Sang Việt Nam du học

Ngày nay không chỉ các bạn trẻ Việt Nam ra nước ngoài du học, mà nhiều bạn bè quốc tế cũng lựa chọn Việt Nam là nơi học tập, sinh sống. Các trường đại học tại Đà Nẵng hiện đào tạo hàng trăm sinh viên đến từ nhiều châu lục khác nhau.

Buổi sáng 12/4 mới đây là kỷ niệm khó quên với Emma Pendolino sinh viên năm 4 chương trình trao đổi sinh viên giữa Trường Đại học Đông Á và Viện ENSAIT thuộc Đại học Lille (Pháp). Ngày hội hiến máu lần thứ 35 của trường, cô gái Pháp tóc nâu có gương mặt xinh xắn cùng hàng ngàn bạn sinh viên “rồng rắn” xếp hàng đợi đến lượt hiến những giọt máu thanh xuân của mình. Theo học ngành trí tuệ nhân tạo, hiện Emma đang có kỳ thực tập tại Viện nghiên cứu quốc tế về Trí tuệ nhân tạo và Khoa học dữ liệu (IAD) thuộc Đại học Đông Á. Nội dung nghiên cứu của cô tại IAD là ứng dụng ChatGPT vào lĩnh vực thời trang, một hướng đi rất mới.

“Đến Việt Nam học mình còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng khi tham gia những ngày hội dành cho sinh viên nước ngoài do trường tổ chức mình được gặp gỡ, giao lưu với nhiều bạn cũng đi học xa nhà như mình. Đây là nơi giúp mình trau dồi vốn từ, đồng thời kết bạn được với thêm nhiều người. Cuộc sống sinh viên du học từ đó cũng thú vị hơn”.

Bạn San Sophanna, 18 tuổi, người Campuchia, du học sinh năm nhất trường ĐHSP Đà Nẵng

Vượt khó để thích nghi

Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) hiện là nơi đào tạo nhiều sinh viên nước ngoài nhất tại Đà Nẵng, với hơn 200 người đủ lứa tuổi, đến từ 15 quốc gia như Lào, Campuchia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ,...

Với giọng Việt chuẩn, Bouasavanh Chanthavisouk (23 tuổi, du học sinh Lào, sinh viên năm 4 ngành Ngữ Văn, trường ĐHSP Đà Nẵng) cho biết mình là cô gái làng quê với ước mơ đi du học từ bé. “Tôi nuôi dưỡng hoài bão của mình từng ngày và trong quá trình tìm kiếm tôi đã chọn Việt Nam là nơi để học tập và phát triển bản thân. Lúc mới qua, tôi bỡ ngỡ trước mọi thứ, phải học lại từ đầu…”.

“Hiện nay, vì ít người phương Tây nói được tiếng Việt, nên khi thấy tôi nói lưu loát ngôn ngữ này thì họ rất ngạc nhiên. Và đây có lẽ là trải nghiệm tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi. Khi đạt được mục tiêu tại Việt Nam, tôi dự định sẽ tìm kiếm cơ hội đóng góp vào việc phát triển mối quan hệ giữa các công ty CNTT của Mỹ và Việt Nam hoặc dạy tiếng Anh thương mại. Tôi cũng thực sự hy vọng mình có thể truyền cảm hứng cho những người phương Tây khác học tiếng Việt, vì nếu ở độ tuổi của tôi mà làm được điều đó thì không có lý do gì để hối tiếc nữa” - ông Gregg Granberg, du học sinh 60 tuổi người Mỹ.

Thiếu nữ Lào có vóc dáng đậm đà và gương mặt đẹp thuần hậu kể rằng cô đặc biệt ấn tượng với sự thân thiện và hiếu khách của người Việt Nam. Chanthavisouk luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của thầy cô, bạn bè và những người xung quanh cả trong việc học tập, sinh hoạt, đến những kỹ năng giao tiếp, ứng xử. “Tôi thích Việt Nam đặc biệt là Đà Nẵng. Tôi yêu các món ăn và vùng biển miền Trung xinh đẹp một phần vì quê tôi không có biển. Ngoài ra, điều quan trọng tôi muốn biết tiếng Việt để giao tiếp, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm, mở rộng cơ hội tìm việc làm cũng như về góp phần phát triển quê hương tôi”, nữ sinh Lào tâm sự.

Sinh viên từ 15 quốc gia đang du học tại ĐHSP Đà Nẵng

Sinh viên từ 15 quốc gia đang du học tại ĐHSP Đà Nẵng

Tiếng Việt vốn là ngôn ngữ đầy thách thức với các du học sinh nước ngoài. Ngoài ra trong cuộc sống tự lập cơm áo gạo tiền, cũng như giao tiếp, đi lại hằng ngày họ cũng gặp nhiều rào cản lớn.

“Cuộc sống của tôi ở Việt Nam ban đầu gặp không ít khó khăn, từ giao tiếp, sinh hoạt hay giao thông, không giống như nơi tôi đã từng sống. Trước đó tôi chưa bao giờ rời xa gia đình, xa bố mẹ nên lúc sang đây tôi có chút lo lắng. Bản thân là người sáng ngủ dậy không bao giờ tắm rửa, không bao giờ tự nấu nướng, giặt giũ nhưng khi sống một mình tôi phải tự thực hiện tất cả”, Khemmalay Vaikham (21 tuổi đến từ Lào, sinh viên năm nhất ngành Công nghệ thông tin, Trường ĐHSP Đà Nẵng), thú nhận.

Emma Pendolino lần đầu trải nghiệm hiến máu nhân đạo ở Việt Nam tại Trường ĐH Đông Á

Emma Pendolino lần đầu trải nghiệm hiến máu nhân đạo ở Việt Nam tại Trường ĐH Đông Á

Vaikham vui vẻ kể thêm về những khó khăn đã dần vượt qua. “Đường phố ở Việt Nam khá phức tạp nên với một đứa năm nhất như tôi thi thoảng cũng rơi vào những tình huống dở khóc, dở cười, chẳng hạn như những lần bị lạc đường, tôi đã mất rất nhiều thời gian mới tìm ra đường về. Còn nữa, tôi là người học không giỏi nên tiếng Việt đối với tôi rất khó hiểu, và lúc đó tôi nhận ra mình còn chưa thực sự cố gắng. Từ đó tôi dậy sớm học bài, học viết, học nói, tôi làm điều này hằng ngày và cuối cùng đã vượt qua mọi thử thách. Bây giờ, tôi có thể nói và đọc tốt tiếng Việt, đó là một niềm tự hào”.

Tiến sĩ Hồ Trần Ngọc Oanh - Trưởng Khoa Ngữ Văn, trường ĐHSP Đà Nẵng cho biết, thấu hiểu những khó khăn mà du học sinh gặp phải khi học tiếng Việt, trường đã có phương pháp giảng dạy riêng, biên soạn và xuất bản bộ giáo trình tiếng Việt dùng cho người nước ngoài.

Những trải nghiệm đặc biệt

Ngoài những du học sinh trẻ tuổi, cũng có không ít người chọn cách đi làm nhiều năm, tích lũy kinh nghiệm, vốn liếng rồi mới quyết định đi du học ở độ tuổi trung niên. Ông Gregg Granberg, 60 tuổi, người Mỹ đang học năm thứ nhất ngành Tiếng Việt tại Khoa Ngữ văn, trường ĐHSP Đà Nẵng là một trường hợp như vậy.

TS Hồ Trần Ngọc Oanh cùng sinh viên nước ngoài học tiếng Việt

TS Hồ Trần Ngọc Oanh cùng sinh viên nước ngoài học tiếng Việt

“Tôi đến Việt Nam lần đầu vào tháng 3/2020 ngay trước dịch bệnh COVID-19, và khi dịch xảy khiến tất cả các quốc gia phải đóng cửa biên giới. Tôi chỉ dự định ở lại Việt Nam 1 tháng nhưng cuối cùng tôi phải ở lại 18 tháng. Khi sống ở đây, tôi đã yêu Việt Nam nên tôi quyết định đi học tiếng Việt. Chương trình học cũng vô cùng căng thẳng, nhưng điều này khiến tôi thích thú. Trong việc học tôi gặp không ít khó khăn, vì lớn tuổi nên tôi khó hòa nhập với các bạn trẻ, trong lớp học cũng ít người trò chuyện cùng tôi, tôi còn gặp vấn đề trong quá trình làm việc nhóm, nhưng chẳng sao cả, tôi luôn tích cực và vui vẻ”, ông Gregg hào hứng kể.

Không khí vui vẻ hòa đồng đến từ những hoạt động thực tế, các sự kiện dành riêng cho sinh viên nước ngoài. Những Ngày hội văn hóa Việt - Lào, Ngày hội trải nghiệm Một ngày là sinh viên của trường,… Trường ĐHSP Đà Nẵng còn có chính sách hỗ trợ xem xét cấp học bổng theo Chương trình học bổng truyền cảm hứng UED và xây dựng chương trình người hỗ trợ trong suốt quá trình học tập.

Emma Pendolino (Trường ĐH Đông Á) hào hứng cho biết, ở Pháp cô thường xuyên xếp hàng vào bảo tàng, di tích lịch sử văn hóa, nhưng chưa bao giờ được trải nghiệm cùng hàng ngàn bạn sinh viên Việt Nam xếp hàng để hiến máu nhân đạo. Emma hy vọng những ngày hội hiến máu lần sau, những người bạn Pháp của mình đang trao đổi học tập tại trường sẽ cùng có trải nghiệm ý nghĩa như mình.

“Trường luôn tạo cơ hội cho mình tham gia những hoạt động ngoại khóa, các chương trình trao đổi sinh viên, tham gia những buổi tình nguyện ý nghĩa. Mình đã học hỏi rất nhiều điều từ bạn bè, thầy cô, tìm ra phương hướng để phát triển bản thân và mình cũng học được cách yêu thương mọi người xung quanh. Được lan tỏa những điều tích cực chính là niềm vui của mình”, Aon Chaisakon, 20 tuổi người Lào, sinh viên năm 1 trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, chia sẻ.

Thu Hương - Việt Hằng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/sang-viet-nam-du-hoc-post1530007.tpo