Sáp nhập tỉnh: Bố trí nhà công vụ, đúng nhưng phải trúng

Các chuyên gia cho rằng, khi sáp nhập tỉnh, chính quyền địa phương nơi chọn làm trụ sở trung tâm hành chính mới cần bố trí nhà ở công vụ cho cán bộ công chức, viên chức, giúp họ 'an cư lạc nghiệp', yên tâm công tác.

Trong dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo, Bộ này đề xuất chính quyền địa phương nơi được chọn làm trụ sở của đơn vị hành chính mới có trách nhiệm bố trí nhà công vụ cho cán bộ, công chức và người lao động. Mục đích của việc này là giúp họ nhanh chóng ổn định điều kiện làm việc tại trụ sở mới sau khi sáp nhập.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: “Cần thiết phải bố trí nhà ở công vụ cho cán bộ”

Khi sáp nhập, hợp nhất các đơn vị hành chính cấp tỉnh, trụ sở trung tâm hành chính của tỉnh sẽ có sự thay đổi. Khi trung tâm hành chính tỉnh đặt tại một địa phương, đối với địa phương còn lại, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nằm trong các cơ quan của tỉnh đó sẽ phải di chuyển xa hơn để đến nơi làm việc mới. Để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động, nếu khoảng cách gần nhau có thể tổ chức xe tuyến, việc này nhiều tỉnh đã thực hiện. Tuy nhiên, nếu khoảng cách xa hơn, rõ ràng phải có nhà công vụ để tạo điều kiện cho các cán bộ ổn định nơi ăn chốn ở, yên tâm làm việc, công tác.

Tôi cho rằng, chính quyền địa phương nơi được chọn làm trụ sở của đơn vị hành chính mới có trách nhiệm bố trí nhà công vụ cho cán bộ, công chức và người lao động là chuyện tất yếu. Dù hiện nay, tổ chức hệ thống nhà công vụ của các tỉnh mới sau sáp nhập không đơn giản nhưng vẫn phải làm, bởi đây là việc cấp thiết.

Khi bố trí sắp xếp nhà ở cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động cần có khảo sát về nhu cầu để bố trí cho phù hợp. Nếu cán bộ có nhu cầu chuyển cả gia đình về nơi đặt trung tâm hành chính mới thì cần phải xem xét nhà ở xã hội, nhà ở thương mại. Nếu chỉ có cá nhân, cần xem xét bố trí nhà ở công vụ.

TS Nguyễn Tiến Dĩnh

TS Nguyễn Tiến Dĩnh

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương): “An cư lạc nghiệp”, bố trí nhà công vụ là rất cần thiết”

Tôi đồng tình với đề xuất của Bộ Nội vụ kiến nghị địa phương bố trí nhà công vụ cho cán bộ, công chức để ổn định điều kiện làm việc sau khi sắp xếp đơn vị hành chính. Người xưa có câu "An cư lạc nghiệp", cán bộ, công chức ổn định chỗ ăn, chỗ ở thì họ mới yên tâm làm việc, nâng cao hiệu quả công việc.

Khi thực hiện chủ trương sáp nhập tỉnh sẽ có sự xáo trộn nhất định trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Bởi không phải ai cũng may mắn được ở gần trung tâm hành chính. Nhiều công chức muốn đến đây làm việc phải di chuyển xa. Do đó, cần ứng dụng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, tính đến làm việc từ xa, quản lý con người bằng hiệu quả công việc. Mỗi cán bộ công chức, viên chức cần nỗ lực bồi dưỡng thành công dân số, đáp ứng yêu cầu mới. Đồng thời, toàn bộ hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia cũng cần được rà soát hoàn chỉnh, liên thông dữ liệu các cấp, các ngành tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và công chức.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga

Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm, Ủy viên Thường vụ Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VUSTA): “Bố trí nhà công vụ nên đi theo hướng tiết kiệm, linh hoạt, có điều kiện”

Chính quyền địa phương nơi dự kiến đặt trụ sở của đơn vị hành chính mới bố trí nhà công vụ cho cán bộ, công chức để ổn định điều kiện làm việc cho họ sau khi sáp nhập trên lý thuyết là một đề xuất hợp lý.

Tuy nhiên, việc triển khai chính sách này trên thực tế sẽ không hề đơn giản, nếu không muốn nói là dễ phát sinh rủi ro ngân sách, phản ứng xã hội và hệ quả dài hạn về quản lý nhà công. Do đó, cần nhìn nhận đúng bản chất vấn đề: không phải cứ sáp nhập tỉnh là tất cả công chức đều cần nhà công vụ. Phải phân loại được ai thực sự cần, thời gian hỗ trợ bao lâu, nguồn lực từ đâu. Khi đó, mới triển khai được một cách lành mạnh và không tạo gánh nặng ngân sách.

Một thông tin đáng lưu ý, khi mới có tin sáp nhập, một số khu vực dự kiến trở thành tỉnh lỵ mới đã xuất hiện tình trạng sốt đất cục bộ, giá bất động sản bị đẩy lên cao, gây khó khăn cho cả cán bộ lẫn người dân có nhu cầu thực sự. Việc một cán bộ công chức bình thường phải bỏ ra vài tỷ đồng để mua một căn nhà nơi công tác mới là điều không tưởng, nhất là trong bối cảnh lương, phụ cấp chưa thay đổi đáng kể. Trong hoàn cảnh đó, hỗ trợ chỗ ở là hợp lý. Nhưng hỗ trợ kiểu gì lại là một câu chuyện khác.

Nếu triển khai đại trà, “trải thảm” nhà công vụ cho toàn bộ công chức chuyển đến tỉnh mới, ngân sách sẽ không thể kham nổi. Chưa kể, có thể tạo tâm lý “so bì” trong xã hội khi người dân còn đang chật vật an cư. Đặc biệt, nếu thiếu tiêu chí rõ ràng, thiếu giám sát chặt chẽ, không loại trừ khả năng xảy ra hiện tượng xin – cho, sử dụng nhà công vụ không đúng đối tượng hoặc thậm chí là “ôm luôn không trả”.

Kinh nghiệm từ các mô hình sáp nhập đơn vị hành chính trong quá khứ cho thấy, việc bố trí nhà công vụ nên đi theo hướng tiết kiệm, linh hoạt, có điều kiện. Thứ nhất, ưu tiên tận dụng lại nhà công vụ cũ, quỹ nhà công của địa phương, nếu có. Thứ hai, chỉ hỗ trợ cán bộ có nhu cầu thực sự, không sở hữu nhà tại địa bàn công tác mới. Thứ ba, có thể thay hình thức cấp nhà bằng hỗ trợ tiền thuê nhà tạm thời, trong khoảng thời gian nhất định (6 – 12 tháng), đến khi cán bộ ổn định.

Bên cạnh đó, cải cách hành chính không thể chỉ là câu chuyện sáp nhập về tổ chức, mà còn là sự thay đổi tư duy trong cách hỗ trợ và phục vụ. Chính sách đúng cần gắn với hiệu quả và sự đồng thuận. Hãy để người dân thấy rằng Nhà nước luôn đồng hành với cán bộ nhưng không xa rời người dân.

 Luật sư Trương Anh Tú

Luật sư Trương Anh Tú

Về lâu dài, các địa phương được sáp nhập nên xem đây là cơ hội để quy hoạch lại quỹ đất công, xây dựng khu hành chính tập trung kết hợp khu nhà ở công vụ linh hoạt, phù hợp với xu hướng đô thị hóa. Việc này không chỉ phục vụ tốt cho đội ngũ công chức, mà còn tạo nguồn lực phát triển địa phương. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thay vì đầu tư ồ ạt, có thể xã hội hóa mô hình nhà công vụ bằng hình thức thuê, mua với các doanh nghiệp phát triển nhà ở. Điều này giảm áp lực ngân sách và tạo thêm động lực cho khu vực kinh tế tư nhân tham gia vào việc cung cấp dịch vụ công.

Tóm lại, tôi cho rằng, đề xuất của Bộ Nội vụ cần được ủng hộ, nhưng triển khai phải chọn lọc. Như lời của một chuyên gia đầu ngành từng nói: “Một chính sách tốt chưa chắc đã là chính sách đúng, nếu thiếu đi sự phù hợp với thực tế và lòng dân.” Hãy để chính sách bố trí nhà công vụ sau sáp nhập thực sự trở thành một hình mẫu về cải cách quản lý công, không chỉ giải quyết khó khăn trước mắt, mà còn củng cố niềm tin của nhân dân vào sự thấu hiểu và linh hoạt của bộ máy hành chính.

Xin cảm ơn các chuyên gia về cuộc trao đổi trên!

Tiêu chuẩn nhà ở công vụ

Theo Quyết định số 11/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, bác sĩ và nhân viên y tế được điều động, luân chuyển đến công tác tại xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo được bố trí cho thuê nhà ở liền kề cấp IV có diện tích sử dụng từ 24 m2 đến 48 m2, được xây dựng theo kiểu nhà 01 tầng có nhiều căn nhà sát nhau, từng căn nhà có công trình phụ khép kín; định mức kinh phí tối đa trang thiết bị nội thất cho nhà ở công vụ là 60 triệu đồng.

Hải Ninh thực hiện

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/sap-nhap-tinh-bo-tri-nha-cong-vu-dung-nhung-phai-trung-2093803.html