Sáp nhập mở đường đưa Khánh Hòa dẫn đầu về năng lượng tái tạo
Sau sáp nhập với Ninh Thuận, Khánh Hòa định hình rõ vai trò trung tâm năng lượng quốc gia với tổng công suất nguồn điện dự kiến hơn 22.000MW, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Tiềm lực mạnh mẽ đưa Khánh Hòa lên bản đồ năng lượng sạch khu vực
Sau khi sáp nhập, Khánh Hòa mới sở hữu nguồn lực điện năng khổng lồ, trải đều từ Bắc đến Nam, tạo ra lợi thế tổng hợp vượt trội. Tổng công suất các nhà máy điện đã đi vào vận hành hiện đạt 5.773MW, chiếm khoảng 7,2% tổng nguồn cung điện quốc gia.

Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1.
Trong đó, khu vực phía Bắc nổi bật với Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (1.320MW), còn khu vực phía Nam - vốn là địa bàn cũ của Ninh Thuận - có tới 57 nhà máy điện, chủ yếu là điện mặt trời và điện gió, với tổng công suất gần 3.750MW.
Bên cạnh các nguồn điện tái tạo truyền thống, Khánh Hòa mới còn có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng LNG, thủy điện tích năng và các công nghệ năng lượng mới như hydro xanh, sinh khối, sóng biển, thủy triều…
Đáng chú ý, đây là tỉnh duy nhất trong cả nước đã được quy hoạch 5 khu vực điện gió ngoài khơi với tổng công suất tiềm năng lên tới hơn 5.000MW - yếu tố chiến lược giúp Khánh Hòa vươn lên trở thành trung tâm năng lượng biển trong tương lai.
Theo TS Hoàng Việt Cường, chuyên gia năng lượng tái tạo, việc sáp nhập Ninh Thuận vào Khánh Hòa không chỉ là thay đổi về địa giới hành chính, mà là một quyết sách chiến lược trong tái cấu trúc không gian phát triển năng lượng quốc gia.
Với tổng công suất nguồn điện quy hoạch lên tới hơn 22.000MW, trong đó phần lớn là năng lượng sạch và hiện đại, Khánh Hòa đang sở hữu một hệ sinh thái năng lượng hiếm có, mang tính đột phá cả về quy mô lẫn công nghệ.
TS Cường cho rằng, để hiện thực hóa tiềm năng này, yếu tố tiên quyết là phát triển hạ tầng truyền tải đồng bộ và cơ chế đầu tư ổn định, minh bạch.
"Lưới điện cần đi trước một bước, tránh lặp lại bài học 'thừa điện, tắc truyền tải' từng xảy ra tại nhiều địa phương. Đồng thời, Khánh Hòa cần xây dựng chính sách ưu đãi đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư lớn, đặc biệt là đối tác quốc tế trong các dự án công nghệ cao," ông Cường nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, lãnh đạo Công ty Truyền tải điện 3 cho rằng việc Trung ương quyết định hợp nhất hai tỉnh thành một đơn vị hành chính mới mang tên Khánh Hòa là bước ngoặt quan trọng, không chỉ về địa lý mà còn về chiến lược phát triển.
Động thái này mở ra dư địa mới cho tăng trưởng đột phá, đặc biệt trong bối cảnh khu vực duyên hải Nam Trung bộ đang được định hướng là hành lang kinh tế biển trọng điểm, nơi hội tụ các lợi thế về năng lượng, hạ tầng và liên kết vùng.
Với nền tảng năng lượng đa dạng, hiện đại cùng định hướng đầu tư đồng bộ, Khánh Hòa đang nổi lên như một địa phương đi đầu trong chuyển dịch năng lượng và phát triển bền vững. Việc đầu tư mạnh vào hệ thống truyền tải và tối ưu vận hành các nhà máy hiện hữu không chỉ giúp khai thác hiệu quả các nguồn điện, mà còn tạo đà thu hút thêm các dự án chiến lược trong tương lai.
Bước ngoặt chiến lược từ điện hạt nhân và các dự án tầm quốc gia
Một dấu mốc mang tính chiến lược là việc Khánh Hòa trở thành tỉnh đầu tiên được chọn để phát triển điện hạt nhân. Hai nhà máy với tổng công suất khoảng 4.600MW, vốn đầu tư hơn 20 tỷ USD sẽ được triển khai sau năm 2030.
Đây không chỉ là công trình trọng điểm quốc gia, mà còn là cú hích mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế, công nghiệp phụ trợ, đào tạo nhân lực chất lượng cao và phát triển đô thị khoa học quanh khu vực dự án.

Dự án Điện gió Đầm Nại, tỉnh Khánh Hòa
Song song với đó, nhiều dự án năng lượng quan trọng khác cũng đang được đẩy nhanh tiến độ như: Nhà máy điện khí LNG Vân Phong 2 do Sumitomo đầu tư; Dự án thủy điện tích năng Khánh Vĩnh; Thủy điện tích năng Bác Ái với tổng vốn hơn 21.000 tỷ đồng, quy mô 1.200MW, dự kiến hoàn thành vào năm 2030.
Ông Hồ Xuân Ninh, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Khánh Hòa:
Tỉnh Khánh Hòa sẽ tiếp tục phối hợp với Trung ương để triển khai các dự án điện hạt nhân đúng lộ trình, đồng thời đẩy mạnh phát triển hạ tầng, truyền tải điện và các ngành hỗ trợ, nhằm đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm năng lượng không chỉ của Việt Nam mà còn của khu vực Đông Nam Á.
Với định hướng chiến lược rõ ràng, nguồn tài nguyên dồi dào, cùng sự đồng bộ trong phát triển hạ tầng và nhân lực, Khánh Hòa mới đang nắm trong tay "chìa khóa" mở ra một kỷ nguyên phát triển mới - trở thành trung tâm năng lượng sạch, năng lượng hiện đại của quốc gia và vươn ra khu vực.
Đây sẽ là một trong ba mũi nhọn kinh tế chủ lực, bên cạnh kinh tế biển và du lịch, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, xanh và công nghệ cao đến năm 2045.