Sáp nhập đơn vị hành chính: 'Tránh đồng phục hóa mô hình tổ chức chính quyền địa phương'

Tại tọa đàm về mô hình chính quyền địa phương hai cấp, GS.TS Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện Hành chính và Quản trị công, lưu ý, một trong những yếu tố quan trọng trong phân quyền thực chất là tránh đồng phục hóa mô hình tổ chức chính quyền địa phương, thay vào đó cần tiến tới phân loại địa phương theo chức năng và điều kiện thực tế.

Ngày 9/4, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo khoa học "Mô hình chính quyền địa phương hai cấp: Vai trò của chính quyền cấp xã - đơn vị cơ sở mới".

Chuyển sang mô hình quản trị phân quyền

Tham luận tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện Hành chính và Quản trị công, nêu: Hiện nay, dù Việt Nam đã ban hành khung pháp lý khá đầy đủ về tổ chức chính quyền địa phương, nhưng thực tiễn cho thấy hệ thống này vẫn vận hành trong khuôn khổ của một mô hình hành chính tập trung, với phân quyền không đầy đủ, trách nhiệm lại phân tán.

Việc này dẫn đến hiệu quả quản trị ở cấp địa phương còn thấp, thiếu tính minh bạch, và đặc biệt là khó xác lập cơ chế chịu trách nhiệm rõ ràng trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách. Đáng chú ý, theo GS.TS Nguyễn Quốc Sửu, trong cấu trúc hiện nay, cả ba cấp chính quyền – tỉnh, huyện, xã – đều được giao thực hiện các chức năng tương đối giống nhau như lập quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, tổ chức đầu tư công, quản lý đất đai, giáo dục, y tế, môi trường…

GS.TS Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện Hành chính và Quản trị công. Ảnh: PV.

GS.TS Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện Hành chính và Quản trị công. Ảnh: PV.

"Luật chưa phân định cụ thể đâu là nhiệm vụ thuộc cấp chiến lược, đâu là nhiệm vụ tác nghiệp, và đâu là nhiệm vụ trực tiếp phục vụ người dân. Điều này dẫn đến tình trạng các cấp vừa giẫm chân nhau, vừa đùn đẩy trách nhiệm khi xảy ra vấn đề, nhất là trong các lĩnh vực phức tạp như giải phóng mặt bằng, phân bổ ngân sách, hay thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia", ông Sửu nói.

Nhấn mạnh định hướng của Tổng Bí thư Tô Lâm "Địa phương quyết – Địa phương làm – Địa phương chịu trách nhiệm", GS.TS Nguyễn Quốc Sửu cho biết, đây là một chỉ dấu chính trị quan trọng, thể hiện rõ định hướng chuyển từ mô hình quản lý hành chính tập trung sang mô hình quản trị phân quyền, trách nhiệm rõ ràng, lấy địa phương làm trung tâm thực thi và sáng tạo chính sách.

Theo đó, Trung ương đóng vai trò kiến tạo thể chế, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật và đánh giá kết quả; trong khi địa phương được trao quyền rõ ràng để tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm trước pháp luật và người dân.

Ông Sửu lưu ý, một trong những yếu tố quan trọng trong phân quyền thực chất là tránh đồng phục hóa mô hình tổ chức chính quyền địa phương, thay vào đó cần tiến tới phân loại địa phương theo chức năng và điều kiện thực tế.

Ông Sửu cho rằng, có thể xác lập ba nhóm chính. Trong đó, với chính quyền đô thị, cần cơ chế quản lý linh hoạt, điều hành tập trung hơn và năng lực cung ứng dịch vụ công cao. Chính quyền nông thôn cần chú trọng ổn định bộ máy, phân quyền dân sinh và phát triển nông nghiệp, môi trường. Trong khi đó, chính quyền khu vực động lực (vùng kinh tế trọng điểm, vùng công nghiệp, vùng biên giới đặc thù…) cần mô hình "đặc biệt", đi kèm với cơ chế đặc thù về ngân sách, nhân sự và tổ chức bộ máy.

Đề xuất nghiên cứu giữ nguyên tên gọi, trung tâm hành chính

Tham luận tại hội thảo về vấn đề nghiên cứu tiêu chí sắp xếp đơn vị hành chính theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp, PGS.TS.Trương Thị Hồng Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Khoa học, Ban Nội chính Trung ương, nhấn mạnh, quan điểm là phải xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách xây dựng nền hành chính Nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, bảo đảm công khai, minh bạch, quản lý thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.

Cùng với đó, phải đẩy mạnh đổi mới bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở tổ chức hợp lý các bộ đa ngành, đa lĩnh vực, khắc phục triệt để những chồng chéo, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ; đảm bảo nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính.

Một quan điểm nữa cần lưu ý, theo bà Hà, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành và giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương; khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Nghiên cứu, triển khai các biện pháp đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin.

"Đẩy mạnh sắp xếp đơn vị hành chính dưới sự lãnh đạo của Đảng, sáp nhập, tăng quy mô các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp cơ sở để nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tăng cường các nguồn lực của địa phương và quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính 3 cấp", bà Hà nói.

Về một số tiêu chí nghiên cứu sáp nhập đơn vị hành chính, theo bà Hà, có tiêu chí định tính (về văn hóa, hiệu quả hoạt động); tiêu chí định lượng (về dân số, diện tích, chỉ số kinh tế).

Bà Hà cũng phân tích về các tiêu chí về diện tích tự nhiên; tiêu chí về quy mô dân số; tiêu chí về yếu tố đặc thù (địa hình, dân tộc, biên giới, biển đảo…); tiêu chí về trình độ phát triển kinh tế - xã hội; tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật và xã hội; tiêu chí về yếu tố lịch sử, văn hóa, truyền thống, cộng đồng dân cư. Đáng chú ý, theo bà Hà, khi nghiên cứu sáp nhập đơn vị hành chính, có thể nghiên cứu giữ nguyên tên gọi, trung tâm hành chính để giữ gìn bản sắc.

Trường Phong

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/sap-nhap-don-vi-hanh-chinh-tranh-dong-phuc-hoa-mo-hinh-to-chuc-chinh-quyen-dia-phuong-post1732317.tpo