Sáng tạo trong các hoạt động, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học

Đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập, thực hiện định hướng từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học, từ đầu tháng 5/2025, Trường THPT Chuyên Cao Bằng đã tổ chức một số tiết dạy thực nghiệm các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh. Đây là hoạt động nhằm cụ thể hóa chủ trương đổi mới, hội nhập giáo dục quốc tế, đồng thời tạo môi trường học tập sử dụng tiếng Anh một cách thiết thực, gắn với các môn học chuyên sâu. Qua đó, giúp học sinh không chỉ tiếp cận kiến thức khoa học hiện đại mà còn rèn luyện khả năng sử dụng tiếng Anh trong tư duy, trình bày và giao tiếp học thuật.

Thực hiện Kết luận số 91, ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" đề ra nhiệm vụ mang tính đột phá trong việc dạy và học tiếng Anh là tập trung nâng cao năng lực Ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học, Sở GD&ĐT Cao Bằng đã chỉ đạo các trường học xây dựng và phát triển môi trường thực hành giao tiếp trong từng bài giảng của môn Tiếng Anh. Theo đó, nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường.

Tại Trường THPT Chuyên, phương pháp dạy học mới được triển khai hiệu quả, lan tỏa môi trường học tiếng Anh trong trường học, chú trọng hoạt động trải nghiệm. Hoạt động trải nghiệm đóng vai trò thiết yếu trong việc kết nối kiến thức học thuật với thực tiễn cuộc sống, giúp học sinh phát triển kỹ năng sống, tư duy phản biện và khả năng giải quyết vấn đề. Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, hoạt động trải nghiệm được tổ chức thông qua bốn loại hình chủ yếu: sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục theo chủ đề và hoạt động câu lạc bộ. Việc phân công giáo viên phụ trách theo từng chủ đề được ưu tiên, nhằm thuận lợi trong việc xây dựng kế hoạch tổ chức, hướng dẫn và đánh giá học sinh trong quá trình trải nghiệm. Tổ Ngoại ngữ, Hóa - Sinh đã xây dựng kế hoạch bài học và triển khai hoạt động trải nghiệm tích hợp liên môn STEAM với chủ đề “Ecotourism - Trải nghiệm thiên nhiên, Hành động vì bảo tồn”. Trong buổi học, học sinh không chỉ tiếp thu kiến thức về du lịch sinh thái mà còn được khám phá Thác Bản Giốc - một trong những thác nước hùng vĩ nhất Việt Nam, tìm hiểu Kolia Farm - mô hình kết hợp giữa nông nghiệp hữu cơ và du lịch xanh. Đây là các điểm di sản trong vùng Công viên địa chất Non nước Cao Bằng được đánh giá cao về tính đa dạng sinh học và được chú trọng bảo tồn. Từ đó, học sinh nâng cao nhận thức bảo vệ thiên nhiên, góp phần tích cực vào việc quảng bá hình ảnh thiên nhiên và bản sắc văn hóa của các di sản trong quần thể Công viên địa chất Non nước Cao Bằng tới du khách trong nước và quốc tế.

Tiết học tích hợp liên môn STEAM với chủ đề “Ecotourism - Trải nghiệm thiên nhiên, Hành động vì bảo tồn” tại Trường THPT Chuyên.

Tiết học tích hợp liên môn STEAM với chủ đề “Ecotourism - Trải nghiệm thiên nhiên, Hành động vì bảo tồn” tại Trường THPT Chuyên.

Bên cạnh đó, học sinh được tìm hiểu các kiến thức của môn Hóa học thông qua các công thức hóa học về cấu tạo địa chất và phản ứng hóa học mô tả sự hình thành nhũ đá. Sự tham gia của các bạn lớp 10 Hóa, 10 Sinh, 10 Anh 2 và Tổ Ngoại Ngữ, Hóa - Sinh đã tạo nên bầu không khí học tập sôi nổi, đa dạng, và bổ ích. Với sự kết hợp bảng thông minh, hình ảnh trình chiếu, bài giảng sinh động cùng với việc giảng dạy bằng tiếng Anh đã tạo nên một tiết học cuốn hút. Các em không chỉ học kiến thức chuyên môn mà còn rèn luyện kỹ năng giao tiếp, tư duy phản biện bằng tiếng Anh. Học sinh được rèn luyện kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm, sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp học thuật, và trao đổi kiến thức liên môn. Qua công tác thực nghiệm giảng dạy đã chỉ ra những hữu ích của dạy học môn KHTN bằng tiếng Anh, giáo viên được rèn luyện kỹ năng sử dụng thiết bị phục vụ giảng dạy, đọc dịch tài liệu tiếng Anh; tự tin hơn trong giao tiếp bằng tiếng Anh. Kịp thời phát hiện học sinh có năng lực tự học, có khả năng chủ động, sáng tạo để bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu, giúp các em phát huy hết năng lực, sở trường…

Học sinh được rèn luyện kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm, sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp học thuật và trao đổi kiến thức liên môn.

Học sinh được rèn luyện kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm, sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp học thuật và trao đổi kiến thức liên môn.

Việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là mục tiêu quan trọng, một công việc khó vì vừa phải dạy bằng tiếng Anh, vừa phải bảo đảm yêu cầu về chất lượng giáo dục môn học nhưng phù hợp với yêu cầu hội nhập tri thức. Qua hoạt động trải nghiệm, học sinh phát triển được năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực hợp tác nhóm và nhiều phẩm chất tích cực. Đây cũng là sự bứt phá trong dạy học theo định hướng giáo dục STEM, đặc biệt là với môn KHTN và được truyền tải mạnh mẽ đến với các em học sinh Trường THPT Chuyên. Thời gian tới, nhà trường tiếp tục xây dựng các kế hoạch cũng như phương pháp bồi dưỡng, đào tạo… góp phần chuyển đổi phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực, kỹ năng cho học sinh theo tinh thần đổi mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Lưu Ngà - Hoàng Vân - Hải Anh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/sang-tao-trong-cac-hoat-dong-tung-buoc-dua-tieng-anh-tro-thanh-ngon-ngu-thu-2-trong-truong-hoc-3177402.html