Sắp hết hạn tạm dừng các quy định tại Nghị định 08 mà trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sắp tới rất lớn
Sang năm 2024, giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đáo hạn sẽ lên đến 329.500 tỉ đồng. Trong khi đó, một số quy định tại Nghị định 08 được tạm hoãn chỉ đến cuối năm 2023 khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại.
Lượng TPDN sắp đáo hạn rất lớn
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, kể từ khi Nghị định số 08/2023/NÐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành (5.3.2023), khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là 179,5 nghìn tỉ đồng. Chỉ tính riêng tháng 10, khối lượng phát hành là 41 nghìn tỉ đồng, tăng 17 nghìn tỉ đồng so với tháng 9 (23,4 nghìn tỉ đồng).
Ðáng lưu ý, cho tới nay, các DN đã mua lại lượng trái phiếu trước hạn là 190,7 nghìn tỉ đồng (cao hơn tổng số phát hành). Riêng trong tháng 10.2023, các DN đã mua lại khoảng 14,2 nghìn tỉ đồng.
Trong đó, nhà đầu tư chính mua TPDN riêng lẻ trên thị trường sơ cấp là các nhà đầu tư tổ chức (chiếm 95% tổng khối lượng phát hành), các nhà đầu tư cá nhân chỉ chiếm 5%. Trên thị trường thứ cấp, nhà đầu tư cá nhân nắm giữ khoảng 28,5% tổng dư nợ TPDN riêng lẻ (tương đương khoảng 285,6 nghìn tỉ đồng).
Trong 2 tháng cuối năm 2023, Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) ước tính sẽ có khoảng 41.009 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn. Trong đó, có 16 mã trái phiếu chậm trả lãi, gốc với tổng giá trị khoảng 1.006 tỉ đồng và 47 mã trái phiếu được gia hạn/thay đổi lãi suất.
40% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn trong 2 tháng cuối năm thuộc nhóm BĐS với hơn 15.631 tỉ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng với 7.530 tỉ đồng (chiếm 19%).
Riêng trong tháng 11, theo ước tính của VNDIRECT, sẽ có khoảng hơn 8.800 tỉ đồng TPDN đáo hạn, thấp hơn đáng kể so với giá trị đáo hạn trong các tháng vừa qua.
Ở diễn biến khác, theo báo cáo mới công bố, Công ty Chứng khoán MBS ước tính đến ngày 25.10, có khoảng 99 DN thông báo về việc chậm/hoãn thanh toán gốc, lãi trái phiếu, với tổng giá trị TPDN chậm các nghĩa vụ thanh toán vào khoảng 190.000 tỉ đồng, chiếm 18% dư nợ TPDN của toàn thị trường. Trong đó, khoảng 70% giá trị chậm trả rơi vào nhóm ngành ngành BĐS.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cho hay, từ ngày 19.7, Bộ Tài chính đã quyết định đưa Hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ thuộc Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vào hoạt động. Đây là “sân chơi” để giao dịch TPDN riêng lẻ minh bạch, an toàn, lành mạnh.
Sau hơn 3 tháng hoạt động, sàn HNX đã tiếp nhận và đưa vào giao dịch 451 mã trái phiếu của 114 DN với giá trị đăng ký giao dịch đạt khoảng 336.768 tỉ đồng.
HOREA đánh giá, Nghị định 08/2023/NĐ-CP đã có bước “chạy đà” rất tốt trong 8 tháng qua và bước đầu đã phát huy tác dụng, tháo gỡ phần nào khó khăn cho thị trường TPDN.
Tuy nhiên, quý 4/2023 là giai đoạn cao điểm đáo hạn trái phiếu của cả năm 2023 với tổng giá trị lên đến 65.500 tỉ đồng (không tính các lô trái phiếu đã giãn, hoãn), trong đó có gần 80% là trái phiếu DN BĐS.
Tuy nhiên, sang năm 2024, giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sẽ lên đến 329.500 tỉ đồng, cao nhất trong 3 năm gần đây (năm 2022 là 144.500 tỉ đồng, năm 2023 là 271.400 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn), nên rất cần thiết tiếp tục thực hiện đầy đủ các quy định của Nghị định 08/2023/NĐ-CP trong năm 2024.
Đề xuất tiếp tục lùi một số quy định của Nghị định 08
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, Nghị định 08 là bước sửa đổi mang tính tạm thời. Trong đó, việc lùi thời gian áp dụng một số điều khoản đến hết năm 2023 để giảm tải áp lực cho DN. Tuy nhiên, các quy định này chỉ được lùi đến ngày 31.12.2023.
Cụ thể, quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân; quy định về thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành; quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với DN phát hành trái phiếu.
Ông Thịnh cho rằng, giai đoạn hiện nay, chỉ có rất ít đơn vị xếp hàng tín nhiệm độc lập, trong khi một lượng rất lớn DN phát hành, nên rất khó khăn.
Ngoài ra, quy định mua bán trái phiếu hiện nay rất khó, phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp, có vốn đầu tư thường xuyên là 2 tỉ đồng trở lên, đồng thời phải nắm giữ trái phiếu 6 tháng liên tục. Chưa kể, giá trị trái phiếu rất cao, có thể lên tới 100 triệu đồng/trái phiếu, là con số không hề nhỏ và trái với mong muốn của nhà đầu tư cũng như DN. Theo đó, không nhiều nhà đầu tư có thể đáp ứng.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, Nghị định 08 đã tháo gỡ phần nào khó khăn cho thị trường TPDN, góp phần hỗ trợ cho nền kinh tế và thị trường BĐS vượt qua khó khăn.
Ông Châu đề nghị gia hạn hiệu lực của Điều 3 Nghị định 08/2023/NĐ-CP đến hết ngày 31.12.2024. Nếu không, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ kể từ ngày 1.1.2024 có thể sẽ gặp khó khăn.
Lý do là nhiều DN phát hành trái phiếu riêng lẻ và nhà đầu tư trái phiếu cá nhân chưa thể đáp ứng được ngay 2 điều kiện (xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và các DN phát hành trái phiếu riêng lẻ khó thực hiện được quy định về điều kiện xếp hạng tín nhiệm).
Theo ông Châu, hiện nay, cả nước chỉ có 4 DN tư vấn đánh giá xếp hạng tín nhiệm. Trong khi đó, cả nước có hơn 800.000 DN, trong đó có hơn 40.000 DN BĐS. Chỉ cần khoảng 10% số DN BĐS có nhu cầu phát hành TPDN riêng lẻ thì 4 đơn vị tư vấn đánh giá xếp hạng DN không thể đáp ứng nổi.