Sập 'bẫy yêu' nhiều cô gái bị lừa bán sang Trung Quốc
Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh vừa phá thành công một phần chuyên án đấu tranh làm rõ vụ án mua bán người, xảy ra ngày 14-9-2019 tại xã Hùng Lợi (Yên Sơn). Bọn tội phạm cấu kết chặt chẽ với nhau với kịch bản hoàn hảo, 'phân vai' rõ ràng khiến những phụ nữ nhẹ dạ cả tin dễ dàng sập bẫy.
Thượng tá Nguyễn Hoàng Long, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh cho biết: Đây là chuyên án phức tạp, các đối tượng ở tỉnh Cao Bằng, Hà Giang câu kết chặt chẽ với nhau, lợi dụng sự cả tin, với thủ đoạn “vờ yêu”, một số phụ nữ người dân tộc Mông đã sập bẫy, bị lừa gạt bán sang Trung Quốc. Sau nhiều tháng đấu tranh, Cơ quan Công an đã khởi tố, bắt tạm giam hai đối tượng Vừ Văn Lềnh, sinh 1990, trú tại thôn Nà Nôm, xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng) và Sùng Sính Pó, sinh năm 1978, trú tại thôn Xín Phín Chư, xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) về hành vi mua bán người.
Bước đầu, các đối tượng khai nhận với thủ đoạn tương tự bọn chúng đã thực hiện 6 vụ bán chót lọt 6 cô gái dân tộc Mông ở các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang và Tuyên Quang bị bán sang Trung Quốc. Đối tượng đầu vụ là Lầu Thị Say, sinh 1985, là vợ của Pó đã bỏ trốn khỏi địa phương sang Trung Quốc. Cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục truy bắt, làm rõ hành vi của đối tượng này. Đồng thời, cơ quan công an đang phối hợp với các ngành liên quan liên hệ với phía Trung Quốc để giải cứu, đưa các nạn nhân sớm trở về đoàn tụ với gia đình. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã gửi thông báo phối hợp với Công an các tỉnh khác. Hiện nay, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Giang cũng đã khởi tố đối tượng Say và Pó vì liên quan đến một số vụ án mua bán người khác trên địa bàn.
Điều đáng nói các đối tượng có sự “phân vai” rõ ràng, có kịch bản hoàn hảo khiến nhiều cô gái dễ dàng mắc bẫy. Trong đó, Vừ Văn Lềnh - thanh niên lêu lổng, lười làm ăn nhưng lại khá bảnh trai, đóng vai trò kẻ “đi săn”. “Con mồi” chúng nhắm tới là các cô gái người dân tộc thiểu số. Từ năm 2017, Vừ Văn Lềnh gặp gỡ và quen với vợ chồng Lầu Thị Say và Sùng Sính Pó. Tiếp đó, Say và Lềnh thường xuyên liên lạc bằng điện thoại, bàn bạc thống nhất với nhau về việc Lềnh tìm đưa phụ nữ lên huyện Mèo Vạc (Hà Giang) giao cho vợ chồng Say để đưa sang Trung Quốc bán lấy tiền.
Khoảng tháng 8-2019, Lềnh xin được số điện thoại và liên tục gọi điện làm quen, tán tỉnh chị Hoàng Thị S, sinh 1986, trú tại Hùng Lợi (Yên Sơn) mục đích để chị S tin tưởng rồi lừa bán sang Trung Quốc. Tránh bị phát hiện, Lềnh lấy tên khác giới thiệu là Đại, nhà ở huyện Mèo Vạc. Được một thời gian sau, khi chị S nhận lời yêu, Lềnh nói là sẽ lấy làm vợ rồi bảo chị S cùng Lềnh sang Trung Quốc làm thuê. Do tin tưởng người yêu mới quen, chị S đã đồng ý đi theo. Ngay sau đó, Lềnh gọi điện thông báo cho Say đã có “hàng”. Ngày 14-9-2019, Lềnh gọi điện thoại hẹn rồi dùng xe máy đến đón chị S ở nhà tại xã Hùng Lợi đưa lên huyện Mèo Vạc và bán sang Trung Quốc với giá 10.000 nhân dân tệ. Để tránh nạn nhân nghi ngờ, bọn chúng lừa chị S theo đường rừng vượt biên sang Trung Quốc, vừa tránh sự phát hiện của các lực lượng chức năng, vừa dễ dàng thực hiện hành vi phạm tội. Các đối tượng nhận nhau là người thân trong gia đình nên càng tạo niềm tin với nạn nhân.
Thành công bước đầu của chuyên án trên cho thấy thủ đoạn của tội phạm mua bán người rất tinh vi, xảo quyệt. Các đối tượng lợi dụng chính là yếu tố cùng dân tộc, cùng tiếng nói để chiếm niềm tin, đưa bị hại vào bẫy đã giăng sẵn. Để đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người đạt hiệu quả hơn cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành. Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt là ở những xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần tiếp tục được tăng cường.