Sáng tạo khoa học giàu tính thực tiễn
Hệ thống vớt rác tự động; thiết bị cảnh báo ngập lụt đường phố; hệ thống phòng cháy, chữa cháy thông minh; mô hình cứu hỏa tự động; giữ nét đẹp văn hóa trong trò chơi dân gian…; các ý tưởng nảy sinh từ những yêu cầu cấp thiết trong cuộc sống được các em thanh thiếu niên, nhi đồng nghiên cứu, sáng tạo, mang tính thực tiễn cao.
Sáng kiến nhỏ, lợi ích lớn
Từ thực tế quan sát lòng sông, hồ từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh thường xuất hiện các loại rác thải sinh hoạt (túi ni lông, chai nhựa…) trôi lềnh bềnh. Việc thu gom loại rác này mất nhiều nhân công, thời gian, kinh phí. Em Giàng Thị Pà, Trường PTDTBT THCS Na Sang (huyện Mường Chà) đã nảy ra ý tưởng sáng tạo hệ thống vớt rác tự động trên sông sử dụng năng lượng dòng chảy kết hợp năng lượng mặt trời. Với mong muốn chung tay góp phần bảo vệ môi trường bằng sản phẩm sáng tạo của mình, em Pà đã thiết kế, tìm nguyên vật liệu phù hợp rồi bắt tay hiện thực hóa ý tưởng.
Chia sẻ về sản phẩm sáng tạo của mình, Giàng Thị Pà cho biết: Em mất gần 1 năm để biến ý tưởng thành hiện thực và sản phẩm thử nghiệm rất thành công, có khả năng ứng dụng thực tiễn cao. Trong quá trình triển khai, dù đã trải qua nhiều lần thất bại nhưng được sự hỗ trợ của nhà trường, sự chỉ bảo nhiệt tình của thầy giáo hướng dẫn và nỗ lực của bản thân, em đã thực hiện thành công ý tưởng của mình. Em mong muốn sản phẩm sẽ được ứng dụng rộng rãi, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước.
Nhận thấy những người lính cứu hỏa phải chiến đấu với "giặc lửa" vô cùng nguy hiểm, hai học sinh Lường Thị Minh Nguyệt và Lò Văn Chung, Trường THCS Mường Thín (huyện Tuần Giáo) đã nghĩ ra ý tưởng chế tạo mô hình máy cứu hỏa tự động, có thể kịp thời xử lý sự cố cháy, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho mọi người. Mô hình vừa có thể sử dụng trang trí, vừa được đặt ở những nơi dễ cháy trong gia đình. Với hệ thống cảm biến nhiệt, máy sẽ hoạt động nhận biết ngọn lửa, kêu chuông báo động và xoay theo chiều kim đồng hồ hướng tới ngọn lửa để phun nước dập lửa.
Phát sinh ý tưởng từ trong chính quá trình sinh hoạt tại gia đình, nhóm tác giả Nguyễn Phú Đạt, Hoàng Quỳnh Trang, Tăng Long Nhật, Trương Huệ Chi, Hà Vũ Trà My - Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn đã quyết tâm hoàn thành sản phẩm nồi cơm điện thông minh IoT. Nói về ý tưởng này, em Hoàng Quỳnh Trang, đại diện nhóm chia sẻ: Hiện nay trung bình giờ làm việc của một cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thường bắt đầu lúc 7 giờ sáng, trở về nhà vào 11 giờ 30 phút, sau đó đi làm lúc 13 giờ 30 phút. Thời gian chuẩn bị bữa cơm cho gia đình và cả thời gian nghỉ buổi trưa chỉ có 2 giờ đồng hồ. Như bản thân em, khi thấy mẹ sau giờ làm việc lại bận rộn nấu nướng trong khi thời gian nghỉ trưa ngắn, rất mệt và vất vả. Với mong muốn tiết kiệm thời gian và tối ưu hóa công nghệ vào cuộc sống góp phần thúc đẩy chuyển đổi số phục vụ con người, bằng những kiến thức được học tập và hướng dẫn của thầy giáo, nhóm nghiên cứu chúng em đã tạo ra sản phẩm nồi cơm thông minh IoT.
Vinh dự và tự hào khi sản phẩm của nhóm được nhận giải B tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ 8, Trang cho biết thêm: Để có được sản phẩm hoàn chỉnh tham dự cuộc thi phải kể đến công sức của thầy giáo hướng dẫn và sự giúp đỡ tạo điều kiện của nhà trường. Chính các thầy cô là người lắng nghe, nắm bắt ý tưởng của chúng em ngay từ đầu. Từ đó hướng dẫn chúng em tìm tài liệu tham khảo, lên thiết kế và hoàn chỉnh sản phẩm. Qua đó, thầy trò đều có cơ hội vận dụng lý thuyết khoa học vào thực tiễn cuộc sống; đào tạo rèn luyện năng lực sáng tạo, tư duy phản biện, độc lập trong khoa học, giúp chúng em có thêm động lực say mê nghiên cứu, sáng tạo thành công.
Khơi dậy đam mê sáng tạo
Nhằm khơi dậy và phát huy niềm đam mê sáng tạo trong lứa tuổi thanh thiếu niên, nhi đồng; tìm kiếm và phát hiện những ý tưởng, sáng kiến và khuyến khích các em áp dụng vào đời sống sinh hoạt, học tập, vui chơi giải trí; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tổ chức hiệu quả Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng thường niên của tỉnh. Qua 8 lần tổ chức, cuộc thi được xem là “sân chơi” bổ ích cho thanh thiếu niên, nhi đồng có niềm đam mê nghiên cứu khoa học trên địa bàn toàn tỉnh.
Thầy giáo Nguyễn Văn Hùng, Trường PTDTBT THCS Na Sang cho biết: Qua cuộc thi, học sinh có nhiều cơ hội để sáng tạo, thực hiện ước mơ. Sản phẩm của các em tuy không thể hiện yêu cầu quá cao về công nghệ và kỹ thuật nhưng vấn đề ý tưởng luôn được nâng lên hàng đầu.
Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ 8 năm 2024 có 87 mô hình, sản phẩm của 10 huyện, thị, thành phố tham gia. Số sản phẩm đa dạng tại 5 lĩnh vực thể hiện sự chú trọng trong công tác tuyên truyền, phát triển tài năng sáng tạo trẻ tại các địa phương cũng như sự nỗ lực, đam mê sáng tạo của các em học sinh. Nhiều sản phẩm dự thi đã được hiện thực hóa trong cuộc sống.
Ông Nguyễn Song Bình, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cho biết: Cuộc thi đã khơi dậy niềm đam mê, sáng tạo khoa học công nghệ đối với thế hệ trẻ trên cả nước, giúp các em nuôi dưỡng và thắp sáng ngọn lửa đam mê, sáng tạo công nghệ để trở thành những nhà khoa học, chủ các doanh nghiệp trong tương lai. Các sản phẩm sáng chế ngày càng thể hiện được ý tưởng sáng tạo, trình độ kỹ thuật, công nghệ tốt, sau khi hoàn thiện có thể ứng dụng vào thực tiễn đời sống cũng như phục vụ học tập, sinh hoạt. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của các em, các cấp, ngành cũng cần quan tâm mở thêm nhiều không gian sáng tạo, giúp các em triển khai ý tưởng của mình.
Có thể khẳng định, Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ 8 tiếp tục minh chứng sức sáng tạo và niềm đam mê khoa học “không nhỏ” của các em. Thành công từ cuộc thi sẽ là dấu mốc quan trọng tiếp thêm động lực, giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng, nuôi dưỡng ước mơ trở thành nhà khoa học, nhà sáng chế trong tương lai.