Sắp xếp, bố trí trụ sở cấp xã: Hợp lý hóa không gian làm việc, nâng cao chất lượng phục vụ
Thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, các xã, phường trên địa bàn tỉnh đã chủ động rà soát, đề xuất bố trí và cải tạo trụ sở hoạt động khoa học, tiết kiệm, phù hợp thực tiễn, để phục vụ người dân tốt hơn và sử dụng hiệu quả nguồn lực công.

Trụ sở HĐND, UBND, Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Gia Tường đặt tại trụ sở xã Gia Tường cũ.
Những ngày đầu tháng 7, tại trụ sở UBND xã Gia Tường, không khí làm việc sôi nổi, đã đi vào nền nếp, tạo cảm nhận rõ ràng về một chính quyền mới được vận hành bài bản, thân thiện với người dân.
Là địa phương mới hình thành trên cơ sở sáp nhập ba xã (Gia Tường, Gia Thủy, Đức Long), xã Gia Tường có địa bàn rộng, dân cư đông và nằm trong vùng phân lũ, chậm lũ. Điều đó đòi hỏi công tác bố trí trụ sở làm việc phải được tính toán kỹ ngay từ đầu, không chỉ nhằm bảo đảm điều kiện vận hành cho bộ máy chính quyền mà còn tạo thuận lợi cho người dân trong tiếp cận dịch vụ hành chính.
Đồng chí Phạm Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Tường cho biết: “Chúng tôi đã khảo sát kỹ hiện trạng trụ sở 3 xã cũ, đánh giá tổng thể về vị trí, quy mô diện tích, công năng sử dụng và khả năng kết nối hạ tầng.
Từ đó, xã thống nhất đề xuất với tỉnh lựa chọn đặt trụ sở của Đảng ủy, MTTQ và các đoàn thể tại xã Đức Long cũ; trụ sở HĐND, UBND, Trung tâm Phục vụ hành chính công đặt tại xã Gia Tường cũ. Đặc biệt, trụ sở Trung tâm Phục vụ hành chính công được ưu tiên vị trí có giao thông thuận tiện, phục vụ hiệu quả người dân”.
Ngay sau khi có phương án và quyết định của tỉnh về “sắp xếp, bố trí, xử lý các trụ sở, cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã”, xã Gia Tường đã chủ động cải tạo không gian làm việc để đáp ứng yêu cầu cho đội ngũ cán bộ, công chức đông hơn sau sáp nhập.
Các phòng chức năng được bố trí linh hoạt, gộp hoặc sắp xếp lại theo hướng tiết kiệm diện tích mà vẫn đảm bảo hiệu quả công vụ. Khu vực Trung tâm Phục vụ hành chính công, hội trường và phòng họp trực tuyến được ưu tiên nâng cấp, mở rộng diện tích, đầu tư trang thiết bị, tạo điều kiện tiếp đón người dân văn minh, thuận tiện hơn. Từ bố trí này, việc vận hành chính quyền cấp xã mới đã diễn ra thông suốt, hiệu quả, đồng thời tạo không gian thân thiện cho người dân khi đến làm việc.
Đang làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của xã, anh Đinh Văn Kiên, người dân thôn Ngọc Sơn chia sẻ: “Đến làm thủ tục hành chính, tôi không phải chờ lâu, cán bộ hướng dẫn tận tình. Trụ sở thông thoáng, sạch đẹp, có ghế ngồi, quạt mát đầy đủ. Tôi rất hài lòng với dịch vụ của Trung tâm”.
Cách đó không xa, xã Gia Lâm cũng là một trong những đơn vị hành chính mới hình thành từ việc sáp nhập nguyên trạng xã Gia Lâm cũ, xã Xích Thổ và Gia Sơn. Với địa bàn gần 38 km², dân số trên 20.000 người, có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và giáp ranh tỉnh Phú Thọ, việc bố trí trụ sở được địa phương xác định là yếu tố then chốt để bộ máy chính quyền hoạt động hiệu quả.
Đồng chí Bùi Tuấn Vương, Chủ tịch UBND xã Gia Lâm cho biết, địa phương đã thống nhất đề xuất đặt trụ sở Đảng ủy, MTTQ và các đoàn thể tại xã Gia Lâm cũ; UBND, HĐND và Trung tâm Phục vụ hành chính công tại xã Xích Thổ cũ. Các trụ sở đều được xây dựng trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao nên cơ bản đáp ứng yêu cầu vận hành của chính quyền cấp xã mới.
Điều quan trọng là việc phân công chức năng theo từng điểm giúp người dân ở các vùng khác nhau trong xã đều dễ tiếp cận dịch vụ hành chính, giảm khoảng cách đi lại.

Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Gia Lâm được bố trí thuận tiện cho người dân đến giao dịch.
Song song với đó, xã Gia Lâm còn tận dụng các trụ sở dôi dư để tránh lãng phí. Ví dụ, trụ sở xã Gia Sơn cũ được bố trí cho Công an xã quản lý, sử dụng. Một số hạng mục khác đã được xây dựng đề án trình cấp trên để sắp xếp lại phù hợp với nhu cầu thực tiễn. “Quan điểm của chúng tôi là không để trụ sở nào bị bỏ hoang.
Việc phân công chức năng giữa các trụ sở giúp tiết kiệm đầu tư, đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn mới thành lập xã, đồng thời tạo điều kiện cho người dân ở xa trung tâm vẫn tiếp cận được các dịch vụ thiết yếu” - đồng chí Bùi Tuấn Vương nhấn mạnh.
Câu chuyện của xã Gia Tường, Gia Lâm chỉ là hai trong số 129 đơn vị hành chính thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh đang từng bước ổn định bộ máy tổ chức và không gian làm việc. Theo thông tin từ các cơ quan chức năng, ngay từ khi triển khai đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với các địa phương rà soát hạ tầng, lựa chọn, bố trí trụ sở hoạt động phù hợp.
Ngoài ra, cơ sở vật chất của các cơ quan cấp huyện cũ, sau khi bỏ cấp trung gian cũng được tính toán để bố trí cho chính quyền cấp xã hoặc các cơ quan, đơn vị của Nhà nước đang có nhu cầu sử dụng.
Qua kết quả kiểm tra cho thấy, các trụ sở chính phục vụ hoạt động của Đảng ủy, HĐND, UBND các xã được chọn đặt đều có vị trí trung tâm, diện tích rộng, hạ tầng đảm bảo; các trụ sở còn lại được phân công công năng hợp lý, phù hợp với điều kiện địa phương và nhu cầu phục vụ dân sinh.
Thực tiễn triển khai tại các địa phương mới trên địa bàn tỉnh cho thấy, việc sắp xếp, bố trí trụ sở cấp xã là bước đi quan trọng nhằm hợp lý hóa không gian hành chính, sử dụng hiệu quả nguồn lực công, tạo nền tảng vững chắc để bộ máy chính quyền cơ sở hoạt động ổn định, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, góp phần xây dựng chính quyền địa phương tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.