Sắp xếp đơn vị hành chính: Tạo đồng thuận, giải những bài toán khó

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025 là việc cần làm và phải làm của các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn Thủ đô, nhằm tạo nguồn lực, động lực, đáp ứng yêu cầu phát triển mới.

LTS: Triển khai Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025 là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, đụng chạm đến nhiều vấn đề: Lịch sử văn hóa, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, người dân... đến tổ chức bộ máy nhân sự. Hà Nội đang triển khai hàng loạt giải pháp với phương châm tạo đồng thuận, cùng nhau giải bài toán khó từ thực tiễn, đưa đề án đi đúng hướng, đúng lộ trình, phù hợp yêu cầu phát triển, tạo động lực mới trong đời sống xã hội. Báo Hànôịmới trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài “Sắp xếp đơn vị hành chính: Tạo đồng thuận, giải những bài toán khó”.

Bài 1: Việc cần làm và phải làm

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025 là việc cần làm và phải làm của các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn Thủ đô, nhằm tạo nguồn lực, động lực, đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Bám sát các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Hà Nội đang triển khai một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng nhiệm vụ này, với tầm nhìn và tư duy mới, tạo nên những giá trị mới, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; làm giàu truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa địa phương.

Cán bộ bộ phận “một cửa” UBND phường Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Xuân Quảng

Cán bộ bộ phận “một cửa” UBND phường Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Xuân Quảng

Tất yếu từ thực tế phát triển

Một trong những câu chuyện thu hút sự quan tâm của chính quyền và nhân dân xã Kim An (huyện Thanh Oai) thời gian này chính là việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã tại địa phương, với kỳ vọng đổi mới này sẽ mở ra không gian phát triển mới cho kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nơi đây. Nhiều người nói vui với nhau rằng, mình sắp thành công dân thị trấn, bởi theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính của huyện, thị trấn Kim Bài và các xã: Kim An, Kim Thư sẽ hợp nhất với cùng một tên gọi mới: Thị trấn Kim Bài.

Chủ tịch UBND xã Kim An Nguyễn Văn Hải hồi tưởng, đợt chia tách tỉnh Hà Sơn Bình thành hai tỉnh: Hòa Bình và Hà Tây năm 1991, huyện Thanh Oai thuộc tỉnh Hà Tây. Để tăng cường quản lý, bảo đảm hoạt động, ngày 23-6-1994, thị trấn Kim Bài được thành lập trên cơ sở một phần diện tích và nhân khẩu 2 xã: Kim An, Đỗ Động. Theo đó, phần lớn xã Kim An được tách ra để thành lập thị trấn Kim Bài. "Nói vậy để thấy, trong bối cảnh hiện nay, việc sáp nhập các đơn vị hành chính là tất yếu", ông Nguyễn Văn An nhấn mạnh.

Theo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Thanh Oai cũng đã cập nhật bổ sung phát triển đô thị khu vực phía Tây tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, với hơn 2.000ha; đồng thời, mở rộng khu vực đô thị thị trấn Kim Bài ra các xã xung quanh. Như vậy, việc sáp nhập các đơn vị sẽ mang đến không gian mới cho lộ trình phát triển. Hơn 90% cử tri địa phương cũng đồng ý với việc sáp nhập thị trấn Kim Bài và 2 xã: Kim An, Kim Thư bởi những điểm tương đồng từ truyền thống văn hóa, lịch sử, phong tục, tập quán... đến điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của 3 đơn vị. Ông Nguyễn Xuân Long ở thôn Tràng Cát, xã Kim An bày tỏ: Việc sáp nhập không chỉ giúp tập trung nguồn lực, mà còn tạo cơ hội cho địa phương phát huy tiềm năng, lợi thế đất đai, đẩy mạnh liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước.

Chung tâm trạng nhiều địa phương trước cuộc đổi mới gắn với nhiều kỳ vọng, Chủ tịch UBND xã Trầm Lộng (huyện Ứng Hòa) Nguyễn Văn Chèo cho hay, xã Trầm Lộng theo đề án sẽ sáp nhập với xã Hòa Lâm, chung tên gọi là Trầm Lộng. Giao thông trên địa bàn thuận lợi cùng nhiều điểm chung về truyền thống văn hóa, phong tục tập quán... nên trong đợt lấy ý kiến đầu tháng 4 vừa qua, 100% cử tri hưởng ứng chủ trương sát nhập với niềm tin vào tương lai phát triển đầy hứa hẹn.

Trong khi đó, quận Hai Bà Trưng sẽ sát nhập 7 phường thành 4 phường. Đó là: Phường Đồng Nhân sáp nhập với phường Đống Mác; phường Cầu Dền một phần sáp nhập với phường Bách Khoa, phần còn lại sáp nhập với phường Thanh Nhàn; phường Quỳnh Lôi sáp nhập vào phường Bạch Mai.

Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung cho biết, 7 phường sắp xếp của quận đều có lịch sử lâu đời, gắn bó với nhiều sự kiện văn hóa, lịch sử hình thành của quận Hai Bà Trưng nói riêng và Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến nói chung. Tên các phường đều chất chứa văn hóa lịch sử địa phương. Do đó, khi xây dựng Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp phường giai đoạn 2023-2025, quận xác định phải cân nhắc kỹ các yếu tố và hướng tới sự thuận lợi cho người dân...

Đơn cử như 2 phường Quỳnh Lôi và Bạch Mai vốn là 2 làng cổ trên địa bàn quận. Khi sáp nhập, diện tích tự nhiên của 2 phường tương đương nhau nhưng tổng số dân tại phường Bạch Mai nhiều hơn phường Quỳnh Lôi tới 5,2 nghìn người. Như vậy, tên gọi chung của hai phường sau sáp nhập là Bạch Mai, sẽ hạn chế đáng kể số người bị ảnh hưởng khi phải thay đổi thông tin cư trú, chuyển đổi giấy tờ liên quan, thực hiện thủ tục hành chính... sau sắp xếp.

Từ các địa phương kể trên nhìn rộng ra toàn thành phố để thấy câu chuyện sáp nhập đơn vị hành chính thời gian qua luôn là chủ đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của mọi tầng lớp nhân dân với không ít băn khoăn, trăn trở song cùng nhiều kỳ vọng, vui mừng. Với những giải pháp và lộ trình đặt ra, Hà Nội xác định đồng thuận và hội tụ nguồn lực là điều kiện không thể thiếu trong "hành trang" triển khai đề án có ảnh hưởng, tác động không nhỏ tới đời sống, tâm tư của người dân.

Không thể là bài toán cơ học

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, thành phố Hà Nội xác định cần triển khai thận trọng, đúng hướng dẫn của Trung ương. Theo đó, trong giai đoạn 1 - rà soát, tổng hợp, lập danh sách cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2023-2025, đầu năm 2023, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản chỉ đạo Sở Nội vụ và UBND các quận, huyện, thị xã lập danh sách cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2023-2025. Trên cơ sở báo cáo của 30 quận, huyện, thị xã, UBND thành phố giao Sở Nội vụ thẩm định theo các tiêu chuẩn, điều kiện tại Kết luận số 48-KL/TƯ ngày 30-1-2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 và hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

Giai đoạn 2 - xây dựng, hoàn thiện Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2023-2025, thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành nhiều thông báo, quyết định, kế hoạch mang tính then chốt. Ngày 15-11-2023, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội (Phương án số 01/PA-UBND), gửi báo cáo Bộ Nội vụ.

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết, theo Phương án số 01/PA-UBND, sau khi thực hiện việc sắp xếp, thành phố dự kiến giảm 70 đơn vị hành chính cấp xã (54 xã, 15 phường, 1 thị trấn). Quận Hoàn Kiếm là đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện sắp xếp, nhưng có yếu tố đặc thù, nên được đưa khỏi danh sách, trong đó, phải kể đến yếu tố "có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh; truyền thống lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán; có địa giới hành chính đã hình thành ổn định từ trước năm 1945 đến nay". Bên cạnh đó, kinh tế quận Hoàn Kiếm trong những năm gần đây liên tục tăng trưởng cao, bền vững; cơ cấu kinh tế chủ yếu là thương mại, du lịch, dịch vụ (từ năm 2019, nhóm ngành này chiếm đến hơn 98%); thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hằng năm đều vượt so với kế hoạch thành phố giao...

"Nếu thực hiện sáp nhập với quận Hoàn Kiếm, sẽ khó tránh việc tác động tới các giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống và quá trình hình thành đô thị văn hóa lâu đời của Thăng Long - Hà Nội, cũng như tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố thời gian tới", ông Trần Đình Cảnh phân tích.

Tại kỳ họp thứ mười sáu (ngày 15-5-2024), với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025 với 20 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố có đơn vị hành chính cấp xã được sắp xếp. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã sau khi sắp xếp có 518 đơn vị, gồm: 337 xã, 160 phường, 21 thị trấn. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã giảm sau khi sắp xếp là 61 đơn vị, gồm: 46 xã, 5 phường.

“Số lượng đơn vị hành chính sau khi sắp xếp có sự chênh lệch so với Phương án số 01/PA-UBND ngày 15-11-2023 của UBND thành phố là do Phương án tính cả 3 huyện: Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì. Tuy nhiên, 3 địa phương trên sẽ sắp xếp theo lộ trình triển khai Đề án xây dựng huyện trở thành quận trong thời gian tới”, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh thông tin.

Có thể thấy, việc sắp xếp được cân nhắc, tính toán kỹ để bảo toàn những đặc thù về văn hóa, lịch sử cũng như phù hợp với sự phát triển trong tương lai chứ không phải là bài tính cơ học. Trưởng phòng Nội vụ huyện Thanh Oai Nguyễn Mạnh Hùng phản ánh: Qua ý kiến cử tri cho thấy, chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã nhận được sự ủng hộ và quan tâm của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tuy nhiên, việc sắp xếp như thế nào để không chỉ dừng lại ở phép cộng cơ học của những con số cắt giảm bao nhiêu đơn vị, bao nhiêu cán bộ, mà là đáp ứng nhu cầu thực tiễn, tâm tư kỳ vọng của người dân, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền, cũng như chất lượng đời sống cộng đồng, đang được dư luận quan tâm, chú trọng.

Thực tế, bài toán sắp xếp đơn vị hành chính chưa bao giờ là đơn giản, mọi sự sắp xếp đều được cân đối từ tính kế thừa đến điều kiện thúc đẩy cho tương lai phát triển; trong đó con người, chính sách, văn hóa phải luôn được lưu ý. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thành Can, nguyên Phó Trưởng khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện Hành chính quốc gia nhấn mạnh, các địa phương sắp xếp đơn vị hành chính ở giai đoạn 2023-2030 phải được chuẩn bị cẩn thận, toàn diện, thấu đáo và kỹ lưỡng. Đặc biệt, khi đụng chạm đến công tác cán bộ, con người phải kiên trì, cẩn thận, vừa thuyết phục, vừa động viên kèm theo chế độ, chính sách hợp lý, thỏa đáng...

(Còn nữa)

Ngay sau khi có Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12-7-2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030; Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30-7-2023 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025 để xây dựng kế hoạch, triển khai tổ chức thực hiện, hướng dẫn, chỉ đạo Ban Thường vụ, UBND các quận, huyện, thị xã rà soát phương án, tiêu chí, đề xuất phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã...

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/sap-xep-don-vi-hanh-chinh-tao-dong-thuan-giai-nhung-bai-toan-kho-673879.html