mại, phát triển giao lưu văn hóa, du lịch, giao thông vận tải, logistics cùng nhiều nội dung quan trọng khác. Ở góc độ nào đó, có thể khẳng định, Việt Nam với tư cách là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, lại là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do hiện đại đã trở thành cầu nối, cửa ngõ giữa Trung Quốc và các nền kinh tế trong cộng đồng.
Gắn kết hợp tác như vậy có nhiều triển vọng về dài hạn, thể hiện qua việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường trong cuộc gặp gần đây nhất đã nhất trí tiếp tục thúc đẩy kết nối chiến lược, hợp tác xây dựng BRI chất lượng cao; tăng cường kết nối đường bộ, đường sắt khu vực biên giới, xây dựng hệ thống logistics đa phương thức, hiệu quả cao, bền bỉ; đem lại cơ hội mới cho doanh nghiệp, người dân hai nước cũng như đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới.