Sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước đảm bảo tinh gọn, hiệu quả
Tại Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã xác định, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) nhà nước là 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm cấp bách trong quá trình tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế Việt Nam. Nhìn lại quá trình triển khai trong thực tế, Kiểm toán nhà nước (KTNN) ghi nhận những kết quả tích cực, nhưng đồng thời chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế.
Doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò then chốt
Lãnh đạo KTNN chuyên ngành VI nhận định, tái cơ cấu DNNN là quá trình tất yếu, phù hợp với tiến trình chuyển đổi từ phát triển kinh tế theo chiều rộng sang chiều sâu để DNNN thực sự khẳng định vai trò then chốt của kinh tế nhà nước, với mục tiêu nâng cao sức cạnh tranh, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Trong quá trình tái cơ cấu DNNN, phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán các hoạt động của DN nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm trong quản lý và sử dụng vốn nhà nước.
KTNN chuyên ngành VI
Qua công tác kiểm toán, KTNN ghi nhận, đến nay, nước ta đã thực hiện 2 giai đoạn tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là TĐ, TCT nhà nước (giai đoạn 2011-2015, giai đoạn 2016-2020) và đang triển khai thực hiện Đề án đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2021-2025. Theo đó, cả nước đã sắp xếp được 588 DN, trong đó cổ phần hóa 508 DN và sắp xếp theo các hình thức khác 80 DN. Tổng giá trị thực tế của 508 DN thực hiện cổ phần hóa là 760.774 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 188.274 tỷ đồng. Tổng vốn điều lệ theo phương án được phê duyệt là 197.217 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 128.031 tỷ đồng (bằng 65% vốn điều lệ). Còn nhà đầu tư chiến lược nắm giữ 31.065 tỷ đồng (bằng 15,8% vốn điều lệ); người lao động nắm giữ 4.042 tỷ đồng (bằng 2% vốn điều lệ); tổ chức công đoàn nắm giữ 1.124 tỷ đồng (bằng 0,5% vốn điều lệ); bán công khai 32.931 tỷ đồng (bằng 16,7% vốn điều lệ).
Các TĐ, TCT nhà nước đã thực hiện thoái vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm (lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tài chính - ngân hàng, bảo hiểm và quỹ đầu tư) được 11.036 tỷ đồng, thu về 10.742 tỷ đồng (số thu về giảm so với sổ sách do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã thoái 800 tỷ đồng và Tổng công ty Lương thực miền Nam đã thoái 1,3 tỷ đồng với giá 0 đồng). Cũng trong giai đoạn này, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã tiếp nhận 67 DN, với giá trị sổ sách kế toán là 1.666 tỷ đồng, nâng tổng số DN được tiếp nhận từ khi SCIC được thành lập lên tới gần 1.000 DN với tổng giá trị vốn nhà nước hơn 8.722 tỷ đồng. SCIC đã bán vốn tại 411 DN, với doanh thu bán vốn đạt 8.726 tỷ đồng, giá vốn 3.595 tỷ đồng, thặng dư bán vốn hơn 5.130 tỷ đồng, gấp 2,4 lần giá trị sổ sách.
Với mục tiêu đẩy mạnh cơ cấu lại, chuyển đổi các DNNN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp, trong giai đoạn 2016-2020, cả nước đã cổ phần hóa 180 DN với quy mô vốn nhà nước được xác định lại tăng 23,3% so với giai đoạn 2011-2015; đã thoái vốn trên 27.310 tỷ đồng, thu về 117.390 tỷ đồng, gấp 6,5 lần giá trị sổ sách, cao hơn so với giai đoạn 2011-2015 cả về giá trị và hiệu quả thoái vốn. Tổng số tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt trên 220.000 tỷ đồng, cao gấp 2,8 lần giai đoạn trước. Song song với đó, nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn được quản lý tập trung, sử dụng hiệu quả, chuyển vào ngân sách nhà nước theo đúng Nghị quyết của Quốc hội.
Lãnh đạo KTNN chuyên ngành VI đánh giá, nhờ cổ phần hóa, sắp xếp, cơ cấu lại, các DNNN, trọng tâm là các TĐ, TCT nhà nước được sắp xếp lại tinh gọn hơn, nhiều DN hoạt động có hiệu quả, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Qua đó đã thể hiện được vai trò quan trọng của các DNNN trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh.
Cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước vẫn chậm
Tuy đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, song tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn của giai đoạn vừa qua vẫn chưa đạt kế hoạch. Trong số 180 DN đã cổ phần hóa của giai đoạn 2016-2020, chỉ có 39/128 DN thuộc danh mục cổ phần hóa theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục DN thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, đạt khoảng 30% kế hoạch. Tiến độ chậm trong cổ phần hóa, thoái vốn DNNN giai đoạn 2012-2020 đang kéo dài sang cả giai đoạn 2021-2025.
Hiện nay, nước ta đang tiếp tục thực hiện sắp xếp lại DNNN, tập trung giữ vững những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà DN thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Thực hiện theo kế hoạch, trong giai đoạn 2022-2025 sẽ tiếp tục duy trì 195 công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; cổ phần hóa 19 DN, sắp xếp lại 5 DN; thoái vốn tại 141 DN; giữ nguyên phần vốn nhà nước tại 126 DN và 21 DN có vốn nhà nước thực hiện sắp xếp theo phương án riêng.
Theo KTNN chuyên ngành VI, kết quả thực hiện tái cơ cấu cho thấy, các DNNN mới chỉ dừng lại ở việc sáp nhập lại với nhau một cách cơ học (chuyển giao DNNN yếu kém của đơn vị này sang cho đơn vị khác quản lý), quy mô của DN tăng nhưng không có sự chuyển biến về chất trong hoạt động và quản lý điều hành. Do đó, việc tái cơ cấu thời gian qua chưa phát huy tối đa năng lực cũng như lợi thế riêng vốn có của từng DN. Việc xây dựng, triển khai đề án sắp xếp DNNN theo ngành, lĩnh vực kinh doanh không phân biệt cấp, cơ quan quản lý vẫn còn chậm trễ.
Để nâng cao hiệu quả tái cơ cấu DNNN trong thời gian tới, KTNN chuyên ngành VI cho rằng, cần phải tăng cường công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; trong đó tập trung vào việc đào tạo kỹ năng quản lý hiện đại, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ quản lý tại DNNN. Đồng thời, cần xây dựng một cơ chế quản lý hiện đại, bao gồm việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý tài chính, tăng cường phân quyền và nâng cao trách nhiệm của các đơn vị. Thúc đẩy cổ phần hóa và hợp tác công tư (PPP) để tăng cường nguồn lực, cải tiến công nghệ và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN. Cùng với đó là thiết lập các tiêu chuẩn cao về minh bạch trong tài chính, công khai thông tin liên quan đến hoạt động của DNNN để tăng cường sự giám sát của xã hội. Liên tục thúc đẩy quá trình cơ cấu lại, cổ phần hóa DNNN để đảm bảo Nhà nước chỉ nắm giữ một số ít DNNN trong những ngành, lĩnh vực thực sự quan trọng cho phát triển và an ninh quốc gia…/.