Sắp hết hạn đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học
Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, thí sinh được đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học đến 17h ngày 28/7.

Thí sinh TP.HCM trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Ảnh: Phương Lâm.
Tài khoản dùng để thao tác cũng là tài khoản mà các em dùng khi đăng ký thi tốt nghiệp THPT, tại: http://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn.
Thí sinh được điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng không giới hạn số lần, hạn cuối là 17h ngày 28/7.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, ThS Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), khuyên thí sinh có thể tham khảo cách sắp xếp nguyện vọng xét tuyển theo nguyên tắc phân tầng như sau:
Tầng 1 (nhóm mơ ước): Thí sinh đặt từ 3-5 nguyện vọng vào ngành mình thích nhất, có điểm chuẩn năm 2024 cao hơn điểm hiện tại 1-2 điểm;
Tầng 2 (nhóm vừa sức): Thí sinh đặt từ 3-8 nguyện vọng vào các ngành mình yêu thích có cơ hội trúng tuyển cao, có điểm chuẩn năm 2024 cao hơn điểm hiện tại 0-1 điểm;
Tầng 3 (nhóm an toàn): Thí sinh đặt từ 3-5 nguyện vọng vào các ngành mình yêu thích có cơ hội trúng tuyển gần như chắc chắn, có điểm chuẩn năm 2024 chênh lệch điểm hiện tại khoảng 1 điểm.
"Lưu ý, các nguyện vọng phải được sắp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp, trong đó nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất", ông Tiến lưu ý.
Vị chuyên gia cũng nhắc nhở một số sai lầm thí sinh mắc phải khi đăng ký nguyện vọng, như đã đủ trúng tuyển theo diện xét tuyển thẳng của Bộ GD&ĐT, nhưng các em chủ quan quên không đăng ký lên hệ thống xét tuyển chung của bộ, dẫn đến trường hợp điểm cao mà trượt đại học .
Thứ hai, thí sinh quên khai báo, cập nhật các thông tin minh chứng xét tuyển theo yêu cầu của các trường đại học, cao đẳng.
Thứ ba, thí sinh chưa tìm hiểu kỹ ngành nghề, trường mình muốn học, đăng ký nguyện vọng theo sự giới thiệu của bạn bè, những nhà sáng tạo nội dung không rành về chuyên môn trên mạng xã hội và chạy theo xu hướng chọn trường trước, chọn ngành sau.
Thứ tư, khi đăng ký nguyện vọng, các em không xem xét đến điều kiện kinh tế của gia đình, sức khỏe của bản thân. Điều này dẫn đến việc các em học ngành mình thích nhưng có mức học phí quá cao so với kinh tế của gia đình hoặc sức khỏe bản thân không đủ để theo đuổi.
Cuối cùng, theo kế hoạch, từ ngày 29/7 đến 17h ngày 5/8, thí sinh phải nộp lệ phí xét tuyển bằng hình thức trực tuyến. Ông Tiến lưu ý thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống của bộ nhưng quên đóng lệ phí xét tuyển sẽ xem như chưa đăng ký thành công.
Từ ngày 16/8 đến ngày 20/8, Bộ GD&ĐT tiến hành xử lý nguyện vọng xét tuyển (lọc ảo). 17h ngày 20/8, các cơ sở đào tạo nhập mức điểm trúng tuyển và kết quả xét tuyển lên hệ thống, rà soát và chuẩn bị công bố kết quả trúng tuyển đợt 1.
Trước 17h30 ngày 30/8, thí sinh trúng tuyển (kể cả thí sinh trúng tuyển thẳng) phải xác nhận nhập học trên hệ thống (nếu có nguyện vọng theo học). Từ ngày 1/9 đến tháng 12/2025, các trường sẽ xét tuyển bổ sung.