Sắp hết hạn đăng ký, nhiều thí sinh vẫn chưa chọn được nguyện vọng xét tuyển đại học
Chỉ một tuần nữa Bộ GD&ĐT sẽ đóng cổng điều chỉnh đăng ký xét tuyển nguyện vọng trên hệ thống nhưng theo thống kê mới chỉ có hơn 37% thí sinh đăng ký. Nhiều thí sinh vẫn đang băn khoăn về việc chọn ngành nghề thế nào, đăng ký xét tuyển ra sao.
Thí sinh đắn đo đặt nguyện vọng xét tuyển đại học
Nhiều thí sinh cho biết bản thân vẫn còn băn khoăn chưa lựa chọn được ngành học phù hợp với mình nên chưa thực hiện đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Chia sẻ với PV báo Sức khỏe&Đời sống, Trần Bảo Phúc (ở Tây Hồ, Hà Nội) cho biết bản thân vẫn đang phân vân chưa đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học vì lý do một phần là học phí và vị trí đi lại. Phần nữa, sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT Phúc hơi hụt hẫng vì điểm không như mong đợi. "Vẫn còn thời gian nên em cần tìm hiểu kỹ hơn về ngành mình lựa chọn để đặt nguyện vọng hợp lý cả về sở thích, kinh tế gia đình và khi ra trường có tìm được việc làm dễ hay không".
Mặc dù những ngày qua liên tiếp đọc được thông tin về việc Bộ GD&ĐT nhắc nhở thí sinh đăng ký nguyện vọng sớm để tránh những sự cố đáng tiếc nhưng Nguyễn Bảo Nhi (ở Vĩnh Phúc) cho biết em muốn suy nghĩ thêm vài ngày nữa bởi em vẫn băn khoăn trong việc lựa chọn ngành học, trường học.
"Còn 7 ngày nữa hệ thống sẽ đóng cổng đăng ký nguyện vọng nhưng em vẫn chưa chốt được nguyện vọng cho riêng mình. Em định sẽ chốt ngành học trong 2 ngày tới và sẽ tìm hiểu kỹ cách đặt nguyện vọng trong những ngày sau đó".
Linh cho biết em đã nhận được thông báo trúng tuyển vào hai trường khối ngành Marketing nhưng vài ngày gần đây bản thân phải đấu tranh tâm lý và thường xuyên căng thẳng với bố mẹ vì bỗng dưng em lại thích học ngành Y. "Em đăng ký học ngành Marketing theo sự hướng nghiệp của bố mẹ chứ em không thích ngành này. Sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, em lại cảm thấy mình thích ngành Y hơn".
Hãy chọn ngành, chọn nghề trước rồi chọn trường sau
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, hiện không ít thí sinh vẫn phân vân về việc lựa chọn ngành học, chọn trường cần dựa trên những nguyên tắc nào. Thậm chí, có những thí sinh đến thời điểm này vẫn chưa biết mình thích ngành, nghề nào, nên chọn ngành nghề nào.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, ở tuổi 18, không phải thí sinh nào cũng thực sự hiểu mình muốn làm nghề gì, mình phù hợp với ngành nghề nào, thậm chí có những em chưa xác định được mình thích gì. "Không phải tất cả chương trình nào của bậc đại học khi ra cũng làm đúng ngành nghề đó mà sẽ phải học liên tục, học cả đời. Nhưng ít nhất các chương trình đại học sẽ trang bị cho người học một số năng lực chung để có thể thích ứng với cuộc sống này.
Vì vậy, quan trọng nhất ở thời điểm này đó là xác định luôn sẽ có những trường mơ ước và có những trường vừa sức. Hãy chọn ngành, chọn nghề trước rồi chọn trường sau. Nếu không đỗ được một ngành/trường trong mơ mà là một ngành vừa sức thì cũng hãy hài lòng với nguyện vọng đó của mình. Các bạn dồn hết tâm sức để trải nghiệm học tập, chắc chắn cũng sẽ thu hoạch được nhiều hơn thay vì cảm thấy chán, mất động lực hay chờ năm sau thi lại có thể rất bấp bênh".
Để tránh sai sót khi chọn ngành nghề để đăng ký xét tuyển, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, thí sinh và gia đình nên tuân thủ một số nguyên tắc về sở thích, hứng thú và năng lực của bản thân đáp ứng ngành nghề nào.
Cần nắm rõ quy trình đăng ký, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra
Theo TS. Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), thí sinh có thể đặt các nguyện vọng với số lượng tùy ý, tuy nhiên chỉ có thể trúng tuyển một nguyện vọng.
Vì vậy, ngành học mà thí sinh yêu thích nhất sẽ phải ưu tiên đặt làm nguyện vọng 1. Những nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm nhưng vẫn còn băn khoăn, chưa xác định sẽ học, không nên đặt ở nguyện vọng 1. Bởi vì nếu trượt nguyện vọng 1 sẽ lần lượt được xét đến những nguyện vọng tiếp theo.
Lựa chọn và sắp xếp nguyện vọng là quyền của thí sinh. Thí sinh là những người đưa ra quyết định cuối cùng. Không trường đại học nào có thể "ép" thí sinh đặt nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm lên làm nguyện vọng 1. Thí sinh phải bình tĩnh và mạnh dạn lựa chọn nguyện vọng mình yêu thích nhất lên đầu tiên, không bị tác động của các yếu tố bên ngoài.
Trong quá trình lựa chọn nguyện vọng, các em sẽ phải dựa vào nhiều yếu tố. Bên cạnh sự yêu thích là điểm thi, điểm chuẩn và cả điều kiện kinh tế của gia đình. Các em hãy suy nghĩ thật kỹ và đưa ra quyết định cuối cùng của mình trước 17h ngày 30/7.
Ngoài ra, trong năm nay, việc đăng ký xét tuyển vẫn tiếp tục thực hiện theo hình thức trực tuyến. Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học nhắc nhở, thí sinh và phụ huynh cần nắm rõ quy trình đăng ký nhằm tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Theo quy định, thí sinh cần phải đăng ký nguyện vọng tại website của trường đại học và trên hệ thống của Bộ GD&ĐT.
"Dù thí sinh được các trường xác nhận trúng tuyển có điều kiện thì vẫn phải làm thao tác cuối cùng là đăng ký các nguyện vọng xét tuyển, bao gồm cả nguyện vọng xét tuyển sớm và nguyện vọng xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT, lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT và nộp lệ phí đầy đủ".
Theo quy định, nay cho đến 17h ngày 30/7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT.
Từ ngày 12/8 đến 17h ngày 20/8, các cơ sở đào tạo phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát dữ liệu trên hệ thống, sau đó tải dữ liệu, thông tin xét tuyển để tổ chức xét tuyển nguyện vọng của thí sinh đã đăng ký.
Việc lọc ảo, xử lý nguyện vọng của thí sinh sẽ được thực hiện 6 lần trên hệ thống và kết thúc vào chiều 20/8.
Trước 17h ngày 22/8, các trường đại học sẽ công bố điểm chuẩn đại học 2023 và kết quả xét tuyển.