Sắp xếp bộ máy ở Quốc hội: Nhiều lãnh đạo cấp trưởng tự nguyện xuống cấp phó, không cần vận động
Trả lời báo chí về công tác cán bộ của Quốc hội khi sắp xếp bộ máy, lãnh đạo Ủy ban Công tác đại biểu cho biết, một số đồng chí từ cấp trưởng xuống cấp phó, đều là tự nguyện chứ không cần vận động…

Bà Tạ Thị Yên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội trả lời báo chí
Tại buổi họp báo thông tin về kết quả kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội khóa XV vào sáng nay, 19-2, báo chí đặt nhiều câu hỏi về công tác sắp xếp cán bộ, kiện toàn bộ máy mới của Quốc hội; Chính sách vận động với những người từ lãnh đạo cấp trưởng xuống cấp phó ra sao? Chế độ, chính sách đối với những người là Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách tại các Ủy ban của Quốc hội ra sao sau khi Luật mới đã bỏ các chức danh kể trên?...
Trả lời câu hỏi về chính sách vận động các nhân sự "từ trưởng xuống phó", bà Tạ Thị Yên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội cho biết, tinh gọn tổ chức bộ máy hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả được Đảng, Nhà nước xác định là cuộc cách mạng, do đó, quá trình thực hiện đòi hỏi sự hy sinh.
Thực tế trong quá trình sắp xếp tại các cơ quan của Quốc hội, một số đồng chí từ cấp trưởng tự nguyện xin xuống làm cấp phó. “Với tinh thần đảng viên chấp nhận sự hy sinh vì sự phát triển chung nên các đồng chí đều tự nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có gì phải vận động” - bà Tạ Thị Yên nói.
Về bỏ chức danh Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách tại các Ủy ban của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên cho biết, Luật Tổ chức Quốc hội trước đây quy định: Hội đồng dân tộc gồm có chủ tịch, các phó chủ tịch, ủy viên thường trực, ủy viên chuyên trách và các ủy viên khác; Ủy ban của Quốc hội gồm có chủ nhiệm, các phó chủ nhiệm, ủy viên thường trực, ủy viên chuyên trách và các ủy viên khác.
Còn tại Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi mới được thông qua quy định: Hội đồng dân tộc gồm có chủ tịch, các phó chủ tịch, các ủy viên là đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách tại Hội đồng dân tộc và ủy viên là ĐBQH hoạt động kiêm nhiệm của Hội đồng dân tộc; Ủy ban của Quốc hội gồm có chủ nhiệm, các phó chủ nhiệm, các ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại ủy ban và ủy viên là ĐBQH hoạt động kiêm nhiệm của ủy ban.
“Hôm qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phê chuẩn danh sách các phó chủ nhiệm, ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách, ủy viên là ĐBQH hoạt động kiêm nhiệm của 6 ủy ban mới thành lập” – bà Tạ Thị Yên thông tin.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy Ban công tác đại biểu của Quốc hội, sau sắp xếp lại, số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của các ủy ban vẫn giữ nguyên, không ảnh hưởng đến hoạt động của các ủy ban, đại biểu.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng thông tin tại buổi họp báo
Đối với chế độ, chính sách thì quyền lợi theo Nghị định 178 của Chính phủ quy định, trước mắt, từ nay đến hết nhiệm kỳ, ủy viên là đại biểu hoạt động chuyên trách sẽ được giữ nguyên các chế độ, hệ số phụ cấp, chức vụ. Đến nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI sẽ thực hiện chung, thống nhất trong hệ thống theo quy định của Đảng, Nhà nước.
Cũng theo Nghị định 178, quá trình sắp xếp, số lượng cán bộ, công chức được bố trí theo hướng tiếp tục làm việc trong bộ máy mới; với các trường hợp khác có thể chuyển công tác phù hợp, được đào tạo lại phù hợp với vị trí mới. Nếu không sắp xếp công việc mới, cán bộ, công chức có thể thôi việc và được hỗ trợ gồm trợ cấp thôi việc, hỗ trợ tìm việc.
Tham gia trả lời làm rõ hơn một số câu hỏi nêu trên, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, các nghị quyết về sắp xếp bộ máy đã được cơ quan Chính phủ, Quốc hội “nung nấu” từ lâu, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Quốc hội là một trong những cơ quan triển khai ngay, triển khai sớm.
Hiện tại, cơ bản khó khăn vướng mắc liên quan đến sắp xếp đang giải quyết và khá hiệu quả; tác động đến chức năng nhiệm vụ cũng rất ít.