Sắp xếp bộ máy: Những đóng góp giá trị

Để mô hình 3 cấp Trung ương - tỉnh, thành phố - cấp cơ sở hiệu quả thì việc phân cấp, phân quyền hiệu quả cần đồng thời với những động thái quan trọng khác

Ngày 28-3, Học viện Cán bộ TP HCM và Cơ quan thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Nam phối hợp tổ chức hội thảo khoa học cấp bộ về "Nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện) và sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh theo kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư: Từ thực tiễn TP HCM".

"Kiềng 3 chân"

Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS-TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, cho biết hội thảo nhằm góp phần thực hiện định hướng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về nghiên cứu, xây dựng đề án, tờ trình về sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà khoa học nêu ý kiến cho định hướng sắp xếp đơn vị hành chính tại TP HCM và cả nước thời gian tới.

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến đóng góp giá trị

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến đóng góp giá trị

PGS-TS Huỳnh Văn Thới, nguyên quyền Giám đốc Phân viện Học viện Hành chính và quản trị công tại TP HCM, cho rằng việc bỏ cấp trung gian, sáp nhập các đơn vị hành chính là xu hướng tất yếu nhằm tinh gọn bộ máy quản trị quốc gia, nâng cao hiệu quả hành chính công. Theo ông, điểm chung của những cuộc cải tổ hành chính của đa số quốc gia là hướng đến bộ máy hoạt động hiệu quả, phục vụ người dân tốt hơn.

PGS-TS Vương Đức Hoàng Quân, Phó Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động, Giảng viên cao cấp Trường ĐH Mở TP HCM, nhìn nhận công tác sắp xếp, sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện sắp tới cần thực hiện dựa trên chiếc kiềng 3 chân gồm Trung ương - địa phương - người dân và doanh nghiệp.

Trong đó, Trung ương cần ban hành khung pháp lý toàn diện, ổn định về sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương cần chủ động lập đề án cải cách tổ chức bộ máy phù hợp đặc thù; chuẩn bị hạ tầng số hiện đại, nâng cấp dịch vụ công, minh bạch mọi thông tin liên quan đến hoạt động quản lý. Người dân và doanh nghiệp nên được khuyến khích tham gia đóng góp ý kiến.

Chuyên gia này đề xuất các cơ quan xây dựng hệ thống giám sát độc lập và thiết lập cơ chế kiểm tra định kỳ đối với địa phương sáp nhập, tinh gọn bộ máy; tập trung vào chất lượng dịch vụ công, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp...

Hướng tới sự hiệu quả

Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM Phạm Phương Thảo nêu quan điểm việc sắp xếp đặt ra cả thuận lợi và khó khăn. Thuận lợi là bộ máy tinh gọn, tạo không gian phát triển rộng hơn. Khó khăn là tốc độ triển khai quá nhanh đòi hỏi sự khẩn trương cao trong khi việc sắp xếp lại nhân sự tác động đến rất nhiều người. Điều này có thể dẫn đến đứt gãy trong thủ tục hành chính, ảnh hưởng quá trình tiếp cận dịch vụ công của người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, cần có lộ trình chuyển đổi hợp lý.

Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM Phạm Phương Thảo cho rằng phân cấp, phân quyền phải rõ ràng

Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM Phạm Phương Thảo cho rằng phân cấp, phân quyền phải rõ ràng

Để chính quyền 2 cấp hoạt động hiệu quả, bà Phạm Phương Thảo cho rằng phân cấp, phân quyền phải rõ ràng. Cấp tỉnh sẽ có chức năng quản lý mạnh hơn, trong khi cấp cơ sở cần được kiện toàn với đầy đủ HĐND, UBND. Quá trình chuyển đổi, thủ tục hành chính phải bảo đảm thông suốt, có bước chuyển đổi mềm, duy trì giấy tờ cũ trong thời gian nhất định và bảo đảm kết nối thông tin hiệu quả. Song song đó, công tác sắp xếp lại nhân sự sẽ dẫn đến số lượng cán bộ dôi dư lớn, cần giải pháp hạn chế thấp nhất sự thiệt thòi cho đội ngũ cán bộ.

Trong khi đó, TS Bùi Ngọc Hiền, Trưởng Phòng Quản lý khoa học, thông tin, tư liệu, Học viện Cán bộ TP HCM, nhận xét sáp nhập các tỉnh, thành thúc đẩy thế và lực mới cho các địa phương nhưng cũng đặt ra nhiều áp lực.

Một thách thức lớn là làm thế nào để các địa phương sáp nhập có thể quản lý hiệu quả trên quy mô rộng lớn bởi nguồn lực mỏng dẫn đến điều phối sẽ khó khăn hơn. Ngoài ra, áp lực nữa là khả năng xử lý tình huống phát sinh.

Do đó, thay đổi tư duy và cách thức hành động là rất quan trọng. Sự phân cấp, phân quyền cần bảo đảm tính vững mạnh ở cả ba cấp Trung ương - tỉnh, thành phố - cấp xã. Trung ương cần giữ vai trò định hướng, kiến tạo sự phát triển đất nước trong bối cảnh mới, bảo đảm tính thống nhất trong tổ chức bộ máy nhưng cũng phải có sự linh hoạt cần thiết để phù hợp với thực tiễn.

Phát biểu kết luận hội thảo, PGS-TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TP HCM, đúc kết từ góc độ lý luận và nhu cầu thực tiễn về mô hình tổ chức bộ máy nhà nước, việc bỏ cấp hành chính trung gian và sáp nhập cấp tỉnh là cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, mở không gian rộng lớn để phát huy lợi thế về nguồn lực và phục vụ tốt hơn cho nhân dân. Để sắp xếp, tinh giản có hiệu quả cần minh định về phân quyền, phân cấp của mô hình 3 cấp Trung ương - tỉnh, thành phố - cấp cơ sở. Do đó, đòi hỏi hoàn thiện hệ thống pháp lý về phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho cấp tỉnh và cấp cơ sở.

Cần sự thấu cảm

TS Vũ Thị Nghĩa, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai, cho rằng đội ngũ cán bộ, công chức bị tác động mạnh khi sắp xếp bộ máy. Họ rất tâm tư và cần được chia sẻ.

Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai khẳng định người làm không được việc thì phải sẵn sàng rời bỏ vị trí. Tuy nhiên, với thực tiễn TP HCM thì rất nhiều cán bộ, công chức giỏi có nguy cơ phải rời việc là điều đáng băn khoăn.

Do đó, với địa phương mang yếu tố đặc thù như TP HCM, có thể nghiên cứu khuyến khích, động viên cán bộ từ nguồn ngân sách địa phương. "Tôi nghĩ khi con cái ra riêng, bố mẹ cho con cái khoản tiền làm vốn… Có những cán bộ, công chức sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng để vì lợi ích chung thì việc hỗ trợ thêm cho họ khi nghỉ việc là điều nên làm" - TS Vũ Thị Nghĩa nêu quan điểm.

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/sap-xep-bo-may-nhung-dong-gop-gia-tri-196250328215119913.htm