Sắp có quy định về tài khoản của Kho bạc mở tại ngân hàng

Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư quy định về quản lý và sử dụng tài khoản của Kho bạc Nhà nước mở tại Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại. Dự thảo quy định rõ các điều kiện cho các ngân hàng thương mại được Kho bạc Nhà nước lựa chọn để mở tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu.

Hai loại tài khoản

Theo dự thảo, tài khoản của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại ngân hàng bao gồm hai loại tài khoản. Một là, tài khoản thanh toán mở tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng thương mại để thực hiện các giao dịch thu, chi ngân quỹ nhà nước; thực hiện các giao dịch điều hành số dư tài khoản để bảo đảm khả năng thanh toán của toàn hệ thống KBNN; thực hiện các giao dịch sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi hoặc xử lý ngân quỹ nhà nước tạm thời thiếu hụt. Hai là tài khoản thanh toán mở tại các ngân hàng thương mại chỉ để tập trung các khoản thu ngân quỹ nhà nước (tài khoản chuyên thu).

 Thời gian qua, KBNN tỉnh Khánh Hòa đã mở rộng phối hợp thu và ủy nhiệm thu ngân sách với các ngân hàng thương mại. Nguồn: BHK

Thời gian qua, KBNN tỉnh Khánh Hòa đã mở rộng phối hợp thu và ủy nhiệm thu ngân sách với các ngân hàng thương mại. Nguồn: BHK

Về nơi mở tài khoản của KBNN, dự thảo quy định KBNN mở 1 tài khoản thanh toán bằng VND và 1 tài khoản thanh toán đối với từng ngoại tệ (nếu có) tại Sở Giao dịch NHNN; mở 1 tài khoản thanh toán bằng VND tại trụ sở chính của ngân hàng; mở 1 tài khoản thanh toán đối với từng loại ngoại tệ (nếu có) tại trụ sở chính của ngân hàng; mở 1 tài khoản chuyên thu bằng VND tại trụ sở chính của ngân hàng (đối với các ngân hàng nơi KBNN chỉ mở tài khoản chuyên thu).

Sở Giao dịch KBNN mở tài khoản thanh toán bằng VND tại trụ sở chính hoặc chi nhánh của ngân hàng; mở tài khoản thanh toán đối với từng loại ngoại tệ (nếu có) tại trụ sở chính hoặc chi nhánh ngân hàng.

KBNN cấp tỉnh mở 1 tài khoản thanh toán bằng VND tại 1 chi nhánh ngân hàng trên cùng địa bàn tỉnh. Đối với KBNN cấp tỉnh đóng trên địa bàn có phát sinh giao dịch thu, chi ngân quỹ nhà nước bằng ngoại tệ thì được mở 1 tài khoản thanh toán đối với từng loại ngoại tệ có phát sinh giao dịch tại 1 chi nhánh ngân hàng được phép kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối trên cùng địa bàn tỉnh. Ngoài ra, KBNN cấp tỉnh mở tài khoản chuyên thu bằng VND tại các chi nhánh ngân hàng trên cùng địa bàn (trừ các chi nhánh ngân hàng thương mại nơi KBNN cấp tỉnh đã mở tài khoản thanh toán)…

KBNN cấp huyện mở 1 tài khoản thanh toán bằng VND tại 1 chi nhánh hoặc phòng giao dịch ngân hàng nơi thuận tiện giao dịch. Đồng thời, KBNN cấp huyện mở tài khoản chuyên thu bằng VND tại các chi nhánh ngân hàng hoặc phòng giao dịch nơi thuận tiện giao dịch (trừ các chi nhánh, phòng giao dịch nơi KBNN cấp huyện đã mở tài khoản thanh toán).

Ngoài ra, dự thảo Thông tư cũng quy định, các đơn vị KBNN (cấp tỉnh, cấp huyện) chỉ được mở tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu theo quy định tại trụ sở chính, chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng nơi KBNN mở tài khoản. Riêng đối với các ngân hàng nơi KBNN mở tài khoản chuyên thu, KBNN cấp tỉnh, KBNN cấp huyện chỉ được mở tài khoản chuyên thu.

Các điều kiện ngân hàng thương mại phải đáp ứng

Dự thảo Thông tư cũng quy định rõ các điều kiện các ngân hàng thương mại phải đáp ứng để được KBNN lựa chọn để mở tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu.

Đầu tiên, các ngân hàng không thuộc các trường hợp đã được chuyển giao bắt buộc hoặc đang được kiểm soát đặc biệt. Tiếp đến, có hệ thống Core Banking đặt tại Việt Nam. Hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ và đặc tả kỹ thuật kết nối, trao đổi thông tin thực hiện phối hợp thu ngân sách nhà nước và thanh toán song phương điện tử giữa KBNN và ngân hàng thương mại.

Cùng với đó, đã kết nối, trao đổi dữ liệu điện tử và thực hiện phối hợp thu NSNN với cơ quan Thuế, Hải quan. Cam kết với KBNN về việc có đầy đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng theo các quy định về công nghệ thông tin. Đồng thời, bố trí đủ nguồn nhân lực để sẵn sàng triển khai phối hợp thu ngân sách và thanh toán song phương điện tử với KBNN. Đáp ứng các yêu cầu về thực hiện ủy nhiệm thu, chi ngân quỹ nhà nước bằng tiền mặt của KBNN (đối với ngân hàng được lựa chọn để mở tài khoản thanh toán); đáp ứng các yêu cầu về thực hiện ủy nhiệm thu ngân quỹ nhà nước bằng tiền mặt của KBNN (đối với ngân hàng được lựa chọn để mở tài khoản chuyên thu).

Đồng thời, ký kết thỏa thuận tổ chức phối hợp thu ngân sách và thanh toán song phương điện tử với KBNN; đồng thời triển khai đầy đủ, tuân thủ đúng các quy trình nghiệp vụ, hạ tầng kỹ thuật và nhân lực để thực hiện thanh toán song phương điện tử với KBNN theo thỏa thuận đã ký kết…

Dự thảo Thông tư cũng nêu rõ, trường hợp ngân hàng mà KBNN đã mở tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu nhưng không còn đáp ứng được các điều kiện này thì chậm nhất trong vòng 30 ngày làm việc, kể từ ngày KBNN có đầy đủ căn cứ để xác định ngân hàng không còn đáp ứng các điều kiện để mở tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu, KBNN đóng các tài khoản của mình tại ngân hàng đó.

Từ năm 2014, KBNN đã triển khai thanh toán song phương điện tử trong toàn hệ thống với 4 ngân hàng Vietcombank, Agribank, Vietinbank và BIDV. Đến tháng 7.2024, hệ thống KBNN đã mở rộng phương thức thanh toán này với 18 ngân hàng thương mại thông qua 833 tài khoản thanh toán và 2.589 tài khoản chuyên thu, tương ứng với tổng số gần 700 đơn vị KBNN các cấp.

Theo đánh giá của KBNN, thanh toán song phương điện tử đã cải thiện đáng kể chất lượng công tác kế toán, thanh toán, góp phần đẩy nhanh quá trình điện tử hóa công tác giao dịch giữa KBNN và ngân hàng thương mại. Đặc biệt, phương thức này đã thay thế hoàn toàn việc giao dịch thủ công bằng chứng từ giấy và giao dịch trực tiếp trước đây.

Tiểu Phong

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/sap-co-quy-dinh-ve-tai-khoan-cua-kho-bac-mo-tai-ngan-hang-post394290.html