Sao Ta (FMC) đặt mục tiêu lợi nhuận 2025 giảm nhẹ còn 420 tỷ đồng, thận trọng trước sức ép kiện tụng tại Mỹ

CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) công bố kế hoạch lợi nhuận năm 2025 giảm nhẹ xuống 420 tỷ đồng, mặc dù doanh thu dự kiến tăng trưởng gần 2%. Chỉ riêng hai tháng đầu năm, FMC đã đạt gần 47 triệu USD doanh số, tương đương hơn 18% kế hoạch năm, nhưng vẫn chưa đủ xua tan lo ngại từ các vụ kiện chống bán phá giá và biến động thị trường tôm toàn cầu.

Năm 2025, Sao Ta đặt kế hoạch kinh doanh với sản lượng chế biến tôm đạt 25.000 tấn, tiêu thụ 22.000 tấn tôm cùng 1.300 tấn nông sản. Tổng doanh số dự kiến khoảng 255 triệu USD, tăng nhẹ gần 2% so với năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế được công ty đặt ra lại giảm nhẹ còn 420 tỷ đồng, thấp hơn mức 422 tỷ đồng đạt được trong năm 2024.

 Thực phẩm Sao Ta (FMC) đặt mục tiêu kinh doanh đi lùi cho năm 2025 (Ảnh TL)

Thực phẩm Sao Ta (FMC) đặt mục tiêu kinh doanh đi lùi cho năm 2025 (Ảnh TL)

Dù đã hoàn thành hơn 18% chỉ tiêu doanh số trong 2 tháng đầu năm 2025, Sao Ta vẫn đang giữ thái độ thận trọng do môi trường kinh doanh còn nhiều thách thức. Công ty vừa hoàn tất thu hoạch tôm tại vùng nuôi mới và đang thu hoạch ở vùng nuôi cũ, qua đó đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cho các nhà máy chế biến. Tuy nhiên, giá cả nguyên liệu tăng đột biến từ cuối năm ngoái vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, gây áp lực lớn đến hiệu quả kinh doanh năm nay.

Thêm vào đó, áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các quốc gia như Ecuador, Ấn Độ và Indonesia, cộng thêm rủi ro từ các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp tại thị trường Mỹ đang tạo ra sức ép không nhỏ lên chiến lược xuất khẩu của FMC. Những diễn biến khó lường từ biến đổi khí hậu, dịch bệnh nuôi trồng thủy sản và tình trạng lạm phát kéo dài tại các thị trường trọng điểm vẫn đang đặt ra thách thức lớn đối với công ty trong năm 2025.

Năm 2024 được xem là một năm đầy khó khăn với ngành tôm khi thị trường thế giới suy giảm nhu cầu, kéo theo mức tiêu thụ thấp và giá tôm xuất khẩu giảm mạnh. Nguồn cung dồi dào từ các quốc gia sản xuất lớn khiến doanh nghiệp Việt Nam gặp khó trong việc cạnh tranh giá bán, dẫn đến tình trạng dư cung trên thị trường quốc tế. FMC không nằm ngoài vòng xoáy này khi chứng kiến giá cước vận tải tăng cao vì xung đột kênh đào Suez và lạm phát dai dẳng, ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí kinh doanh và biên lợi nhuận.

Không chỉ gặp khó trên trường quốc tế, Sao Ta còn chịu áp lực từ việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu trong nước. Giá tôm nguyên liệu biến động thất thường do thời tiết không thuận lợi, dịch bệnh và chất lượng con giống suy giảm. Chi phí nuôi trồng liên tục leo thang trong khi giá tôm thương phẩm lại thấp khiến nông dân không mặn mà tái sản xuất, gây ra chuỗi cung ứng thiếu ổn định. Những khó khăn nội tại này buộc FMC phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh theo hướng thận trọng hơn trong năm 2025.

Tuy nhiên, điểm tích cực với Sao Ta là việc công ty sở hữu diện tích nuôi đạt chứng nhận quốc tế ASC khá lớn, tạo lợi thế về chất lượng sản phẩm khi tiếp cận những thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu. Ngoài ra, việc công ty chủ động phân bổ chuyên môn hóa sản phẩm cho từng nhà máy cũng phần nào giúp giảm chi phí và tăng năng suất. Nhưng liệu những lợi thế này có đủ để FMC vượt qua thách thức kép từ thị trường trong và ngoài nước vẫn là một dấu hỏi lớn trong năm 2025.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/sao-ta-fmc-dat-muc-tieu-loi-nhuan-2025-giam-nhe-con-420-ty-dong-than-trong-truoc-suc-ep-kien-tung-tai-my-post340587.html