Sáng tạo mỹ phẩm từ thảo dược Việt
Với mong muốn khai thác tiềm năng của dược liệu Việt Nam và đưa khoa học vào ứng dụng thực tiễn, nhóm sinh viên trường ĐH Công Thương TP. HCM đã thực hiện đề 'Nghiên cứu quy trình chiết xuất hoa kim ngân và ứng dụng tạo sản phẩm serum dưỡng da hỗ trợ ngăn ngừa mụn'. Dự án không chỉ khẳng định giá trị của thảo dược truyền thống mà còn mở ra hướng đi mới cho ngành mỹ phẩm thiên nhiên nội địa.
Từ vườn thuốc Nam đến phòng thí nghiệm
Hoa kim ngân là loài dược liệu quen thuộc trong y học cổ truyền, từ lâu đã được biết đến với tác dụng thanh nhiệt, giải độc, kháng viêm. Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu, việc ứng dụng hoa kim ngân trong lĩnh vực mỹ phẩm hiện vẫn còn hạn chế. Nhận thấy trong hoa chứa các hoạt chất sinh học quý với khả năng kháng khuẩn, chống oxy hóa mạnh, nhóm đã chọn hướng đi mới: chiết xuất hoạt chất từ hoa kim ngân để sản xuất serum dưỡng da, đặc biệt cho da mụn.
Sản phẩm serum không chỉ chứa chiết xuất hoa kim ngân mà còn kết hợp thêm nha đam để dưỡng ẩm và tinh dầu hoa sen tạo hương thơm dịu nhẹ. Với độ PH thân thiện, cùng hoạt tính sinh học cao, serum này phù hợp với làn da đang điều trị mụn, nhất là lứa tuổi dậy thì và sinh viên, nhóm đối tượng thường xuyên gặp vấn đề về da.

Các thành viên trong nhóm cùng sản phẩm nghiên cứu của mình.
“Chúng mình muốn khẳng định giá trị của thảo dược Việt bằng một sản phẩm cụ thể. Theo Đông y, hoa kim ngân được xem là "vương dược" giải độc, chúng mình tin rằng nó xứng đáng được ứng dụng rộng rãi hơn trong chăm sóc da hiện đại”, Phan Thị Như Bình (thành viên nhóm) chia sẻ.
Điểm đặc biệt của đề tài là việc ứng dụng công nghệ chiết xuất chân không PVF, phương pháp hiện đại giúp giữ lại tối đa các hoạt chất sinh học quý mà không làm biến tính do nhiệt. Quá trình chiết ngâm có gia nhiệt trong môi trường áp suất thấp giúp rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu quả và đảm bảo chất lượng ổn định của nguyên liệu đầu ra. Đây cũng là một trong những công nghệ có khả năng nhân rộng tại các địa phương có điều kiện sản xuất vừa và nhỏ, tận dụng lợi thế sẵn có về nguồn dược liệu.
“Thách thức là rất nhiều, nhưng điều quan trọng nhất là làm sao để mỗi giọt chiết xuất đều giữ được các hoạt chất quý mà thiên nhiên ban tặng. Với chúng mình, việc đó không chỉ là nghiên cứu mà còn là một cam kết với người dùng”, Nguyễn Lâm Duy (thành viên nhóm) chia sẻ.
Hành trình biến ý tưởng thành sản phẩm
Không chỉ dừng ở phòng thí nghiệm, nhóm sinh viên còn chủ động thiết kế bao bì, trình bày sản phẩm, xử lý hình ảnh và xây dựng phần thuyết trình chuyên sâu. Những trải nghiệm thực tế đó không chỉ giúp các bạn trau dồi kỹ năng nghiên cứu, mà còn rèn luyện khả năng làm việc nhóm, quản lý thời gian và tư duy phản biện.
“Được nhìn thấy thành quả của các bạn sinh viên từ phòng thí nghiệm trở thành một sản phẩm thật sự là điều khiến tôi xúc động nhất. Qua đó cũng có thể giúp cho các bạn sinh viên thấy rằng, khoa học không hề khô khan, nó gần gũi và có thể phục vụ con người theo cách rất đẹp”, cô Lê Thúy Nhung (giảng viên hướng dẫn của nhóm) cho biết.

Nhóm giành giải Nhì lĩnh vực Hóa học tại cuộc thi Euréka lần thứ 26.
Việc giành giải Nhì lĩnh vực Hóa học tại cuộc thi Euréka lần thứ 26 gần đây là minh chứng cho sự nghiêm túc, sáng tạo và nỗ lực không ngừng của nhóm nghiên cứu.
Không dừng lại ở sản phẩm serum, nhóm dự định mở rộng nghiên cứu sang các dòng mỹ phẩm khác như mặt nạ, kem dưỡng, sữa tắm, dầu gội… tất cả đều ứng dụng chiết xuất hoa kim ngân. Đồng thời, nhóm hướng đến việc xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ vùng trồng dược liệu đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho các vùng nông thôn.
“Chúng mình tin rằng, khoa học không chỉ để nghiên cứu mà còn là cầu nối giữa tri thức và cuộc sống. Làm đẹp bằng những gì thiên nhiên Việt Nam ban tặng là cách chúng mình lan tỏa giá trị khoa học một cách gần gũi”, Đỗ Xuân Dương (thành viên nhóm) bày tỏ.
Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/sang-tao-my-pham-tu-thao-duoc-viet-post1740765.tpo