Sát hạch để sàng lọc công chức
Bộ Nội vụ đang gửi xin ý kiến về dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi. Theo ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, tới đây trong quá trình bố trí, sắp xếp phải gắn sát hạch với sàng lọc để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Cán bộ công chức không còn là suốt đời, không làm được việc thì có thể cho nghỉ.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh.
PV: Thưa ông, dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi đã đặt ra vấn đề tinh giản công chức cấp xã không đủ tiêu chuẩn. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy, chính quyền địa phương tới đây chỉ còn 2 cấp: cấp tỉnh và cấp cơ sở. Cấp cơ sở là: xã, phường, đặc khu. Sau sắp xếp tổ chức lại, cấp cơ sở sau này to như “một huyện nhỏ”. Cấp cơ sở tới đây quy mô lớn hơn, được phân quyền nhiều hơn theo hướng địa phương làm, địa phương quyết, địa phương chịu trách nhiệm. Khi bỏ cấp huyện, 85% nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện chuyển xuống cấp cơ sở thực hiện, còn 15% nhiệm vụ, quyền hạn được chuyển lên cấp tỉnh thực hiện.
Vì thế sau này quyền của cấp cơ sở là rất lớn, đòi hỏi đội ngũ cán bộ công chức cấp cơ sở cũng phải có trình độ cao hơn rất nhiều. Do đó phải rà soát để cơ cấu tổ chức lại, đồng thời rà soát để bổ sung đưa công chức cấp tỉnh và cấp huyện về cấp cơ sở xem có đáp ứng được theo vị trí việc làm hay không. Bởi tinh thần theo luật mới lần này là nhấn mạnh đến vị trí việc làm, lấy vị trí việc làm là trung tâm trong công tác quản lý, sử dụng cán bộ, công chức. Cho nên phải rà soát, sát hạch để còn đào thải.
Ông đánh giá thế nào về việc dự luật cũng quy định về sát hạch để sàng lọc đội ngũ theo nguyên tắc cạnh tranh, có vào, có ra, có lên, có xuống?
- Trong tuyển dụng, bố trí, sắp xếp công việc phải có sát hạch để cho nghỉ khi không đáp ứng được yêu cầu theo vị trí việc làm; hoặc sát hạch gắn với quá trình đánh giá cán bộ hàng năm.

Gắn sát hạch với sàng lọc để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Ảnh: M.Hiển
Trước kia đánh giá cán bộ nhằm mục đích bố trí, sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đề bạt, thực hiện chế độ chính sách khen thưởng. Tuy nhiên bây giờ theo dự thảo luật mới thì đã thêm “sàng lọc”. Cho nên tới đây phải gắn sát hạch với sàng lọc để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Cán bộ công chức không còn là suốt đời nữa, nếu không làm được thì có thể cho nghỉ.
Kể cả trong luật mới dự kiến cơ quan quản lý công chức được phân cấp, hoặc ủy quyền có thể hợp đồng vị trí việc làm của công chức. Hiện nay công chức phải là biên chế nhưng tới đây theo vị trí việc làm thì công chức có thể là hợp đồng. Đó chính là cái mới. Đã là hợp đồng thì có thời hạn, hoặc không thời hạn, theo vị trí việc làm. Như vậy rất linh hoạt.
Tới đây sẽ không phân biệt cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức trung ương, tỉnh. Như vậy sẽ tạo sự công bằng và thực hiện liên thông trong công tác cán bộ, thưa ông?
- Hiện có 2 loại công chức. Một là cán bộ công chức nằm trong các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan nhà nước từ trung ương đến huyện. Hai là, cán bộ công chức làm việc tại cấp cơ sở. Nhưng tới đây sẽ không phân loại như vậy nữa mà phân theo cơ quan công tác, hoặc phạm vi hoạt động trung ương hoặc địa phương. Công chức theo vị trí việc làm có thể là lãnh đạo quản lý làm về chuyên môn nghiệp vụ, hoặc phục vụ, hoặc hỗ trợ. Tức là không phân biệt công chức cấp trung ương, tỉnh và xã nữa.
Việc không phân biệt này thể hiện sự thống nhất trong quản lý, năng lực và trình độ công chức. Đã là công chức thì anh phải được quản lý và đáp ứng được yêu cầu chung như nhau. Từ tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, bố trí, quy hoạch, luân chuyển cũng phải như nhau, đảm bảo chất lượng như nhau. Chứ không phải ở cấp xã chất lượng khác, cấp tỉnh chất lượng khác. Từ đó có thể liên thông xã lên tỉnh, tỉnh xuống xã. Vấn đề chính là phải đáp ứng được theo vị trí việc làm, chứ không phải theo cấp.
Ngay việc tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí công việc là theo vị trí việc làm. Anh cứ đáp ứng được vị trí việc làm thì được tuyển dụng. Và tôi đánh giá anh theo kết quả vị trí việc làm, theo công việc được làm. Đã là công chức thì chế độ chính sách như lương, thưởng là như nhau.
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay dù là công chức cấp xã nhưng thực tế có nhiều người có trình độ, còn cấp tỉnh có người trình độ cũng chưa chắc bằng cấp xã, chỉ khác nhau ở môi trường làm việc. Nếu tới đây với việc không phân biệt và thực hiện liên thông thì chúng ta sẽ chọn được người tài, thưa ông?
- Cán bộ công chức dù làm việc ở tỉnh hay xã thì đều được đào tạo đại học. Cho nên tới đây chúng ta không nên phân biệt, khi chỉ khác nhau ở phạm vi hoạt động trung ương, tỉnh và cơ sở. Làm ở vị trí việc làm nào thì phải đáp ứng được yêu cầu, mô tả về khung năng lực theo vị trí việc làm.
Vậy thời gian bao lâu thì nên sát hạch lại để thực hiện cơ chế sàng lọc đối với đội ngũ cán bộ, công chức?
- Trong quá trình bố trí công việc, luân chuyển, hoặc điều động, bố trí công việc, đưa công chức từ chỗ này sang chỗ vị trí việc làm khác thì phải có sát hạch. Sau này sẽ có quy định cụ thể về việc qua sát hạch nêu không đáp ứng được yêu cầu thì phải sàng lọc.
So với luật hiện nay thì quá trình đánh giá công chức hàng năm cũng giống như vậy, nhưng dự thảo luật mới có thêm đánh giá công chức hàng năm để “sàng lọc”. Nếu đánh giá hàng năm mà không tốt thì có thể cho nghỉ. Sát hạch là để sàng lọc và việc đánh giá hàng năm cũng là để sát hạch luôn. Rồi bố trí công việc cũng phải sát hạch. Nghĩa là công chức sẽ bị sàng lọc chứ không yên tâm mà ở đó suốt đời. Nếu bản thân không nâng cao năng lực, phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng thì có thể bị sàng lọc. Không thể “núp danh” công chức ở một cơ quan nhà nước mà phải luôn phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện để nâng cao trình độ. Sau này những vấn đề trên sẽ được cụ thể hóa bằng Nghị định, trong đó quy định rõ về quy trình sàng lọc.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/sat-hach-de-sang-loc-cong-chuc-10302597.html