Sắp xếp số lượng cấp phó đúng quy định chậm nhất sau 5 năm

Chiều 12/2, tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước.

Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước. (Ảnh: Quốc hội)

Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước. (Ảnh: Quốc hội)

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, việc ban hành Nghị quyết nhằm tạo cơ sở pháp lý thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương, qua đó xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước, tránh khoảng trống pháp luật, bảo đảm hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của bộ máy Nhà nước và toàn xã hội; không làm gián đoạn việc thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của pháp luật…

Nghị quyết áp dụng trong các trường hợp thành lập, tổ chức lại (bao gồm việc sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức các cơ quan dưới các hình thức chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi hoặc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn), thay đổi tên gọi, thay đổi mô hình, cơ cấu tổ chức, giải thể cơ quan để thực hiện chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…

Nghị quyết có 15 điều, trong đó Điều 4 quy định về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, người có thẩm quyền. Đó là, khi sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, người có thẩm quyền được thực hiện theo nguyên tắc chuyển giao cho cơ quan, người có thẩm quyền tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đó tiếp tục thực hiện…

Đáng chú ý, tại điều này quy định, trường hợp số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhiều hơn số lượng tối đa theo quy định hiện hành thì chậm nhất sau 5 năm kể từ ngày quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền có hiệu lực, số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan phải theo đúng quy định…

Liên quan đến thanh tra, tại Điều 7 dự thảo Nghị quyết quy định khái quát theo quy định của Luật Thanh tra hiện hành và quy định pháp luật có liên quan.

Theo đó, trường hợp sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước mà cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo quy định của Luật Thanh tra và quy định của pháp luật có liên quan, cơ quan đó được thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo thẩm quyền thanh tra trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước…

Trường hợp sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước mà cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ không được thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, chức năng thanh tra chuyên ngành của cơ quan trước khi sắp xếp do Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện…

Dự thảo Nghị quyết sẽ được Quốc hội thảo luận tại tổ vào sáng 13/2, sau đó thảo luận tại hội trường vào chiều 14/2.

Linh Đan

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/sap-xep-so-luong-cap-pho-dung-quy-dinh-cham-nhat-sau-5-nam-394563.html