Sắp xếp cấp xã - tâm tư người trong cuộc

Thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, tới đây Điện Biên và các tỉnh thành trong cả nước sẽ không còn đơn vị hành chính cấp huyện, nhiều xã sẽ được sáp nhập để thành lập đơn vị hành chính mới có quy mô lớn hơn. Trước những thay đổi mang tính toàn diện này, chắc chắn không tránh khỏi tâm tư, trăn trở của những người trong cuộc!

Sẵn sàng chấp hành sự phân công...

Dù có nhiều băn khoăn trước việc sáp nhập, sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, song những ngày này, đội ngũ cán bộ, công chức UBND xã Mường Phăng (TP. Điện Biên Phủ) vẫn giữ nhịp làm việc như thường lệ. Lãnh đạo và công chức xã tổ chức tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý những kiến nghị của công dân đảm bảo đúng thời gian, quy định.

Trong số những cán bộ ở đây, ông Lò Văn Hợp, Phó Bí thư Đảng ủy xã là người có thời gian gắn bó lâu nhất. Bản thân ông đã trải qua nhiều vị trí công tác và cũng từng có thời gian phải nghỉ việc, theo sự phân công sắp xếp của tổ chức. Bởi vậy, thời gian qua, ông Hợp luôn giữ tinh thần làm việc trách nhiệm; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, động viên các cán bộ, công chức khác trong xã ổn định tâm lý công tác.

Cán bộ xã Mường Phăng (TP. Điện Biên Phủ) xuống cơ sở tuyên truyền, vận động nhân dân.

Cán bộ xã Mường Phăng (TP. Điện Biên Phủ) xuống cơ sở tuyên truyền, vận động nhân dân.

“Sáp nhập là một chủ trương lớn, xuyên suốt từ Trung ương xuống địa phương, tạo điều kiện cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Mặc dù đến nay chưa có phương án cụ thể, song chúng tôi đã chủ động chỉ đạo tất cả cán bộ, công chức ổn định tinh thần. Duy trì thực hiện nhiệm vụ chuyên môn thường xuyên, liên tục. Xã hiện có 20 cán bộ, công chức, đa phần đều là người trẻ. Qua những tiêu chí về tinh giản biên chế, độ tuổi nghỉ hưu theo hướng dẫn của Trung ương thì xã không có đồng chí nào nằm trong diện này. Tới đây, thực hiện sắp xếp chắc chắn sẽ có người nghỉ, người phân công vị trí khác, thậm chí xuống cấp, song hiện nay toàn bộ cán bộ, công chức xã đều sẵn sàng chấp hành mọi sự phân công của tổ chức” - ông Hợp chia sẻ.

Với tinh thần sẵn sàng nhận nhiệm vụ, hiện nay các bộ phận chuyên môn và tổ chức đoàn thể tại xã Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ) duy trì lịch tiếp công dân, giải quyết công việc đảm bảo.

Ông Vàng A Thính, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện nay Phìn Hồ có 23 cán bộ, công chức. Thời gian vừa qua, chính quyền địa phương đã phổ biến, quán triệt đầy đủ các văn bản, hướng dẫn của cấp trên liên quan đến chủ trương sắp xếp lại cấp xã. Trong đó có hướng dẫn cụ thể của huyện về chế độ, chính sách. Qua nghiên cứu chính sách, có 5 trường hợp sẵn sàng làm đơn xin nghỉ việc để tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong quá trình sắp xếp tổ chức, bộ máy.

Ông Vàng A Thính, Chủ tịch UBND xã Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ) kiểm tra, nắm bắt mô hình sản xuất của người dân.

Ông Vàng A Thính, Chủ tịch UBND xã Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ) kiểm tra, nắm bắt mô hình sản xuất của người dân.

“Cán bộ, công chức xã đã sẵn sàng tâm lý có thể phải nghỉ việc hoặc điều chuyển sang nhiệm vụ khác. Bản thân tôi tới đây có thể không còn ở vị trí công tác hiện tại hoặc điều chuyển sang thực hiện nhiệm vụ khác, phải xa nhà… Song tôi cũng như anh em ở đây hoàn toàn nhất trí, ủng hộ để việc sắp xếp diễn ra thuận lợi, nhanh chóng, sớm ổn định tổ chức, hoạt động của bộ máy mới” - ông Thính chia sẻ.

...và những tâm tư

Hiện cấp xã có 6 chức danh công chức, bao gồm: Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự; văn phòng - thống kê; địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã); tài chính - kế toán; tư pháp - hộ tịch; văn hóa - xã hội.

Cán bộ cấp xã gồm có: Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy; Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND; Chủ tịch Ủy ban MTTQ; Bí thư Đoàn; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ; Chủ tịch Hội Nông dân; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh.

Ngày 7/4, Chính phủ ban hành nghị quyết về kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Theo kế hoạch, Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành lập hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và xã trước ngày 1/5 để gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Bộ Nội vụ sẽ tiến hành thẩm định và lập hồ sơ đề án sáp nhập xã, phường trình Chính phủ trước ngày 30/5, sau đó Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Dự kiến, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp sẽ thẩm tra và Quốc hội xem xét, thông qua đề án này trước ngày 20/6.

Công chức xã Nà Tấu (TP. Điện Biên Phủ) tiếp nhận, hỗ trợ người dân giải quyết thủ tục hành chính.

Công chức xã Nà Tấu (TP. Điện Biên Phủ) tiếp nhận, hỗ trợ người dân giải quyết thủ tục hành chính.

Thời gian không còn nhiều, do vậy hiện nay đang là thời điểm hết sức “nhạy cảm”. Bởi lẽ, họ vừa phải giữ “nhịp” công việc không bị gián đoạn, song vì sắp xếp sẽ liên quan trực tiếp đến công việc của hàng loạt cán bộ, công chức nên khó tránh khỏi những tâm tư, trăn trở.

Thực tế ở tỉnh Điện Biên, địa hình các huyện, xã có khoảng cách khá xa, giao thông cách trở. Từ huyện này di chuyển sang huyện khác thời gian có thể mất cả ngày, thậm chí từ xã tới xã mất nửa ngày. Nhiều cán bộ ở các xã vùng sâu vùng xa, biên giới lo lắng khi giải thể cấp huyện, xã sáp nhập sẽ khó khăn trong giải quyết thủ tục hành chính, hay hỗ trợ giải quyết các công việc phát sinh, đột xuất...

Ông Mùa A Thào, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Phìn (huyện Tủa Chùa) lo ngại: “Về chủ trương chúng tôi hoàn toàn đồng thuận, song việc sáp nhập xã tới đây sẽ có những khó khăn nhất định cần được xem xét, quan tâm. Đặc biệt là về giao thông, do các cụm, bản nằm rải rác, có những xã mùa mưa bị cô lập, chia cắt, không thể tới trụ sở hành chính khi có việc cần. Thêm nữa, nhà công vụ cấp xã khi không sử dụng cũng là một vấn đề phải giải quyết”.

Mặt khác, Điện Biên là tỉnh đặc biệt khó khăn nên không có kinh phí hỗ trợ thêm ngoài quy định theo Nghị định 177, 178/CP cho cán bộ nghỉ công tác (nghỉ hưu, thôi việc). Tới đây, khi không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện và thực hiện sáp nhập, giảm mạnh đơn vị hành chính cấp xã, chắc chắn sẽ đối mặt không ít thách thức ban đầu. Khi đó, cán bộ có gia đình xa trụ sở gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, đi lại.

Đáng chú ý, số lượng cán bộ, công chức giảm nhiều liên quan đến giải quyết chế độ chính sách, chuyển đổi việc làm mới, địa bàn mở rộng, trong khi khối lượng công việc vẫn duy trì, sẽ áp lực về thời gian, chất lượng giải quyết… Nhiều vị trí cán bộ sau sắp xếp sẽ luân chuyển, chuyển đổi, xáo trộn, do đó cũng cần có thời gian tiếp nhận, làm quen với công việc...

“Quá trình sắp xếp, chúng tôi mong muốn cấp cơ sở xem xét cân đối bố trí vị trí việc làm mới phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn được đào tạo cũng như đang đảm nhiệm, phụ trách, để cán bộ phát huy kinh nghiệm, hiệu năng, hiệu quả công việc. Về phía Trung ương và Bộ Nội vụ, cần nghiên cứu kỹ chế độ, chính sách phù hợp, làm sao để mỗi cán bộ công chức dù ở lại hay rời đi đều có thể đảm bảo được cuộc sống gia đình, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân tốt nhất” - ông Lò Văn Hợp, Phó Bí thư Đảng ủy xã Mường Phăng kiến nghị.

Hà Linh

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/chinh-tri/sap-xep-cap-xa-tam-tu-nguoi-trong-cuoc