Sắp xếp, tinh gọn bộ máy - 'Không thể chờ và chậm trễ được nữa!'
Tháng 12/2024, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; giải pháp tăng tốc phát triển KT-XH năm 2025; tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt về thể chế. Người dân cả nước đặc biệt quan tâm đến hội nghị này, trong đó có những phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm. Tổng Bí thư nêu câu hỏi và khẳng định: 'Hiện nay, đã là thời điểm, thời cơ; là sự cấp thiết, là đòi hỏi tất yếu khách quan cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả hay chưa? Câu trả lời là: Không thể chậm trễ hơn được nữa!'.
“Không thể chậm trễ hơn được nữa!" Nghĩa là chúng ta đã chậm trễ rồi, tới mức không thể dừng lại thêm nữa, bởi theo Tổng Bí thư Tô Lâm, việc tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là vấn đề rất cấp bách, phải làm ngay, làm càng sớm càng có lợi cho dân, cho nước.
“Có lợi cho dân, cho nước” thì sao đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền, những người đứng đầu có thể chùng chình, sao có thể không bắt tay vào việc ngay lập tức, với tinh thần, khí thế, quyết tâm sắt đá, thậm chí sẵn sàng chấp nhận thiệt thòi, hy sinh quyền lợi cả về vật chất và tinh thần.
Trước hết, phải bắt đầu bằng việc “đả thông” tư tưởng trong mỗi cán bộ, công chức, viên chức để mỗi người, nhất là các đảng viên, những người có chức vụ, quyền hạn thông suốt về mặt tư tưởng, không lấn cấn, bàn lùi, so bì thiệt hơn, bởi mục tiêu lớn nhất của cuộc cách mạng là vì dân, vì nước.
Thế nên, những cá nhân bé nhỏ không thể lần lữa, toan tính thiệt hơn, so bì, tị nạnh,... mà cần xắn tay vào cuộc, chuẩn bị tâm thế vững vàng, kiên định bước vào cuộc cách mạng nền tảng, mấu chốt, tạo điểm tựa, bệ phóng cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình vủa dân tộc.
Thực ra, vấn đề cải cách bộ máy của hệ thống chính trị luôn được Đảng ta quan tâm trong suốt hơn 94 năm qua, kể từ ngày thành lập. Nhiều nghị quyết, kết luận liên quan đến vấn đề này được ban hành, triển khai trong thực tiễn, qua các giai đoạn khác nhau, góp phần mang lại những kết quả nhất định, thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực, nhất là sau khi Đảng ta tiến hành công cuộc đổi mới từ Đại hội lần thứ VI (năm 1986).
Đặc biệt ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW, về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Sau hơn 7 năm thực hiện nghị quyết, chúng ta đã đạt những kết quả tích cực, đáng khích lệ, tuy nhiên vẫn còn những tồn tại, hạn chế như Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định rằng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, hiệu quả hoạt động chưa thật sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm đi vào thực tiễn cuộc sống, một số chủ trương không triển khai được hoặc triển khai hình thức, dẫn đến tính chủ động, đổi mới, sáng tạo chưa cao, năng suất, hiệu suất lao động thấp; tình trạng thờ ơ, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, tiêu cực, phiền nhiễu còn nhiều,... gây lãng phí nguồn lực, cản trở, kìm hãm sự phát triển”.
Ngày 05/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết tiêu đề “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” thu hút sự chú ý của đông đảo người dân, có sức lan tỏa sâu, rộng trong xã hội. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị “Là vấn đề rất cấp bách, bắt buộc phải làm, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho đất nước”; đồng thời, xác định đây là vấn đề khó vì khi tiến hành tinh gọn bộ máy liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và đụng chạm tới lợi ích một số cá nhân, tổ chức,... Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải tiến hành vì “muốn có một cơ thể khỏe mạnh đôi khi chúng ta phải uống thuốc đắng, phải chịu đau để phẫu thuật khối u”.
“Rõ ràng không thể chậm trễ hơn được nữa”, vì “khối u” đã được phát hiện, nhận diện và buộc phải “uống thuốc đắng”, phải “phẫu thuật”, những mong có “một cơ thể khỏe mạnh”. Và sự quyết tâm ấy đã được thể hiện! Những thông tin do Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng đưa ra tại Hội nghị tổ chức ngày 01/12/2024 thực sự thu hút sự quan tâm của đông đảo tầng lớp nhân dân trong xã hội.
Theo đó, dự kiến Chính phủ giảm 5 bộ, Quốc hội giảm 4 ủy ban nếu đề xuất sáp nhập, kết thúc hoạt động của một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã được thông qua. Đó thực sự là cuộc cách mạng tác động sâu, rộng, căn bản đến bộ máy của hệ thống chính trị, đến nhiều người đang hưởng lương ngân sách nhà nước.
Chắc chắn sẽ có những tâm tư, nỗi niềm, những băn khoăn nhưng giờ đã là lúc không thể chậm trễ hơn được nữa rồi! Phương án sáp nhập phải được triển khai ngay, đồng bộ, khoa học, bài bản, khả thi, hiệu quả bởi thời gian hoàn thiện phải trước ngày 20/02/2025, để trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương (dự kiến trung tuần tháng 3/2025) xem xét thông qua. Nghĩa là chỉ trong vòng 3 tháng, tính từ đầu tháng 12/2024.
Nhiều nhận định cho rằng “Tư tưởng không thông mang bình tông cũng nặng”. Vì vậy, một khi tư tưởng đã thông, việc vác bình tông, hẳn nhiên chỉ cầm và xách, hết sức nhẹ nhàng. Vấn đề là bắt tay vào việc. Tổng Bí thư Tô Lâm dự báo, “đây thật sự là vấn đề khó, thậm chí rất khó vì khi tiến hành tinh gọn bộ máy sẽ liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và đụng chạm tới lợi ích một số cá nhân, tổ chức”, thế nên, dù đã được chuẩn bị kỹ, bài bản,... nhưng chắc chắn việc triển khai tại nhiều đơn vị sẽ gặp khó khăn, thậm chí sẽ có những lực cản rất quyết liệt.
Xác định rõ ràng, lường trước hầu hết những tình huống phát sinh, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong thực hiện chủ trương, đặc biệt, yêu cầu lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy Đảng, cơ quan cần gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng”; “Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở”; “Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng”.
Tất nhiên, khi Trung ương đã làm gương, địa phương không thể không hưởng ứng. Và khi tấm gương ấy không một chút tì vết, gợn sóng, phủ bụi, chắc chắn sẽ để địa phương, cơ sở soi chiếu vào, thấy rõ mình và nâng cao tinh thần, ý thức tự giác, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ.
Chỉ khi tự mình nhận thức được lý tưởng, mục đích, sự sẵn sàng hy sinh, mới có thể quyết tâm tiếp thu và hành động, không so bì thiệt hơn, thậm chí sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân, nhóm nhỏ để hành động, đóng góp sức mình cho sự nghiệp chung, cho một cuộc sống phồn thịnh, cho tương lai tươi sáng của dân tộc.
Một điều hết sức đặc biệt, mang đậm dấu ấn, bản sắc Việt Nam là khi dân tộc mình đang đứng trước khó khăn, thử thách, mỗi con người đất Việt mang dòng máu Lạc Hồng đều gác hết những riêng tư bé nhỏ, so bì thiệt hơn, sẵn sàng đồng lòng, chung sức vì mục tiêu cao cả là bảo vệ, xây dựng, phát triển Tổ quốc, để đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.