Sáng tạo tổ chức để thi đua thiết thực, hiệu quả

Năm 2023, Lữ đoàn 171 (Vùng 2 Hải quân) được cấp trên đề nghị Bộ Quốc phòng tặng Cờ thi đua. Thành tích đó là kết quả từ sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực toàn diện của cấp ủy, chỉ huy và từng cán bộ, chiến sĩ nhằm trả lời câu hỏi: Phải tổ chức thi đua thế nào để đạt hiệu quả?

Buổi giáo dục chính trị, tuyên truyền về phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ-Người chiến sĩ Hải quân" ở Tàu 17 được thực hiện khá bài bản. Sau khi hướng dẫn lý thuyết, các chiến sĩ tham quan, nghe giới thiệu trên pa nô, tranh vẽ treo ngay trong khoang tàu và lối đi lại để thuận tiện quan sát. Các tranh ảnh cổ động đẹp mắt, mang ý nghĩa tuyên truyền, định hướng nhận thức, chỉ dẫn hành động cho bộ đội, có tác dụng cổ vũ, khích lệ những việc làm tốt, ngăn ngừa biểu hiện tiêu cực, sai trái. Nhiều nội dung về các hành vi bị cấm khi quân nhân tham gia mạng xã hội và một số cảnh báo với quân nhân cũng được in thành từng bảng, bố trí hợp lý, khoa học, tác động thường xuyên, liên tục khi đi lại trên tàu, giúp cán bộ, chiến sĩ nâng cao hiểu biết, tự điều chỉnh hành vi để không vi phạm kỷ luật... Đây là một trong những mô hình giáo dục chính trị hiệu quả, sát thực tế ở Lữ đoàn 171. Thượng tá Nguyễn Văn Long, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 171 chia sẻ: “Thực hiện Phong trào Thi đua Quyết thắng, hằng năm, các cơ quan, đơn vị trong toàn Lữ đoàn đều phát huy sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng công tác chuyên môn theo từng ngành. Trong đó, cơ quan chính trị thống nhất hướng dẫn, triển khai nhiều mô hình tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng phù hợp với thực tế nhiệm vụ tại các tàu, bảo đảm chất lượng, hiệu quả”.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 171 tham quan mô hình tích hợp giáo dục truyền thống tại đơn vị.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 171 tham quan mô hình tích hợp giáo dục truyền thống tại đơn vị.

Ở Tàu 09, các cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện mô hình “Mỗi tuần một câu hỏi truyền thống và một điều luật”. Đáp án câu hỏi truyền thống ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ. Nội dung điều luật được sưu tầm, lựa chọn sát với nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân, công dân... Mô hình này đang được Lữ đoàn 171 duy trì đều đặn, thành nền nếp, giúp cán bộ, chiến sĩ hiểu hơn về truyền thống của dân tộc, Quân đội, đơn vị và địa phương nơi đóng quân; đồng thời nâng cao kiến thức pháp luật cần thiết cho cuộc sống.

Bên cạnh đó, Lữ đoàn 171 còn triển khai sáng kiến tích hợp công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống của Bộ đội Hải quân và của Lữ đoàn trên bảng cổ động hai mặt đặt ở doanh trại của các đơn vị; duy trì tốt các mô hình: “3 thực chất” trong giáo dục chính trị, tư tưởng; “Ngày chủ nhật xanh”, “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân”, “Cán bộ, đảng viên dìu dắt quần chúng và cấp dưới”; tiếp tục duy trì Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”... Theo Trung tá Trần Thanh Vũ, Phó chính ủy Lữ đoàn 171, đặc điểm nhiệm vụ của Bộ đội Hải quân nói chung và Lữ đoàn 171 nói riêng luôn gắn liền với biển, đảo và ngư dân nên các hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị luôn phải bám sát thực tế nhiệm vụ, đối tượng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa phương ven biển. Điều đó đòi hỏi công tác tuyên truyền, giáo dục, dân vận... phải thường xuyên đổi mới, hướng tới mục tiêu thống nhất về nhận thức, ý chí và hành động, bảo đảm dân chủ, đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, góp phần hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ.

Năm 2024, Lữ đoàn 171 phát động thực hiện mô hình “7 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng biết, cùng bàn, cùng làm, cùng hưởng, cùng chịu trách nhiệm) , “5 nắm” (lý lịch, hoàn cảnh gia đình quân nhân; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; tâm tư nguyện vọng, sở thích, sở trường; năng lực, sức khỏe, kết quả hoàn thành nhiệm vụ; các mối quan hệ xã hội của quân nhân) trong quản lý bộ đội, nhất là quản lý tư tưởng. Mô hình này giúp cấp ủy, chỉ huy các cấp nắm chắc số lượng, chất lượng, ưu điểm, hạn chế và mối quan hệ của quân nhân trong đơn vị; từ đó có biện pháp quản lý, giáo dục, động viên, giao nhiệm vụ phù hợp, nhằm phát huy cao độ sở trường của quân nhân, sớm phát hiện, ngăn chặn tiêu cực nảy sinh. Theo Thiếu tá Phan Văn Tú, Chính trị viên Tàu 17, thực hiện mô hình sẽ góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, tổ chức đảng, tổ chức quần chúng, hội đồng quân nhân trong xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”.

Trong công tác huấn luyện, xây dựng nền nếp chính quy và bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, hoạt động thi đua cũng được duy trì nền nếp. Nổi bật là thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ huấn luyện. Mỗi năm, Lữ đoàn hoàn thành từ 15 đến 20 sáng kiến, ứng dụng trực tiếp vào các lĩnh vực, nhiệm vụ của đơn vị. Trong đó có mô hình Trạm dập cháy HCFC-125; mô hình vận động ứng dụng cho các bài bắn đạn thật, phóng thử vũ khí chống ngầm trên biển...

Thượng tá Phạm Ngọc Quý, Chính ủy Lữ đoàn 171 nhấn mạnh: “Phong trào Thi đua Quyết thắng luôn là động lực thúc đẩy mọi hoạt động của đơn vị. Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực đổi mới nội dung, hình thức thi đua, nghiên cứu, tìm tòi và triển khai nhiều mô hình thiết thực, tránh hình thức, chung chung. Trong các mô hình, vai trò của đội ngũ cán bộ và tuổi trẻ được phát huy cao độ, với tinh thần nỗ lực cống hiến, thi đua vì sự tiến bộ, trưởng thành của mỗi cá nhân và vì thành tích chung của đơn vị”.

Bài và ảnh: THÀNH CƯỜNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/sang-tao-to-chuc-de-thi-dua-thiet-thuc-hieu-qua-763084