Sắp xếp lại giang sơn: Hành chính gọn, địa phương có thêm 'đà' để tăng tốc

ĐBQH Trương Xuân Cừ kỳ vọng mô hình chính quyền 2 cấp đi vào vận hành sẽ đáp ứng được yêu cầu, hoàn thành được nhiệm vụ đặt ra và đạt được mục tiêu chính quyền gần dân, sát dân, vì dân.

Từ ngày 1/7, cả nước chính thức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp. Bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp hiện có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh; 3.321 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 2.621 xã, 687 phường và 13 đặc khu).

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm "Sắp xếp lại giang sơn" là quyết định chiến lược, mang tầm vóc lịch sử, thể hiện tư duy cải cách hành chính mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước.

Người Đưa Tin (NĐT) đã có cuộc trao đổi nhanh với ĐBQH Trương Xuân Cừ - Ủy viên Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội (đoàn Hà Nội) về sự kiện trọng đại này.

Gần dân, sát dân hơn

NĐT: Ngày 1/7, cả nước chính thức bước vào giai đoạn vận hành mô hình chính quyền 2 cấp, ông đánh giá thế nào về sự kiện lịch sử này? Theo ông, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ có tác động thế nào đến đời sống, kinh tế - xã hội trong thời gian tới?

ĐBQH Trương Xuân Cừ: Ngày 30/6, cả nước đồng loạt tổ chức lễ công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính, thành lập tổ chức đảng, chỉ định cấp ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, thành phố, xã, phường, đặc khu.

Với sự kiện trọng đại này, kể từ ngày 1/7/2025 chính thức vận hành bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp tại 34 tỉnh, thành phố trong cả nước, một chỉnh thể hành chính mới của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp chính là dấu ấn lịch sử về sự phát triển vượt bậc của nền hành chính quốc gia sau 80 năm thành lập nước (1945 - 2025).

ĐBQH Trương Xuân Cừ.

ĐBQH Trương Xuân Cừ.

Về tác động của chính quyền 2 cấp đối với đời sống, người dân, tôi cho rằng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Nếu như trước đây người dân phải đến các trung tâm hành chính cấp quận, huyện thì bây giờ người dân chỉ cần đến cấp hành chính cấp xã thôi.

Như vậy, có thể thấy rằng đơn vị hành chính cấp xã mới gần dân hơn, sát dân hơn.

Song song với đó, trong tổng số hơn 600 nhiệm vụ cấp huyện đang đảm nhiệm hiện nay, có hơn 90 nhiệm vụ sẽ được chuyển giao cho cấp tỉnh, còn lại hơn 500 nhiệm vụ sẽ được phân cấp về cho cấp xã.

Như vậy, các đơn vị hành chính cấp xã, phường mới sẽ đảm nhận khoảng 600 nhiệm vụ trong khi trước đây, cấp huyện chỉ thực hiện khoảng 200 nhiệm vụ. Điều này cho thấy quyền hạn và trách nhiệm của cấp xã, phường đã được mở rộng đáng kể, thể hiện rõ tinh thần phân cấp thiết thực, hiệu quả và kịp thời với tiêu chí hàng đầu là phục vụ người dân, doanh nghiệp.

NĐT: Với tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng", việc tổ chức bộ máy, sắp xếp tỉnh thành được thực hiện quyết liệt, ông đánh giá như thế nào về cuộc cách mạng tinh gọn này trong thời gian qua?

ĐBQH Trương Xuân Cừ: Tuy thời gian không dài, nhưng với tinh thần chuẩn bị hết sức quyết liệt, toàn diện, công phu, khoa học. Hôm nay, các đơn vị hành chính cấp phường, xã mới đi vào hoạt động có thể thấy rằng rất đầy đủ.

Từ chuẩn bị về con người, trang thiết bị cũng như chuẩn bị về tâm thế, cũng như chuẩn bị về các nhiệm vụ cần phải giải quyết đều đã được cấp ủy và chính quyền cấp xã, cán bộ công chức đều có nhận thức một cách đầy đủ, quyết liệt hành động.

Tiềm năng và lợi thế của các địa phương được nhân lên

NĐT: Đại biểu đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển của các địa phương sau khi sáp nhập?

ĐBQH Trương Xuân Cừ: Đây không chỉ là thay đổi về mặt hành chính mà còn là cơ hội lịch sử để giải phóng mọi nguồn lực, phát huy đầy đủ tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh của các địa phương, trong đó có dư địa về đất đai.

Về công tác quản lý, xử lý và giải quyết các vấn đề như tranh chấp, giải phóng mặt bằng, tôi cho rằng cấp xã nắm rất rõ tình hình địa phương. Họ sống tại đó, gắn bó và chịu trách nhiệm cao nhất, nên khi tỉnh ra quyết định thì đã có cơ sở thực tiễn vững chắc từ cơ sở.

"Đến thời điểm này, đội ngũ chúng ta đã chỉnh tề, hàng lối đã ngay ngắn, cả dân tộc cùng hành quân vươn tới tương lai rực rỡ, vì hạnh phúc của nhân dân, vì một Việt Nam phát triển bền vững", Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại lễ công bố Nghị quyết sáp nhập đơn vị hành chính tại Tp.HCM.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động người dân trong quá trình giải phóng mặt bằng cũng sẽ hiệu quả hơn khi được triển khai trực tiếp từ cấp xã nơi gần dân, hiểu dân.

Không gian phát triển của cấp xã hiện nay cũng rộng mở hơn rất nhiều. Trong tương lai, có thể có nhiều khu công nghiệp sẽ nằm trên địa bàn xã, phường. Khi đó, các vấn đề về quy hoạch, giải phóng mặt bằng, kêu gọi đầu tư sẽ được giải quyết thuận lợi hơn.

Việc chúng ta bỏ qua cấp trung gian là quận, huyện, trao quyền cho cấp xã đảm nhiệm cả phần việc trước đây của cấp huyện và phần việc của cấp xã sẽ giúp xử lý nhanh chóng, hiệu quả hơn các vấn đề phát sinh trong đời sống hằng ngày của người dân và địa phương.

NĐT: Việc sáp nhập tỉnh, thành và tổ chức lại bộ máy là một bước đi mang tính lịch sử. Chính quyền địa phương 2 cấp đã chính thức đi vào vận hành. Đại biểu có mong muốn và kỳ vọng gì đối với nền hành chính công của chúng ta trong thời gian tới?

ĐBQH Trương Xuân Cừ: Việc xây dựng một nền hành chính gần dân, sát dân đã thể hiện rất rõ qua việc phân định lại chức năng, nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền cấp xã, phường trong mô hình mới.

Khi sáp nhập, tiềm năng và lợi thế của các địa phương được cộng hưởng và nhân lên (Ảnh: Hữu Thắng).

Khi sáp nhập, tiềm năng và lợi thế của các địa phương được cộng hưởng và nhân lên (Ảnh: Hữu Thắng).

Nhìn rộng ra ở cấp tỉnh, sau sáp nhập, có thể thấy cơ hội phát triển của các địa phương là rất lớn. Khi sáp nhập, tiềm năng và lợi thế của các địa phương được cộng hưởng và nhân lên, tạo dư địa mới cho địa phương bứt tốc.

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là sự đoàn kết, thống nhất trong tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và đội ngũ lãnh đạo các sở, ban, ngành. Cần tập trung khai thác tốt những tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương sau sáp nhập để thúc đẩy phát triển, tạo ra sự đột phá rõ nét, đặc biệt là trong tăng trưởng kinh tế. Từ đó, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng chung của cả nước.

Tôi cũng như nhiều người dân đều kỳ vọng với mô hình chính quyền 2 cấp đi vào vận hành sẽ đáp ứng được yêu cầu, hoàn thành được nhiệm vụ đặt ra và đạt được mục tiêu chính quyền gần dân, sát dân, vì dân, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Để đánh giá được mô hình vận hành này mang lại hiệu quả ra sao, theo tôi cần có thời gian, qua quá trình thực hiện sẽ có tổng kết, đánh giá một cách đầy đủ hơn. Nhưng, tín hiệu bước đầu cho thấy hết sức tích cực, khả quan và kỳ vọng là thành công rất cao.

NĐT: Xin cảm ơn đại biểu!

Tinh thần đổi mới đang lan tỏa rất mạnh mẽ

Trao đổi thêm với Người Đưa Tin, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Phòng) cho rằng, thời điểm chính thức đồng loạt vận hành bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp tại 34 tỉnh, thành phố trong cả nước mang nhiều cảm xúc với cử tri và nhân dân cả nước.

Đây là thời khắc có ý nghĩa lịch sử đánh dấu việc hoàn thiện thể chế và tổ chức của hệ thống chính trị đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hướng tới hoàn thiện một nền hành chính quản trị hiện đại, kiến tạo, gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ.

Việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh không đơn thuần là gộp địa lý mà đặt trên nền tảng của phát triển vùng, hạ tầng kết nối, văn hóa - xã hội, đặc biệt là tầm nhìn quốc gia trong kỷ nguyên chuyển đổi số.

Các Nghị quyết, Quyết định của Trung ương và địa phương được đồng loạt công bố không chỉ đánh dấu bước chuyển lớn về tổ chức bộ máy chính quyền, mà còn thể hiện tư duy hành động của một quốc gia đang vươn mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới. Từ mỗi đơn vị hành chính, mỗi địa phương đều có một tinh thần đổi mới đang lan tỏa rất mạnh mẽ.

Hoàng Thị Bích

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/sap-xep-lai-giang-son-hanh-chinh-gon-dia-phuong-co-them-da-de-tang-toc-204250701113006451.htm