Sắp diễn ra diễn đàn: 'Kết nối Tín dụng Xanh - Khu công nghiệp Xanh'
Phát triển khu công nghiệp xanh là bước đi chiến lược, cấp thiết để Việt Nam ứng phó thách thức môi trường, nâng sức cạnh tranh và thu hút đầu tư chất lượng cao. Quá trình này tốn nhiều chi phí và đầu tư dài hạn nên sự trợ lực của tín dụng xanh suốt thời gian dự án có ý nghĩa vô cùng to lớn. Để làm rõ hơn về những vấn đề này, ngày 9/5/2025, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) khu vực 9, Thời báo Ngân hàng tổ chức diễn đàn: 'Kết nối Tín dụng Xanh - Khu công nghiệp Xanh'.

Diễn đàn có sự tham dự của hơn 100 đại biểu là đại diện lãnh đạo NHNN, đại diện lãnh đạo HĐND, UBND, các sở, ban, ngành; chuyên gia quốc tế và trong nước; đại diện tổ chức tín dụng, các khu công nghiệp… sẽ được tổ chức vào ngày 9/5/2025, tại Đà Nẵng.
Sau hơn hai thập niên đẩy mạnh thu hút đầu tư, Việt Nam hiện có hơn 400 khu công nghiệp đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% giá trị sản xuất công nghiệp và 70% kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt của các khu công nghiệp đã tạo áp lực lớn lên môi trường, đặc biệt trong xử lý nước thải, khí thải và chất thải rắn.
Với vai trò là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng, các khu công nghiệp, khu chế xuất truyền thống nay đứng trước yêu cầu cấp thiết phải chuyển mình sang mô hình xanh. Đây không chỉ là bước đi đáp ứng xu thế toàn cầu về phát triển bền vững, mà còn là chìa khóa để các địa phương nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao và định hình tương lai công nghiệp trong kỷ nguyên mới.
Chính vì vậy, trong vài năm trở lại đây, mô hình khu công nghiệp xanh bắt đầu được nhiều nhà đầu tư áp dụng, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong số 290 khu công nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, có khoảng 1-2% trong số đó đang thực hiện các bước trở thành khu công nghiệp sinh thái/xanh. Con số này vẫn tiếp tục tăng lên.
Riêng tại Đà Nẵng, hiện có 6 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 1.100 ha. Đà Nẵng đang trên đường xây dựng tăng trưởng xanh tại các khu công nghiệp, thí điểm chuyển đổi thành khu công nghiệp sinh thái. Với mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 2 - 3 khu công nghiệp sinh thái theo tiêu chuẩn quốc gia, hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đã chuyển đổi sang các mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn, cải tiến quy trình quản lý và vận hành, đổi mới công nghệ sản xuất để giảm các nguồn gây ô nhiễm, thực hiện cộng sinh công nghiệp...
Tuy nhiên, để xây dựng một khu công nghiệp xanh đòi hỏi những khoản đầu tư không nhỏ vào hạ tầng đồng bộ, hệ thống vận chuyển thân thiện môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo, các giải pháp xử lý, thu gom và tái chế chất thải tiên tiến, cùng các chương trình quản lý và vận hành xanh. Đây là những khoản đầu tư chiến lược, mang tầm nhìn dài hạn, đặt ra không ít thách thức về tài chính cho các doanh nghiệp tiên phong.
Để hỗ trợ các khu công nghiệp trong quá trình xanh hóa, thời gian qua, với vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế, NHNN đã ban hành hàng loạt chính sách và văn bản hướng dẫn nhằm khuyến khích mạnh mẽ sự phát triển của tín dụng xanh. Dưới sự chỉ đạo của NHNN, từ chỗ chỉ có 15 tổ chức tín dụng tham gia năm 2017, đến nay đã có 50 đơn vị phát sinh dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân dư nợ tín dụng xanh giai đoạn 2017-2024 đạt trên 22%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng chung cho nền kinh tế, qua đó tích cực thúc đẩy tín dụng xanh để các khu công nghiệp có thêm nguồn lực nâng cao, cải tiến công nghệ, chuyển đổi sản xuất xanh bền vững.
Tuy nhiên, tỷ lệ tín dụng xanh trên tổng dư nợ tín dụng mới chiếm khoảng 4,6%, cho thấy tín dụng xanh tại Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng. Việc thúc đẩy tín dụng xanh hỗ trợ sự hình thành và nhân rộng các khu công nghiệp xanh vẫn còn đối diện với không ít thách thức.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này và tìm ra giải pháp trong thời gian tới, các nhà quản lý, các chuyên gia, đại diện tổ chức tín dụng, các khu công nghiệp… tham dự diễn đàn “Kết nối Tín dụng Xanh - Khu công nghiệp Xanh” sẽ trao đổi một số nội dung chính như:
Đánh giá tình hình triển khai các mô hình khu công nghiệp xanh hiện nay, chỉ ra những thành công và thách thức.
Đánh giá khách quan và toàn diện về tình hình triển khai tín dụng xanh cho khu công nghiệp xanh tại Việt Nam trong thời gian qua, nhận diện những điểm nghẽn và các vấn đề cần giải quyết.
Kinh nghiệm quốc tế và các giải pháp khả thi để phát triển các khu công nghiệp xanh, thúc đẩy tín dụng xanh góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo hướng bền vững.
Diễn đàn sẽ là nơi tập hợp những ý kiến tâm huyết, tạo diễn đàn trao đổi giữa cơ quan quản lý, các chuyên gia, nhà nghiên cứu chính sách, doanh nghiệp, từ đó có những góc nhìn khác nhau xoay quanh việc triển khai hoạt động tín dụng xanh của ngành ngân hàng, việc áp dụng các cơ chế, chính sách vào thực tiễn. Đây sẽ là những đóng góp, gợi mở cho cơ quan quản lý trong việc hoạch định cơ chế chính sách, cũng như việc triển khai hoạt động tín dụng xanh trong thực tế của các tổ chức tín dụng, tạo động lực khơi thông dòng vốn tín dụng ngành Ngân hàng cho các mục tiêu xanh, phát triển bền vững.