Sắp xếp xã, phường mới tại Đà Nẵng: Người dân tán thành rất cao

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, có tới 98,78% cử tri Đà Nẵng đồng tình với phương án sắp xếp, tên gọi phường, xã mới.

Sáng 25/4, tạiHội nghị tiếp xúc cử tri chuẩn bị Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV của Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng với các cử tri quận Hải Châu, quận Thanh Khê và quận Liên Chiểu, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã thông tin về tiến độ chuẩn bị sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp quận, huyện và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố.

Cử tri Đà Nẵng đều ủng hộ chủ trương sáp nhập tỉnh, không tổ chức quận, huyện và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

Cử tri Đà Nẵng đều ủng hộ chủ trương sáp nhập tỉnh, không tổ chức quận, huyện và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

Cử tri Đà Nẵng đồng tình với phương án sắp xếp, tên gọi phường, xã mới

Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy là cuộc cách mạng lớn, phải làm nhanh theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”.

Thông tin về kết quả bước đầu trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Văn Quảng cho biết, trong giai đoạn 1 (hồi tháng 2/2025), thành phố đã giảm 5 sở, 26 phòng; ở các quận, huyện giảm 14 phòng. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy cũng đã ảnh hưởng đến nhân sự. Trong đó, nhiều lãnh đạo các sở, ngành, phòng ban từ cấp trưởng xuống cấp phó đã xin nghỉ hưu sớm…

Ở đợt 2 sắp tới, thành phố sẽ tổ chức lại chính quyền cấp quận, huyện và hợp nhất các xã, phường. Ban đầu thành phố có 56 xã, phường; ở đợt sắp xếp thứ nhất giảm xuống còn 47 xã, phường (theo Nghị quyết 1251/NQ-UBTVQH15 ngày 24/10/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội). Hiện nay, qua nhiều lần điều chỉnh theo chỉ đạo của Trung ương và cân đối các đơn vị hành chính, TP. Đà Nẵng sẽ còn lại 12 phường, 3 xã và một đặc khu là Hoàng Sa (giảm 66% so với 47 xã, phường hiện tại).

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, 98,78% cử tri Đà Nẵng đồng tình với phương án sắp xếp và đặt tên các xã, phường mới

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, 98,78% cử tri Đà Nẵng đồng tình với phương án sắp xếp và đặt tên các xã, phường mới

Phương án 12 xã, phường và 1 đặc khu là kết quả từ 3 lần thảo luận của lãnh đạo thành phố trên cơ sở tiếp thu ý kiến của người dân (thay đổi từ đặt tên xã, phường mới theo công thức: tên quận + đánh số thành các tên gọi gắn với truyền thống, lịch sử, văn hóa của người dân thành phố). “Kết quả tổng hợp đến sáng nay, số lượng cử tri cho ý kiến rất cao. Tỷ lệ đồng thuận đạt đến 98,78%, thể hiện việc cử tri đồng tình với việc sắp xếp, hợp nhất các đơn vị cấp quận, phường và tên gọi mà thành phố đề xuất”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng thông tin.

Cốt lõi để sáp nhập tỉnh thành công là giữ vững, phát huy được truyền thống đoàn kết

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam sau khi hợp nhất sẽ là thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương. Thành phố Đà Nẵng (sau hợp nhất) sẽ có diện tích khoảng 12.000 km² và dân số hơn 3 triệu người, trở thành một trong những địa phương có quy mô lớn về cả diện tích và dân số trên cả nước.

Ban chỉ đạo của hai địa phương đã họp ba phiên và cơ bản thống nhất phương án tổ chức, định hướng sắp xếp hành chính cấp tỉnh và cấp xã; phấn đấu hoàn thành cả hai đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh, trình Trung ương trước ngày 30/4/2025.

Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, sáp nhập Đà Nẵng và Quảng Nam sẽ phát huy hiệu quả các thế mạnh của mỗi địa phương. Về phía Đà Nẵng, thành phố có nhiều cơ chế chính sách đặc thù, vì vậy khi hợp nhất, Quảng Nam sẽ cùng thụ hưởng các chính sách, cơ chế này. Ngược lại, tỉnh Quảng Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế, dư địa cho các cơ chế của Đà Nẵng phát huy.

Cái bắt tay thắm tình đoàn kết của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tại Lễ thông xe kỹ thuật cầu Quảng Đà hồi cuối tháng 3/2025

Cái bắt tay thắm tình đoàn kết của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tại Lễ thông xe kỹ thuật cầu Quảng Đà hồi cuối tháng 3/2025

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cũng nhấn mạnh: "Trong việc sắp xếp, hợp nhất hai địa phương, vấn đề cốt lõi là phải giữ gìn được truyền thống đoàn kết. Tôi cũng đã báo cáo trước cấp có thẩm quyền, khẳng định rằng khi Đà Nẵng và Quảng Nam hợp nhất lại, sẽ giữ vững được các truyền thống, trong đó có truyền thống đoàn kết”.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định bộ máy mới sau sắp xếp sẽ hoạt động hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả, không để bị đứt gãy, gián đoạn trong phục vụ nhân dân. Hiện, Quảng Nam, Đà Nẵng đang tập trung cho việc sắp xếp và số hóa dữ liệu, đảm bảo hệ thống dịch vụ công trực tuyến sẽ phát huy hiệu quả tốt sau sáp nhập tỉnh. “Nếu có trục trặc hay chậm trễ trong thời gian đầu, trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng mong bà con thông cảm và ủng hộ để quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ" - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng bày tỏ.

Có tới 98,78% cử tri thành phố Đà Nẵng tán đồng với phương án sắp xếp cũng như tên gọi của đơn vị hành chính cấp xã, phường mới sau sắp xếp.

Về sáp nhập tỉnh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, hai địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam đang chủ động phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả hoàn thành Đề án sáp nhập tỉnh trình Trung ương trước 30/4/2025.

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/sap-xep-xa-phuong-moi-tai-da-nang-nguoi-dan-tan-thanh-rat-cao-384824.html