Sáp nhập Trường CĐ Hải Dương vào Trường ĐH Hải Dương
Sáng 12/6, UBND tỉnh Hải Dương tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ sáp nhập Trường CĐ Hải Dương vào Trường ĐH Hải Dương.
Dự buổi lễ, về phía Bộ GD&ĐT có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn và đại diện lãnh đạo các đơn vị, vụ, cục thuộc Bộ.
Về phía tỉnh Hải Dương có Bí thư tỉnh ủy Trần Đức Thắng; Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng; lãnh đạo Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đoàn thể và đơn vị liên quan của tỉnh Hải Dương và toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên Trường ĐH Hải Dương, Trường CĐ Hải Dương các thời kỳ…
Ngày 27/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 448/QĐ-TTg về việc sáp nhập Trường CĐ Hải Dương vào Trường ĐH Hải Dương. Việc sáp nhập góp phần tinh gọn đơn vị sự nghiệp công lập, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, phát huy thế mạnh của hai trường, nhằm xây dựng một trường ĐH mạnh của tỉnh.
Thay mặt Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi đến Lãnh đạo tỉnh Hải Dương và toàn thể cán bộ, học sinh, sinh viên Trường ĐH Hải Dương lời chúc mừng nhân sự kiện quan trọng trong chặng đường phát triển của nhà trường.
Bộ trưởng cho biết: Hiện nay, giáo dục - đào tạo đất nước đang trên lộ trình thực hiện đổi mới căn bản - toàn diện để không ngừng nâng cao chất lượng, cung cấp nguồn nhân lực cho sự nghiệp phát triển của đất nước.
Trong chặng đường đó, ngành Giáo dục làm rất nhiều việc. Trong đó, tiến hành sắp xếp, rà soát mạng lưới các trường ĐH, CĐ là một trong những việc được xem là giải pháp mang tính vĩ mô, lâu dài để phát triển hệ thống.
Với việc sáp nhập Trường CĐ Hải Dương vào Trường ĐH Hải Dương, Bộ trưởng cho rằng, dù tên gọi không mới nhưng nhà trường sau sáp nhập là một thực thể mới, với một tiềm lực mới, sứ mệnh mới và cơ hội phát triển mới. Sự sáp nhập này không chỉ là "dấu cộng" mang tính cơ học mà sẽ làm gia tăng năng lực đào tạo, nghiên cứu, khả năng giải quyết các vấn đề nhu cầu nhân lực của địa phương.
Bước vào chặng đường mới, Bộ trưởng mong rằng, sau mệnh lệnh sáp nhập hành chính, nhà trường sẽ từng bước hoàn thiện bộ máy cơ cấu tổ chức, để thực sự trở thành một chỉnh thể với cấu trúc chặt chẽ bên trong, tinh thần chia sẻ, đoàn kết thực sự chứ không chỉ là một "dấu cộng" của hai đơn vị.
Là một trường ĐH cấp tỉnh, do UBND tỉnh quản lý, theo Bộ trưởng, Trường ĐH Hải Dương có nhiều cơ hội đang mở ra phía trước. Theo đó, với hơn 2 triệu dân, Hải Dương có tốc độ phát triển kinh tế năng động hàng đầu của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ; có vị trí địa lý thuận lợi; đặc biệt là truyền thống giáo dục lâu đời với những làng tiến sĩ, trung tâm giáo dục từ rất xa xưa, nơi có những danh nhân như nhà giáo Chu Văn An, danh nhân Nguyễn Trãi…
Cơ hội của nhà trường còn được Bộ trưởng nhắc đến ở khía cạnh nhu cầu nhân lực rất lớn của địa phương; truyền thống qua nhiều chặng đường phát triển của trường với cơ cấu đa ngành; sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo địa phương với giáo dục…
“Vấn đề là nhà trường tận dụng những cơ hội trên như thế nào để phát triển”. Nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng đề nghị Trường ĐH Hải Dương tiếp tục rà soát sứ mệnh, định hướng, chiến lược… để hoàn thiện cơ cấu đa ngành. Trước hết cần xác định định hướng đào tạo để đáp ứng nhu cầu của tỉnh và các địa phương khác trong khu vực.
Hiện nay, cả nước có nhiều trường ĐH trực thuộc địa phương. Có trường phát triển nhanh, giàu sức sống; nhưng nhiều trường, nếu thực sự không tìm được chỗ đứng, con đường phù hợp cũng lâm vào khó khăn. Chia sẻ điều này, Bộ trưởng cho rằng trong thời gian tới, Trường ĐH Hải Dương cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa trong đào tạo khối ngành sư phạm để đáp ứng nhu cầu của giáo dục phổ thông, giáo dục địa phương. Có nhiều việc phải làm để triển khai chất lượng nhiệm vụ này.
Các khối ngành đào tạo khác, nhà trường rà soát lại cơ cấu để có thể mở thêm ngành nghề địa phương có nhu cầu, hoàn thiện cơ cấu đa ngành trong bối cảnh, tình hình mới. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số; bảo đảm là một nơi của tri thức, trí tuệ, gắn giữa nghiên cứu và đào tạo, đổi mới sáng tạo, đúng nghĩa là một trường ĐH.
“Chỉ bằng con đường nâng cao chất lượng, chúng ta mới có chỗ đứng và phát triển” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.
Chia sẻ con người là yếu tố đầu tiên quan trọng, mang tính quyết định, theo Bộ trưởng, muốn đào tạo nhân lực chất lượng cao, trước hết người thầy chất lượng phải cao. Đạt được chất lượng này có thể bằng các con đường khác nhau: tự vươn lên, tự học, tự phát triển; học tập, giao lưu quốc tế; kết nối với các trường ĐH trong khu vực… ; cùng với đó, đổi mới cả về quản trị ĐH và thực hiện các quyền tự chủ khác một cách phù hợp.
Yêu cầu nhiều, mong muốn lớn, nhưng Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng, với đội ngũ nhà giáo và bề dày phát triển, Trường ĐH Hải Dương sẽ phát triển thành một trong các trường ĐH địa phương mạnh trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng cảm ơn sự quan tâm của Chính phủ, Bộ GD&ĐT với đề án sáp nhập Trường CĐ Hải Dương vào Trường ĐH Hải Dương. Quyết định sáp nhập hai trường đánh dấu bước chuyển biến mới trong đào tạo nhân lực, đưa giáo dục ĐH của tỉnh bước vào giai đoạn phát triển mới.
Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hải Dương tiếp thu ý kiến của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng mong muốn, trên chặng đường mới, Trường ĐH Hải Dương sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ GD&ĐT, các Bộ, ngành để hướng tới đạt mục tiêu trở thành trường trọng điểm, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của địa phương, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh, xứng đáng với truyền thống văn hiến của mảnh đất Hải Dương.
Đánh giá giai đoạn phát triển mới không ít cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức đặt ra với Trường ĐH Hải Dương, Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng đề nghị các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm tới sự phát triển của nhà trường.
Về phía Trường ĐH Hải Dương, cần đảm bảo hoạt động thông suốt, liên tục, hiệu quả, duy trì hoạt động bình thường sau khi sáp nhập; đảm bảo việc làm, chế độ chính sách cho người lao động; tạo sự thống nhất, nâng cao nhận thức của cán bộ, giảng viên về sứ mệnh của trường trong giai đoạn mới.
Đặc biệt, cần hoạch định chính sách phù hợp với sự phát triển của tỉnh, thực hiện kết nối nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp, mở rộng đào tạo các ngành nghề công nghệ cao phục vụ sự phát triển của tỉnh. Kết hợp giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, cần làm tốt công tác truyền thông về định hướng, xu hướng phát triển trong giai đoạn mới của nhà trường.
“Trong giai đoạn đầu thời cơ có nhiều, nhưng khó khăn, thách thức vô cùng to lớn, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hải Dương sẽ dành sự quan tâm để trường vượt qua khó khăn giai đoạn đầu”, Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng khẳng định.