Sáng nay, hơn 22 triệu học sinh cả nước hân hoan dự Lễ khai giảng năm học mới 2023-2024
Sáng nay (5.9), hơn 22 triệu học sinh trên toàn quốc đến trường dự Lễ khai giảng năm học mới 2023-2024 với nhiều đổi mới, có ý nghĩa, vai trò quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông.
Năm học 2023-2024 được ngành Giáo dục xác định chủ đề: Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Đây là năm học có ý nghĩa, vai trò quan trọng của lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông, mà trọng tâm là triển khai chương trình GDPT 2018.
Trong thư Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng năm học 2023-2024, trong đó nhắn nhủ học sinh hãy luôn xác định học tập là nhiệm vụ quan trọng của cả cuộc đời.
Trong thư Chủ tịch viết: "Thầy cô, cha mẹ và đất nước luôn quan tâm, tạo những điều kiện tốt nhất để các em phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất, phát huy sở trường cá nhân, trở nên đặc biệt theo cách riêng của mình và trở thành một phần đáng tự hào của Tổ quốc, dân tộc Việt Nam, tự tin bước ra thế giới với tâm thế của những công dân toàn cầu.
Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, "sánh vai với các cường quốc năm châu" chỉ đạt được khi đất nước có những công dân có trí tuệ và phẩm giá, biết yêu gia đình, Tổ quốc, đồng bào mình; sống tử tế và làm việc hiệu quả; dám bảo vệ lẽ phải, dũng cảm và tỉnh táo chống lại những điều xấu, cái ác.
Tôi luôn đặt niềm tin vào các em. Tôi nhìn thấy tương lai tươi sáng của Tổ quốc mình trong sức sống căng tràn và trong những ước mơ, hoài bão cao đẹp của các em".
Chủ tịch nước mong muốn, các cô giáo, thầy giáo hãy luôn giữ vững niềm đam mê, tâm huyết với nghề, bản lĩnh vượt qua mọi trở ngại, khó khăn, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp trồng người cao quý" và mong các bậc phụ huynh vì tương lai của con mình, hãy đồng hành với nhà trường và xã hội trong giáo dục, chăm lo cho các em.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng bày tỏ: "Một năm học mới bắt đầu với rất nhiều nhiệm vụ và thử thách lớn còn ở phía trước và cũng là một năm trọng tâm của quá trình đổi mới của giáo dục, khó khăn nhiều, nhưng cũng hứa hẹn rất nhiều thành tựu ở phía trước.
Tôi mong rằng toàn thể các nhà giáo và toàn thể các em học sinh, sinh viên tiếp tục nỗ lực, phấn đấu đổi mới, sáng tạo để hoàn thành tốt trách nhiệm của mình trước ngành, trước xã hội.
Mong rằng toàn thể xã hội, các quý vị phụ huynh tiếp tục ủng hộ cho ngành Giáo dục trong thời gian sắp tới".
Những hình ảnh học sinh hân hoan tới trường dự Lễ khai giảng sáng nay 5.9.2023:
Trong đó, bên cạnh việc tiếp tục rà soát, triển khai các lớp đã thực hiện theo chương trình mới, năm học này tập trung triển khai mới với các lớp 4,8,11, và chuẩn bị điều kiện triển khai các lớp cuối cấp 5,9,12 (bao gồm cả phần việc biên soạn sách giáo khoa, thẩm định, chuẩn bị các điều kiện phát hành).
Vì vậy, năm học 2023-2024 là năm học với lượng công việc nhiều, tầm quan trọng lớn, chất lượng công việc có tác động lớn tới chất lượng đổi mới giáo dục phổ thông.
Trong tiến trình đổi mới giáo dục phổ thông, năm học 2023-2024, Bộ GD-ĐT cũng đặt ra nhiệm vụ cần tiếp tục đổi mới giáo dục phổ thông theo chiều sâu, ở từng nội dung giáo dục, từng môn học, từng hoạt động. Đổi mới ở các môn như Ngữ văn, Lịch sử, Toán học, Mỹ thuật, Ngoại ngữ,...
Bên cạnh nhiệm vụ đổi mới giáo dục phổ thông, nhiều vấn đề, nhiệm vụ quan trọng khác cũng sẽ được ngành Giáo dục triển khai trong năm học mới này. Trước mắt là thực hiện nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao - tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo. Nhìn lại chặng đường 10 năm đổi mới, đồng thời xác định hướng phát triển giáo dục cho chặng đường tiếp theo.
Một trong những nhiệm vụ xây dựng và phát triển lớn, quan trọng trong năm học 2023-2024 là chuẩn bị, xây dựng Luật Nhà giáo, với dự kiến hoàn thành và trình Quốc hội vào năm 2024. Nếu được thông qua, bộ luật này sẽ tạo ra sự thay đổi lớn tích cực về thể chế để phát triển đội ngũ nhà giáo nói riêng và phát triển giáo dục nói chung.
Năm học này, Bộ GD-ĐT được Chính phủ, Quốc hội giao rà soát các bộ luật quan trọng của ngành như Luật Giáo dục Đại học. Ban hành năm 2018, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học đã mở đường cho tự chủ đại học.
Ở bậc mầm non, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới. Việc biên soạn đã được thực hiện, năm nay sẽ đưa vào thực nghiệm, sau đó mới triển khai thực tế. Giáo dục thường xuyên cũng sẽ có một phen đổi mới, từ tăng cường điều kiện, đội ngũ giáo viên, tới dạy học kiểm tra, đánh giá trong hệ thống giáo dục thường xuyên.
Tại Hà Nội, Giám đốc Sở GD-ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục chuẩn bị mọi điều kiện tổng thể và chi tiết để tổ chức lễ khai giảng thực sự là ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường. Các nhà trường rà soát, quan tâm đối tượng học sinh yếu thế, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, học sinh các trường dân tộc nội trú… để không có học sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn không được đến trường.
Lễ khai giảng tại các trường bắt đầu với việc chào cờ Tổ quốc, hát Quốc ca và bao gồm các hoạt động như: Đọc thư của Chủ tịch nước gửi cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhân ngày khai trường; các hoạt động tập thể (văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian...).
Theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT Hà Nội, lễ khai giảng được các trường tổ chức gọn nhẹ, với học sinh là trung tâm, chú trọng việc tổ chức đón học sinh đầu cấp. Sau khai giảng, các trường cần duy trì nề nếp hát Quốc ca trong các buổi sinh hoạt đầu tuần, lễ kỷ niệm, tổng kết, tuyên dương, khen thưởng...
Tại Lễ khai giảng, cô Cao Thanh Nga, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa bày tỏ niềm vui cùng thầy và trò cùng nhau hân hoan đón năm học mới, năm học thứ 27 của ngôi trường đang độ tuổi thanh xuân.
Chia sẻ với các học sinh, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa cô giáo Cao Thanh Nga mong muốn: “Trong mái trường sư phạm dân chủ, mỗi học sinh cần tự giác hoàn thiện. Đâu đó cho rằng cách giáo dục hữu hiệu nhất là phải thật nghiêm, phải thật mạnh tay để trừng trị lỗi này, lỗi kia. Trường của chúng ta là nhà trường văn hóa nên ở đó mỗi học trò cần tự có ý thức. Khi thầy cô nhắc nhẹ đã thấy ngại, thấy ăn năn. Đó là giáo dục nhân cách lắng sâu từ trong ý thức, đó là giáo dục văn minh. Cô trò chúng ta đã và đang đi trên con đường đó.
Chúng ta cần có được từ nếp trường - nếp nhà tốt đẹp. Các con muốn thành những trò giỏi thì trước hết phải là trò ngoan. Hãy yêu thương hơn nữa với cha mẹ và gia đình mình. Hãy học tập vì bản thân và vì nụ cười trên môi cha, mẹ. Cha mẹ đã không quản nhọc nhằn chăm lo cho con. Việc đền đáp lẽ nào là lời hẹn tận ngày sau. Ngay hôm nay đây, trong mỗi giờ, mỗi ngày con đang học tập tốt là đang thể hiện lòng biết ơn”.
Trong năm học 2023-2024, nhiệm vụ trọng tâm của trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa là "Năm học thắp sáng mục tiêu". Cùng với đó, rèn kỹ năng sống và hướng nghiệp hiệu quả là những việc nhà trường đã thực hiện nhiều năm.
Được biết, năm học 2022-2023 đã qua, trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa đã thực hiện được nhiều việc đáng ghi nhận.
K24 vừa ra trường đã đạt thành tích xuất sắc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Học sinh khóa 24 đạt nhiều thành tích với 100% học sinh đỗ Tốt nghiệp với điểm TB xét tuyển CĐ-ĐH là 24.4 điểm. 96,06 % học sinh đạt chứng chỉ Tiếng Anh từ B1 trở lên; hơn 99,5% học sinh có từ 2-3 chứng chỉ Tin học MOS. Trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa cũng nằm trong top 10 của các trường có điểm trung bình môn Lịch sử.
Năm học có các thầy cô giáo của nhà trường đã đạt được các giải thưởng lớn và danh hiệu cao quý cấp quốc gia, cấp thành phố. Năm học có những học sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố và có đại diện học sinh tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi Quốc gia. Nhiều học sinh nhận học bổng của các trường Đại học trong và ngoài nước, cũng như trúng tuyển vào nhiều trường Đại học danh tiếng.
* Theo ghi nhận của PV, Ghi nhận tại trường THPT Đống Đa (quận Đống Đa - Hà Nội) ngay từ 7h30 sáng, hàng chục hàng dài học sinh toàn trường đã có mặt đầy đủ để tham dự Lễ Khai giảng năm học 2023-2024.
Phát biểu tại buổi lễ khai giảng, Hiệu trưởng trường THPT Đống Đa Trần Thị Bích Hợp - đã gửi lời chúc mừng khai trường đến các Thầy cô và các em học sinh của nhà trường, đồng thời, đánh giá cao năng lực chuyên môn, giảng dạy cũng như tinh thần chăm chỉ học hỏi, rèn luyện của các em học sinh trường THPT Đống Đa.
“Tự hào là ngôi trường THPT đầu tiên của quận Đống Đa với bề dày hơn 60 năm xây dựng và phát triển, Nhà trường vinh dự 2 lần vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng “Huân chương lao động hạng Ba”; Năm 2021, nhà trường được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhì; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo. Nhiều năm liền Nhà trường liên tục đạt danh hiệu "Tập thể lao động xuất sắc" và được UBND Thành phố Hà Nội tặng Bằng khen. Do đó, với sự đồng lòng, không ngừng phấn đấu vươn lên của thầy và trò, Trường THPT Đống Đa sẽ tiếp tục vững bước, đi đầu, mãi là “điểm sáng” trong dạy và học của thủ đô Hà Nội nói riêng, của cả nước nói chung” - Hiệu trưởng trường THPT Đống Đa Trần Bích Hợp nhấn mạnh.
* Phát biểu tại Lễ khai giảng sáng nay, Hiệu trưởng Trường THCS Láng Hạ Nguyễn trung Kiên bày tỏ: "Khai giảng năm học mới là một dịp vô cùng đặc biệt, là thời điểm để chúng ta tạm biệt những kỷ niệm của năm học cũ và chào đón những thử thách mới của năm học mới. Khai giảng năm học mới cũng đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của các em học sinh. Đó là bước ngoặt để các em bắt đầu chuẩn bị cho tương lai của mình. Và đặc biệt: là cơ hội để các thầy cô gửi đến các em học sinh lời chào và chúc mừng tình cảm nhất từ trái tim của mình".
Chúc các em học sinh một năm học mới tràn đầy niềm vui, Hiệu trưởng Nguyễn Trung Kiên nhắn nhủ: “Các em hãy luôn giữ sự lễ phép, tôn trọng, khiêm nhường, trung thực và sẻ chia với những người xung quanh. Hãy biết nói lời cảm ơn, xin lỗi và biết chịu trách nhiệm về những việc mình đã làm.
Biết đặt mục tiêu, lập kế hoạch thực hiện mục tiêu đó và hình thành được ước mơ cho chính bản thân mình. Bởi những khát vọng vươn lên trong học tập cùng những ước mơ, hoài bão trong cuộc sống góp một phần vô cùng quan trọng để chúng ta có thể làm nên những điều đẹp đẽ cho bản thân và cho cuộc đời này.
Các em hãy biết bảo vệ bản thân khi tham gia giao thông, khi tham gia mạng xã hội. Các em dũng cảm để đối mặt với việc lười nhác, với việc học tập thụ động và đối mặt với những thói hư tật xấu của mình. Các em hãy chủ động bảo vệ chính mình, rồi sau đó các em mới có thể bảo vệ mọi người xung quanh và lớn lao hơn là bảo vệ quê hương, đất nước".
Theo Hiệu trưởng Nguyễn Trung Kiên, năm học 2022-2023 vừa qua nhà trường đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách và đạt được rất nhiều thành tích đáng tự hào trong tất cả các mặt là nhờ vào sự đoàn kết, sự chia sẻ và sự cố gắng không ngừng nghỉ của mọi người. Năm học 2023 -2024 này, chắc chắn nhà trường sẽ tiếp tục đương đầu với những khó khăn mới, những thử thách mới.
Vị hiệu trưởng hy vọng và tin tưởng rằng, bằng sự đoàn kết, sẻ chia và sự cố gắng không ngừng nghỉ của tập thể nhà trường vì một mục tiêu chung là giúp các em học sinh phát triển hết tiềm năng của mình thì chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách một cách rất thành công.
Tại Hà Giang: Ghi nhận tại trường mầm non xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, Hiệu trưởng Trường mầm non xã Cao Bồ - cô giáo Nguyễn Thị Lan Hương cho biết, ngoài cơ sở trường chính, Lễ khai giảng cũng được tổ chức tại 4 điểm trường Bản Dâng, Tham Còn, Khuẩy Luông, Tham Vè. Sau lễ khai giảng, các em đã học buổi học đầu tiên của năm học mới, tham gia các hoạt động vui chơi do thầy giáo, cô giáo tại các điểm trường tổ chức.
Năm học 2023 – 2024, trường mầm non xã Cao Bồ đón 81 em, tăng 30 học sinh so với năm học trước. Tổng nhà trường có 204 học sinh đa phần là con em đồng bào dân tộc Dao áo dài .
Cô Nguyễn Thị Lan Hương chia sẻ, được sự giúp đỡ của Lãnh đạo địa phương và các trưởng thôn, nhà trường cơ bản đã khắc phục được những khó khăn về địa bàn dân cư và bà con nhân dân cũng nâng cao ý thức và hoàn thành chỉ tiêu vận động các em học sinh đến trường.
Nhà trường vận động cha mẹ phụ huynh cho con ăn bán trú tại trường nhưng cơ sở chưa được đảm bảo. Nhà trường đã vận động, tạo điều kiện cho phụ huynh có trẻ ở lứa tuổi 24 đến 36 tháng đến lớp để đảm bảo phụ huynh yên tâm đi làm, sản xuất.
Cô Hương chia sẻ, hướng tới Lễ khai giảng năm học mới, ngay từ cuối tháng 8 chính quyền xã Cao Bồ đã cùng nhà trường và bà con dân bản thực hiện chỉnh trang, vệ sinh cảnh quan môi trường, lớp học. Đối với khó khăn về cơ sở vật chất thì cơ sở vật chất thì cơ sở trường chính cơ bản ổn định.
Tuy nhiên 4 điểm trường còn lại vẫn còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất xuống cấp. Đặc biệt, điểm trường Tham Còn có 4 lớp học với 70 học sinh, cơ sở vật chất cho việc ăn bán trú đang xuống cấp. Mặc dù, nhà trường cũng đã vận động nguồn xã hội hóa nhưng cơ bản chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc giáo dục trẻ.
Tại Hải Phòng: Hòa cùng không khí "Ngày toàn dân đưa trẻ tới trường 5.9", hơn 2000 học sinh THPT Mạc Đĩnh Chi (Hải Phòng) đã tham dự Lễ khai giảng năm học mới 2023-2024.
Phát biểu tại lễ khai giảng Hiệu trưởng trường THPT Mạc Đĩnh Chi, thầy giáo Nguyễn Minh Quý cho biết, “Mở tầm nhìn - Mở vòng tay - Mở trái tim – Mở cơ hội”là mục tiêu của thầy và trò trường Mạc Đĩnh Chi, cũng chính là chìa khóa để mở cánh cửa hội nhập, và đón một tương lai tươi sáng.
Theo Thầy Nguyễn Minh Quý “Mở tầm nhìn” là mở rộng nhận thức và sự hiểu biết của bản thân về thế giới xung quanh, giúp chúng ta biết mình đang ở đâu trong thế giới này, để chúng ta đi đúng đường và có sự lựa chọn tốt nhất cho mình. Thứ hai, chúng ta phải đẩy mình, tức là phải không ngừng học tập, tìm tòi, khám phá những điều mới mẻ.
“Mở vòng tay” chính là sự kết nối. Trong xu thế toàn cầu hóa, Intenet xóa nhòa mọi khoảng cách, chúng ta kết nối để cùng làm việc, cùng học tập, cùng chinh phục mục tiêu, lý tưởng, để làm nên hạnh phúc cho mình, cho người. Sự kết nối tạo nên sức mạnh to lớn cho một quốc gia, cho một cộng đồng và cho từng cá nhân.
“Mở trái tim” đó là lòng nhân ái, là tình yêu thương của bản thân dành cho người khác. Khi trao yêu thương và thì sẽ được nhận lại yêu thương. Nơi nào có tình yêu thương, nơi đó sẽ có những điều kỳ diệu. Mở trái tim tạo nên sức mạnh to lớn, tạo động lực để mỗi người sống hạnh phúc và không để ai bị bỏ lại phía sau.
“Mở cơ hội”: Cơ hội là khả năng, tiềm năng để thực hiện một điều gì đó để đi đến kết quả mong muốn. Sự thật là cơ hội phần lớn đến từ những nỗ lực và cách sống tích cực của chính chúng ta. Điều khó khăn nhất là tạo ra cơ hội và biết tận dụng cơ hội. Nhưng chỉ cần bạn bước ra khỏi vùng an toàn - chính là bạn đang tạo ra cơ hội để phát triển chính mình.
Và mỗi học trò Mạc Đĩnh Chi, từ hôm nay, các em hãy mạnh dạn tạm biệt những lười biếng, nhưng việc vô bổ, hãy mở tầm nhìn, hãy biết tạo ra cơ hội để chúng ta trở thành người giàu có về tri thức, thuần thục về kỹ năng, đầy ắp tình nhân ái, vững bước kiến tạo tương lai của chính bản thân mình.
Thầy giáo Nguyễn Minh Quý mong muốn 1813 học trò của THPT Mạc Đĩnh Chi biết “Mở tầm nhìn - Mở vòng tay - Mở trái tim – Mở cơ hội” cho chính mình, các em hãy hành động ngay, từ những việc nhỏ thôi, để ngày hôm nay bao giờ cũng tốt hơn chính mình ngày hôm qua.
Tại Đà Nẵng, lễ khai giảng năm học 2023-2024 được tổ chức với tinh thần ngắn gọn, không có phần phát biểu của lãnh đạo các cấp, không thả bóng bay.
Sở GD-ĐT TP. Đà Nẵng cho biết, bài phát biểu chào mừng năm học mới cần tập trung chào mừng các em học sinh đến trường, nhất là học sinh đầu cấp; có thể nêu ngắn gọn về truyền thống, thành tích của nhà trường… kết thúc là lời cảm ơn và chúc mừng năm học mới.
Một số nội dung phổ biến của lễ khai giảng gồm đón học sinh đầu cấp; chào cờ, hát Quốc ca; đọc thư của Chủ tịch nước; phát biểu chào mừng của hiệu trưởng và Đánh trống khai trường (một hồi, ba tiếng). Các trường cũng có thể cho biểu diễn một số tiết mục văn nghệ xen kẽ, phù hợp với lứa tuổi của học sinh.
Tại Quảng Ngãi, UBND tỉnh đã chỉ đạo 16 trường có lãnh đạo tỉnh tới tham dự Lễ khai giảng cần chủ động trong công tác tổ chức. Bên cạnh đó, các lãnh đạo tỉnh đến tham dự lễ khai giảng không phát biểu và không đánh trống khai giảng.
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, phần đánh trống và phát biểu sẽ do thầy giáo, cô giáo của nhà trường đảm nhận. Lãnh đạo tỉnh tặng hoa, quà cho giáo viên hoặc trao học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó.
Tại TP. Hồ Chí Minh, theo yêu cầu của Sở GD-ĐT, lễ khai giảng diễn ra ngắn gọn trong khoảng 45 phút, với những hoạt động văn nghệ chào mừng, đón học sinh đầu cấp, cắt băng khánh thành (đối với trường mới), diễn văn khai giảng của hiệu trưởng, đánh trống khai trường, trao học bổng... Sau phần lễ, các trường tổ chức phần hội để tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho học sinh.
Đối với giáo dục mầm non, các trường tổ chức ngày hội “Bé vui đến trường”, tận dụng không gian để tổ chức trò chơi vận động, hoạt động phát triển thẩm mỹ, trò chơi dân gian, xem xiếc, múa rối…
Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh yêu cầu tất cả học sinh các trường phải tham dự lễ khai giảng. Trong trường hợp nhà trường không đủ điều kiện phải đảm bảo học sinh đầu cấp, cuối cấp tham dự phần lễ và tất cả học sinh được tham dự phần hội.