Sắp sang năm mới, đàm phán mức lương như thế nào để không bị 'hớ'?
Chuyện tài chính, lương thưởng luôn là vấn đề mà cả nhân sự và nhà tuyển dụng đều quan tâm. Đặc biệt vào những ngày năm hết Tết đến, đây càng trở thành một nỗi băn khoăn lớn với không ít người.
Mức lương thường là mục cuối cùng được thảo luận trong quá trình trao đổi, nhưng nó phụ thuộc vào nội dung cuộc thảo luận trước đó. Vì vậy để đi đến một sự thống nhất chung giữa người lao động và người sử dụng lao động, nhân sự cần nắm được những điều sau:
Định vị được giá trị bản thân
Khi nói về thỏa thuận lương, có những người thường suy nghĩ chỉ cần một bước duy nhất, cung cấp con số bạn muốn với nhà tuyển dụng, sau đó hai bên thương lượng và quyết định con số đó có phù hợp hay không. Nhưng với một số người, đó lại là cả một hành trình.
Với chị Minh Trang, hiện đang đảm nhận vị trí trưởng phòng Marketing tại một doanh nghiệp ở Hà Nội, để xác định được mức lương phù hợp, bước đầu tiên và quan trọng nhất là phải xác định được năng lực hiện tại của bản thân.
Chị Trang cho rằng, ngoài việc trang bị đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết cho công việc sắp tới, nhân sự cũng nên dành thời gian để tìm hiểu các chính sách lương, thưởng của nơi ứng tuyển (Ảnh: NVCC).
"Bạn cần phải tự vấn bằng những câu hỏi như: Bạn có những kiến thức hay kỹ năng nào; bạn làm được những việc gì; vị trí phù hợp để bạn ứng tuyển; ngành nghề, lĩnh vực mà bạn đang làm việc...
Khi tìm việc làm bạn sẽ thấy các vị trí khác nhau sẽ có mức lương khác nhau, các chương trình tuyển dụng hay các lĩnh vực khác nhau cũng có mức chi trả cho người lao động khác nhau. Chẳng hạn như, chương trình quản trị viên tập sự (Management Trainee) sẽ có mức lương chênh lệch nhiều so với các chương trình thực tập (Internship).
Như chúng ta có thể thấy, mặc dù vị trí công việc giống nhau nhưng sự khác biệt trong mô tả công việc có thể khá rõ ràng. Những kỹ năng mà nhân sự đã phát triển trong nhiều năm sẽ cho phép họ đạt được con số như kỳ vọng", chị Trang chia sẻ.
Tìm hiểu về các chính sách lương trong công ty sắp ứng tuyển
Nhiều năm trong nghề, chị Minh Trang cho biết, để tự tin đàm phán mức lương phù hợp, ứng viên cũng cần tìm hiểu trước mức lương mình được công ty trả đã trừ tiền thuế thu nhập, tiền bảo hiểm hay chưa và ngoài mức lương đó, ứng viên có thêm phần thu nhập nào khác hay không.
"Khi nắm rõ về chính sách lương mà công ty đang áp dụng cho vị trí bạn đang ứng tuyển thì bạn sẽ tính chính xác được mức lương cuối cùng bạn nhận về tay là bao nhiêu, đồng thời bạn cũng sẽ có một con số cụ thể để thỏa thuận với nhà tuyển dụng và đánh giá mức độ phù hợp của mức thu nhập đó so với nhu cầu tài chính hiện tại của bạn", chị Trang chia sẻ.
Cũng đồng tình với quan điểm trên, anh Nguyên Ngọc (28 tuổi, là trưởng ban tài chính của một công ty) còn cho biết thêm, hiện nay còn có nhiều người lao động chưa hiểu rõ về quyền lợi của bảo hiểm xã hội. Ở Việt Nam hiện cũng có nhiều nơi có các hành vi lách luật để không đóng, hoặc đóng ít hơn bằng cách chỉ đóng trên mức lương cơ bản...
Vì vậy, theo anh Ngọc, để tìm hiểu chính sách lương, phải trau dồi hiểu biết và tận dụng mạng lưới các mối quan hệ để hỏi và tìm hiểu trước về công ty sắp ứng tuyển là một điều cần thiết.
Tìm hiểu mức lương của thị trường
Khi tìm việc làm Cần Thơ, việc làm tại Đà Nẵng, việc làm TPHCM, Hà Nội hay bất kỳ một nơi nào khác, song song với việc tìm hiểu chính sách lương của công ty, nhân sự cũng cần tìm hiểu mức lương trung bình của thị trường về các vị trí chuẩn bị ứng tuyển để có căn cứ đánh giá xem mức lương mà bản thân mong muốn và mức lương mà nhà tuyển dụng đưa ra có phù hợp so với thị trường hay không.
"Cách này cũng giúp cho những ai chưa tìm hiểu được thông tin lương từ những người đi trước hoặc chưa xác định mức lương phù hợp với năng lực hiện tại có một căn cứ để xác định mức lương phù hợp với bản thân.
Mọi người có thể tham khảo một số trang mạng cung cấp mức lương trung bình theo từng vị trí, ngành nghề như: Adecco, Jobsgo, Vietnamworks, Vietnamsalary...", anh Ngọc gợi ý.
Đàm phán lương thế nào ngay cả khi đã làm việc chính thức?
Nhận được vào làm chính thức là bạn đã có một bước tiến rất xa. Tuy nhiên, thử thách vẫn còn ở phía trước, bạn phải chuẩn bị tâm thế để hoàn thành tốt những công việc sắp tới, thậm chí là tăng ca, làm ngoài giờ. Chính những điều này sẽ khiến nhân sự mong muốn được tăng lương.
Theo anh Nguyên Ngọc, để có một mức lương xứng đáng, đôi khi không dựa vào khối lượng công việc phải làm mà phụ thuộc rất lớn vào kết quả công việc (Ảnh: NVCC).
Được trải nghiệm qua nhiều môi trường, tính cách của nhiều người lãnh đạo và những ngành nghề khác nhau khi làm nghề, anh Nguyên Ngọc chia sẻ góc nhìn của bản thân: "Mình thấy rằng, có nhiều bạn trẻ than vãn khi phải tăng ca, làm quá nhiều và đòi hỏi việc tăng lương.
Nhưng trước hết bạn phải giải quyết được các câu hỏi như: Con số bạn đem về cho công ty là bao nhiêu; đâu là bằng chứng...
Với doanh nghiệp, với người quản trị thì khối lượng công việc của bạn nhiều hay ít không quá quan trọng bằng kết quả bạn đem lại. Nếu muốn tăng lương, các bạn trẻ nên tư duy dựa trên kết quả, đưa ra con số, bằng chứng cụ thể về cống hiến của bản thân, cho thấy sự khác biệt trước và sau khi mình làm việc.
Khi bạn đưa con số rõ ràng, không ai có thể từ chối bạn. Bởi đôi khi làm nhiều không có nghĩa giá trị cống hiến sẽ lớn", anh Ngọc chia sẻ.
Muốn có một mức lương xứng đáng, bạn cần phải định vị bản thân có những giá trị phù hợp với mức lương mong muốn.
Như Ramit Sethi, tác giả cuốn sách "Tôi sẽ dạy bạn làm giàu" chỉ ra rằng: "Nếu bạn bước vào một cuộc đàm phán lương mà không có con số cụ thể, không khẳng định được bản thân thì bạn đang phó mặc cho công ty và càng không thể thành công khi đàm phán tăng lương".