Sát hạch
LTS: Sát hạch, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến thi, kiểm tra… nhưng thực tế, nó rộng hơn nhiều trong bối cảnh xã hội. Nó là một thước đo đầu ra để chất lượng sống tốt hơn. Nhưng ai, cách nào, sẽ 'sát hạch' chất lượng 'sát hạch' mới là điều đáng nói…
Khi con voi trong phòng ngã ngửa
Chỉ sau bốn tháng cơ quan công an điều tra sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, công an tại 30 tỉnh, thành đã khởi tố khoảng 50 vụ án về sai phạm đăng kiểm xe cơ giới, với tổng cộng gần 500 người của hơn 70 trung tâm đăng kiểm bị khởi tố về 7 tội danh và ngay lập tức tạo ra một cuộc khủng hoảng thiếu nhân lực.
Trong suốt 28 năm hoạt động, đây là lần đầu ngành đăng kiểm có số lượng người bị khởi tố kỷ lục, khiến hệ thống chao đảo. Tính đến hết tháng 2/2023, 121 trong tổng số 689 dây chuyền kiểm định phải tạm dừng do đơn vị đăng kiểm đang bị cơ quan công an điều tra, hoặc không đủ điều kiện hoạt động theo Nghị định 139/2028/NĐ-CP, hoặc tự đóng cửa…
Đặt 200.000 đồng ở cạnh ghế lái để quá trình đăng kiểm diễn ra thật nhanh chóng và dễ dàng đã trở thành một loại luật ngầm trong rất nhiều năm. Tất cả những thông tin giờ đang được đăng trên báo về quy trình nhận hối lộ của các trung tâm đăng kiểm không phải là chuyện gì đó xa lạ: hầu như ai đã từng đi đăng kiểm đều đã biết rõ những chuyện này, từ chuyện “cò” móc nối với lãnh đạo trung tâm, rồi giá của từng trường hợp lờ đi lỗi vi phạm, kiểu lỗi khí thải thì vài trăm, còn phanh xe thì 1-2 triệu.
Và khi chúng ta quyết định rằng từ nay phải làm đúng, thì lập tức hậu quả xảy ra: một phần tư nhân lực của ngành đăng kiểm tê liệt. Các cuộc sát hạch để bổ sung đăng kiểm viên hòng giải quyết cuộc khủng hoảng này vẫn đang tiếp tục diễn ra, nhưng chúng ta giờ đều đã bị lấn cấn trong đầu, rằng liệu chúng có diễn ra thật sự đúng tiêu chuẩn không, và tìm được đúng những đăng kiểm viên có chất lượng không?
Không ai biết, vì quá nhiều những con voi trong phòng đang đứng thu lu một góc, không chỉ trong chuyện đăng kiểm. Ngay cả khi con voi ấy đã ngã ngửa, mọi chuyện có thể vẫn không dừng lại.
Đầu tháng 3, tôi nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là nhân viên Công ty tài chính F88, nói rằng một người bạn tôi quen đã vay từ công ty và phải có nghĩa vụ trả nợ. Anh ta sỉ nhục người bạn ấy, và bảo tôi phải có trách nhiệm nhắc anh bạn trả nợ. Điều mỉa mai là chuyện này xảy ra chỉ hai tuần sau khi một loạt các chi nhánh của F88 bị cơ quan công an điều tra, khám xét. Chuyện đòi nợ của các công ty tín dụng kiểu F88, cũng tương tự như tờ 200 ngàn trong hộc xe dành cho đăng kiểm viên, là những thứ ban đầu ta thấy nó vô lý và sai trái, nhưng theo thời gian, chúng đè bẹp nhận thức ấy của chúng ta.
Trước đây, khi tôi nói ra chuyện này ở các câu chuyện lê la quán nước, thì mọi người hầu như không lên án công ty đòi nợ, mà chỉ tập trung vào hoàn cảnh của người nợ, đại loại như “thằng ấy bễ quá”. Cũng như chuyện đăng kiểm, một ai đó quyết định không dùng tờ 200.000 đồng để rồi chịu bị “hành” lên “hành” xuống có thể bị mỉa mai là quá “cứng đầu”.
Bạn có thể sẽ phải thoáng rùng mình nếu nghĩ về các cuộc khủng hoảng khác trong tương lai, nếu có. Tờ 200.000 đồng ấy, cũng như không ít “luật ngầm” khác đã được thỏa hiệp đủ lâu để tồn tại như những chuyện rất bình thường. Làm mọi thứ chỉ cốt được việc, từ bôi trơn cho đến đe dọa đòi nợ, là những chuyện đã trở thành hiển nhiên đến mức từ rất lâu, người ta không buồn lên án nó nữa. Thậm chí, trong một số bối cảnh đặc biệt, chúng ta còn có thể đồng cảm với chúng.
Không khó để lên án chúng, sau khi cơ quan công an đã vào cuộc, như một sự minh định rõ ràng rằng những việc này là sai trái và sẽ phải bị trừng phạt. Khi những con voi trong phòng lần lượt bị lật ngửa ra, ai cũng có thể góp vào một lời rủa xả, rằng chúng ta là nạn nhân của những chuyện kiểu này quá lâu rồi.
Nhưng bạn có thử nghĩ lại, rằng mình có phải chính là người đã góp phần để con voi ấy đứng chình ình trong suốt nhiều năm qua, thậm chí nuôi nó tăng trưởng kinh khủng nhờ sự thỏa hiệp của mình?
Nói một cách khác, khi toàn bộ xã hội không thỏa hiệp, tức là chúng ta đã tạo ra một rào cản sát hạch để những điều vô lý không thể nào diễn ra.
Phạm An
Sức khỏe loại A
Tôi đi làm giấy khám sức khỏe theo dạng “dịch vụ” từ gần 20 năm trước. Đó là lần xin việc đầu tiên trong đời. Hồi đó, vì đang theo học Đại học Kiến trúc, nên tôi xuống một bệnh viện ở Hà Đông. Không cần nhiều kinh nghiệm sống, cậu trai 18 tuổi ngay lập tức được tiếp cận bởi một hình mẫu quen thuộc của nhiều cơ sở công: một “cô” chừng 50-60 tuổi, trong bộ quần áo hoa mặc ở nhà kinh điển.
Sau này, tôi gặp nhiều “cô” như thế nữa trong đời. Họ ngồi trước cổng của cơ sở dịch vụ công, và nắm vững mọi ngóc ngách bên trong. Họ gây kinh ngạc cho những người sử dụng dịch vụ của mình, khi quen thân tất cả những cán bộ ngồi đằng sau bàn giấy, ở mọi căn phòng trong cơ sở đó. Xin nhấn mạnh, là “quen thân” chứ không phải quen biết. Họ cung cấp một quy trình nhanh gọn tới mức người chi trả cũng không thể biết rằng mọi thứ có diễn ra đúng luật hay không. Bác sĩ có khám, có ngó qua “người đi khám sức khỏe”, nhưng rất nhanh, và cho chữ ký. Nhanh là từ khóa. Hễ cứ nhanh thì không còn gì quan trọng nữa.
Có một lần tôi hỏi một cô khi đang lẽo đẽo đi theo trong một bệnh viện cấp Trung ương. Hóa ra cô từng là cán bộ hành chính của cái viện này, giờ nghỉ hưu và sử dụng hệ thống quan hệ sẵn có để thiết lập “đường dây dịch vụ” của mình.
Khám sức khỏe chỉ là một trong những tờ giấy sát hạch đơn sơ nhất người ta có thể mua được bằng tiền. Vô số những cuộc sát hạch có dịch vụ riêng của mình. Chúng được quảng cáo công khai.
Hơn chục năm trước, có một lần tôi chở một cô bạn học sư phạm đi thi mướn. Đó là một cuộc thi sát hạch tiếng Anh. Cô bạn nhà nghèo, tự lo tiền ăn học trên thủ đô, và tìm thấy một đường kiếm tiền: đi thi mướn.
Cuộc sát hạch này được thực hiện khá nghiêm túc, không có “bà cô” nào đứng chờ trước cổng. Các thí sinh sẽ phải vào phòng thi bằng giấy tờ tùy thân, rồi tự thi. Người ta thay ảnh cô bạn tôi vào giấy tờ tùy thân của người trả tiền. Bạn tôi nhận một triệu rưỡi cho một lần thi như thế để đổi lấy điểm 7 của một kỳ thi. Cô không biết người điều phối đã nhận tổng cộng bao nhiêu, 5 hay 10 triệu. Nhưng lần thi đó trở thành ám ảnh mãi: cô chỉ nhận ra mình vừa vi phạm pháp luật hình sự, và cảm thấy sợ hãi sau khi bước ra khỏi phòng thi. Lúc nhận lời thì chưa có cảm giác gì (năm ấy chúng tôi mới mười chín đôi mươi), nhưng cảm giác cầm tờ giấy giả và thực hiện hành vi phạm tội suốt mấy tiếng đồng hồ làm dấy lên sự sợ hãi.
Nhưng nếu nhìn vào thực tiễn xã hội, thì tập quán “làm dịch vụ” này phổ biến đến mức người ta mất cảm giác rằng mình đang vi phạm pháp luật hình sự.
Trước những vấn đề như thế, khuyến nghị chung thường là thay đổi chính sách, hoặc tăng cường cơ chế giám sát, hoặc cải tổ các hệ thống sát hạch. Nhưng bằng những gì đã chứng kiến suốt 20 năm qua kể từ cái buổi chiều ngơ ngác trước cửa bệnh viện ấy, tôi nghĩ vấn đề sâu xa hơn thế: chúng ta có một văn hóa chấp nhận sự bất công trong sát hạch. Suy nghĩ rằng một cuộc kiểm tra có thể được vượt qua bằng tiền đã trở thành một tập quán.
Tập quán đó thậm chí có thể thắng được cả các kỳ thi được tổ chức nghiêm cẩn, tập quán này tạo ra những hành vi bạo tay đến mức làm giả cả giấy tờ của nhà nước. Đó là một vấn đề nhận thức rồi.
Tập quán này chỉ có thể thay đổi bằng giáo dục. Bằng một sự thay đổi triệt để về nhận thức từ khi mỗi con người trong cộng đồng này còn là một đứa trẻ. Họ cần được dạy rằng các chứng chỉ, các cuộc kiểm tra và sát hạch không phải là công cụ. Bản thân nó có ý nghĩa. Bản thân việc được thi, được kiểm tra và được vượt qua một cuộc kiểm tra là một đặc quyền. Hãy tận hưởng nó.
Đáng ra bất kỳ một con người tỉnh táo nào cũng phải tận hưởng một cuộc kiểm tra sức khỏe đàng hoàng, thích thú khi được bác sĩ khám kỹ, và tự hào khi nhận tờ giấy sức khỏe loại A. Đáng ra bất kỳ một tay chơi phân khối lớn nào cũng phải say mê đọc về luật, sảng khoái khi tập luyện kỹ năng điều khiển xe, và được chứng nhận rằng mình đủ trình độ lưu thông cỗ máy đó. Đáng ra, việc học và thi tiếng Anh phải trở thành một cái thú.
Nhưng có một nhận thức truyền thừa, một thứ đã được nhồi vào đầu rất nhiều người trong chúng ta từ lúc nào đó, rằng mọi chứng nhận ấy chỉ là công cụ để đến cái đích mình muốn. Nó được nhồi từ khi còn là một đứa trẻ. Nó được củng cố khi trưởng thành. Nó trở thành một mệnh đề vững chãi: có cái này chỉ để “được” cái kia.
Đến cả sức khỏe bản thân mà cũng trả thêm tiền để đổi lấy sự lừa dối, thì có một sự sai lạc nhận thức ghê gớm đã hình thành ở quy mô rộng.
Đó là một câu chuyện văn hóa, chứ không còn là một câu chuyện pháp luật nữa.
Đức Hoàng
Chất lượng xã hội phụ thuộc chất lượng sát hạch
Để bắt đầu bàn về chất lượng sát hạch trong đời sống xã hội Việt Nam hôm nay, có lẽ chúng ta sẽ tìm ra được quá nhiều ví dụ một cách khá dễ dàng. Tiến trình đánh giá, kiểm tra, đưa ra nhận định chung cuộc về chất lượng của một sản phẩm, con người nào đó là một tiến trình không dễ. Nó đòi hỏi năng lực, kinh nghiệm, tri thức ở lĩnh vực cần được sát hạch. Song, quan trọng hơn, nó đòi hỏi cả lương tri của người sát hạch lẫn hệ thống mà công cuộc sát hạch ấy phục vụ.
Tôi muốn bắt đầu bằng việc nhắc lại chuyện “muôn thuở” là chỉ tiêu tốt nghiệp của học sinh các cấp. Khi đã đặt ra một chỉ tiêu để đánh giá học sinh có đủ trình độ tốt nghiệp hay không, chắc chắn sẽ đẻ ra những biện pháp đối phó như cách ôn luyện thi (với các đề bài mẫu); cách chấm bài kiểm tra, bài thi v.v và v.v. Bị chi phối bởi chỉ tiêu đặt ra cùng những “công cụ” nhằm hoàn thành chỉ tiêu, chắc chắn sẽ nảy sinh vấn đề về chất lượng sát hạch trong giáo dục. Thế mới có chuyện có những học sinh dù đã tốt nghiệp cấp học nhưng lượng kiến thức mà học sinh ấy có không hề tương xứng với khối lượng kiến thức phổ cập cùng lứa tuổi. Chính vì thế, từng có những ý kiến cho rằng nếu đánh giá đúng theo chuyên môn giáo dục, sẽ có không ít học sinh không đủ trình độ tốt nghiệp.
Câu chuyện giáo dục kể trên chỉ là chuyện rất nhỏ trong xã hội này nhưng tác động của nó sẽ rất lớn. Giáo dục là mắt xích quan trọng nhất để xây dựng một xã hội. Xã hội có lành mạnh hay không nhờ vào việc ngành giáo dục có tạo ra, và sát hạch kỹ, những con người sẽ kế tiếp là chủ nhân của xã hội. Và khi những thế hệ học sinh được trưởng thành từ một môi trường giáo dục nhiều tiêu cực, họ sẽ xem cái tiêu cực ấy là bình thường hiển nhiên, dẫn tới khả năng họ tiếp tục thực hành các hành vi tiêu cực sau này.
Từ cái cách sát hạch để phục vụ chỉ tiêu của hệ thống giáo dục bao nhiêu năm nay, chúng ta hoàn toàn có thể nhìn sang cách sát hạch thi tuyển công chức ở nhiều cơ quan nhà nước. Không bị chi phối bởi chỉ tiêu, sát hạch công chức bị chi phối bởi áp lực gửi gắm, bởi các tiêu cực ngấm ngầm. Từ đó, chất lượng công chức thực tế không tương xứng với những đầu tư ngân sách dành cho nhân lực bộ máy hành chính công. Vấn nạn “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” vẫn bị phê phán suốt nhiều năm qua nhưng gần như chưa có tiến triển nào. Để rồi, trong chính cái bộ máy ấy, “tuần tự nhi tiến, đến hẹn lại lên”, có những công chức thiếu năng lực lại được cất nhắc lên vị trí có thể sát hạch người khác đã tiến hành những đợt sát hạch kém chất lượng và tạo điều kiện cho không ít công chức mới có trình độ thấp hơn hẳn so với tầm nhiệm vụ được giao.
Câu chuyện nóng trong dư luận gần đây chính là chuyện của kiểm định phương tiện giao thông. Sau thời gian dài khiến người dân bức xúc vì những quy định bất hợp lý về đăng kiểm xe cơ giới, ngày 22/3/2023, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 16/2021 với nhiều thay đổi quan trọng về đăng kiểm xe cơ giới. Theo đó, ô tô mới sản xuất, lắp ráp và xe cơ giới nhập khẩu chưa qua sử dụng sẽ được miễn đăng kiểm lần đầu. Điều kiện để ô tô mới được áp dụng miễn đăng kiểm lần đầu là có năm sản xuất đến năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận kiểm định dưới 2 năm (năm sản xuất cộng 1 năm). Người dân sau khi mua xe sẽ được miễn kiểm định, thời gian bằng đúng chu kỳ đầu kiểm định xe cơ giới, tương đương với 36 tháng đối với xe ô tô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải và 24 tháng đối với xe ô tô chở người đến 9 chỗ có kinh doanh vận tải; ô tô chở người trên 9 chỗ; ô tô tải, ô tô chuyên dùng, ô tô đầu kéo, rơ-moóc, sơmi rơ-moóc. Xe cá nhân sản xuất đến 7 năm được tăng chu kỳ kiểm định tăng từ 18 tháng lên 24 tháng. Xe có thời gian sản xuất trên 7 năm đến 20 năm (trước đây là 12 năm): Chu kỳ giữ nguyên 12 tháng; thời gian sản xuất trên 20 năm, chu kỳ kiểm định giữ nguyên 6 tháng….
Đại diện Bộ GTVT cho biết, đây là những kết quả bước đầu đối với những quy định có thể điều chỉnh được ngay trong phạm vi quyền hạn, trách nhiệm của Bộ. Bộ GTVT đang chỉ đạo các cơ quan đơn vị tập trung, khẩn trương sửa đổi Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018 của Chính phủ quy định về Kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới (theo trình tự, thủ tục rút gọn); trong đó tách bạch công tác quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công của lĩnh vực đăng kiểm; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương và tăng cường thanh tra, kiểm tra, phòng ngừa các hành vi tiêu cực; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí của xã hội; đảm bảo công khai, minh bạch, chất lượng và cạnh tranh lành mạnh của các đơn vị cung cấp dịch vụ đăng kiểm. Trong đó sẽ ưu tiên nghiên cứu một số nội dung như cho phép các trung đăng kiểm của Công an, Quân đội và các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng của các nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô đáp ứng quy định về cơ sở bảo hành, bảo dưỡng được phép cung cấp dịch vụ kiểm định xe ô tô; nâng cao ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ đăng kiểm…
Với những thay đổi này có thể coi là cuộc cách mạng trong lĩnh vực đăng kiểm.
Nhưng còn bao nhiêu cái vất vả ở các lần kiểm định định kỳ sau đó, có giải pháp hay không? Ví dụ như chuyện đi đăng kiểm phải phục hồi xe về trạng thái ban đầu là câu chuyện mệt mỏi với những người lỡ độ xe. Tại sao không đặt ra quy định là người dân có quyền độ ngoại thất của xe để cá nhân hóa chiếc xe mình yêu thích với điều kiện sau khi thay đổi ngoại thất, bắt buộc phải thông qua kiểm định? Điều đó sẽ dẫn tới việc các kỳ kiểm định sau theo định kỳ, người sử dụng xe không còn phải vất vả “đưa đồ gin về lắp lại”. Giải pháp mà rất nhiều người nhìn ra ấy tại sao lại không được thực thi?
Xã hội sẽ chỉ lành mạnh nếu sát hạch lành mạnh. Chất lượng sát hạch quyết định chất lượng đầu ra và một khi sát hạch ở lĩnh vực nào cũng đang có vấn đề, khó có thể tự tin rằng ta đang sống trong một xã hội văn minh và đủ an toàn.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/sat-hach-i688003/