Sạt lở bất thường, quy trách nhiệm được không?
Liên tiếp các vụ sạt lở xảy ra trong tuần qua, từ Tây Nguyên, Tây Bắc, thậm chí ngay cả đô thị. Đáng nói, có những khu vực không nằm trong vùng địa chất có nguy cơ sạt trượt.
Các vụ sạt lở lâu nay đều đang được coi như thiên tai và đổ tại “ông trời” mưa lớn.
Có thể quy trách nhiệm để hạn chế các kịch bản tương tự?
Thường xuyên đi du lịch, đi phượt cùng bạn bè, anh Hải Âu, Câu lạc bộ Xe bán tải địa hình Việt Nam không ít lần chứng kiến cảnh sạt lở đất, lũ quét. Tuy vậy, việc xảy ra lũ đất đá tại Sóc Sơn, Hà Nội khiến hàng chục xe ô tô bị vùi lấp là lần đầu tiên anh chứng kiến.
"Vùng đó tôi lên khá nhiều rồi và tôi biết những đường chữa cháy, những hào, những rãnh ngăn cháy lan để lâu ngày, đất đá phủ lên, khi mưa lại tắc lại một đoạn thì khi mưa, nước đồn lại nhiều quá, ứ thì đất đá trượt sẽ trôi và chảy thành dòng thì sẽ rất nguy hiểm. Như trường hợp ở Sóc Sơn là bê tông hóa và không có chỗ thoát nước", anh Hải Âu cho biết.
Anh Phạm Việt Dũng, ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội cũng rất bất ngờ khi thấy thông tin vụ lũ đất đá xảy ra tại Sóc Sơn: "Tại các khu vực dồi, núi, triền dốc thì rủi ro về sạt lở đương nhiên là hiển hiện, tuy nhiên với khu vực như Sóc Sơn thì tôi không nghĩ là nó sẽ gây ra các hậu quả nghiêm trọng tương tự như các vùng núi Tây Bắc. Chắc chắn đấy là tình trạng rất đáng lo ngại".
Sau trận lũ, chính quyền huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã khảo sát và đưa ra kết luận nguyên nhân vụ việc là do rãnh ngăn cháy chưa nhiều bùn rác, lâu ngày không nạo vét nên khi mưa lớn đổ xuống, nước không thoát đi mà chảy tràn sang bên đường, đổ xuống taluy phía dưới gây sạt lở.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, lý giải của chính quyền địa phương là chưa thuyết phục. Theo PGS.TS Trần Tân Văn, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường, khu vực Sóc Sơn về mặt địa chất đá cổ, đã tương đối cứng, chắc, địa hình không cao quá, nhưng đã bị rửa trôi, xói mòn nên độ dốc vừa phải. Thêm nữa, trên dòng lũ, hoàn toàn không có thảm thực vật như những trận lũ tại vùng núi, mà chủ yếu do tác động từ các hoạt động của con người:
"Trông thì giống như một dòng lũ bùn đá, nhưng đối chiếu với những dấu hiệu, đặc điểm của các dòng lũ bùn đá thì không thấy giống. Bởi vậy, có lẽ yếu tố quan trọng là do hoạt động của con người", PGS.TS Trần Tân Văn cho biết.
Nghiên cứu ảnh vệ tinh chụp khu vực Sóc Sơn, Hà Nội qua nhiều năm, TS Nguyễn Quốc Định, giảng viên Trường đại học Phenikaa (Hà Nội) cho rằng, lũ đất đá vừa qua tại Sóc Sơn chủ yếu do hoạt động dân sinh của con người, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ đất rừng thành homestay, làm mất thảm phủ thực vật, làm giảm kết cấu độ bền của đất cộng với địa hình dốc đã dẫn tới sạt lở.
TS Nguyễn Quốc Định cho rằng, tình trạng sạt lở đất sẽ còn nếu chúng ta còn bạt núi, san đồi: "Nếu quản lý nhà nước tốt thì sẽ giảm được những hoạt động không được cấp phép và khi những hoạt động được cấp phép thì thông thường là cũng đã có những hoạt động đánh giá tác động môi trường. Nhưng nếu nhìn trên bản đồ từ trên vệ tinh xuống thì chúng ta có thể thấy là các hoạt động dân sinh ở đấy rất nhều và rất sôi nổi".
GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho rằng, hoạt động sạt lỡ đất tại Sóc Sơn vừa qua một phần không nhỏ là do hoạt động của con người. Khi đất nền, chân đồi không được đảm bảo độ thoải cần thiết, nguy cơ sạt trượt rất dễ xảy ra:
"Theo tôi trong trường hợp này phải quy trách nhiệm. Phải quy trách nhiệm vì dưới xã muốn làm gì đều phải xin ý kiến Ủy ban, xã có Ban Địa chính, huyện có Phòng Địa chính. Vì vậy tôi cho rằng lỗi này là lỗi quản lý, tức là khi dân cư xây dựng nhà cửa, rồi mở những trang trại không được nằm trong quy hoạch xây dựng thì đó là lỗi của quản lý", GS.TS Vũ Trọng Hồng nêu ý kiến.
Hàng loạt vụ sạt lở bất thường
Một số ý kiến cũng cho rằng, trên địa bàn cả nước gần đây xảy ra nhiều vụ sạt lở bất thường, chẳng hạn như tại Lâm Đồng, Hà Nội, hay mức độ sạt lở tăng lên ở các khu vực bờ kè, bờ sông ĐBSCL... khiến người dân lo ngại, một phần là do dòng chảy tự nhiên bị chặn hoặc thay đổi, thậm chí xây nhà, công trình trên đường thoát lũ. Bởi vậy, việc kiểm tra, phát hiện và xử lý tình trạng xâm lấn dòng chảy cần được thực hiện khẩn trương trước khi mùa mưa bão đến gần.
Trước hàng loạt vụ sạt lở gây hậu quả nghiêm trọng liên tiếp xảy ra tại nhiều địa phương, vùng miền chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, ngày 8/8, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo các biện pháp trước mắt và lâu dài để khắc phục, phòng ngừa các thiệt hại do sạt lở gây ra, trong đó thẳng thắn đề cập việc rà soát tình trạng chấp hành quy định về trật tự xây dựng.
Dưới góc nhìn của VOVGT, đây là cơ sở rất quan trọng để tiến tới quy trách nhiệm trong các vụ sạt lở, chứ không thể cứ mãi đổ tại ông trời. Và quan trọng hơn, căn cơ hơn, là một tư duy về phát triển bền vững cần được thấu suốt đến từng lãnh đạo quản lý, như một bản năng.
Trong Công điện của Thủ tướng yêu cầu tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông, bờ biển và lũ quét vừa ban hành ngày 8/8, nội dung đầu tiên của nhóm giải pháp lâu dài được đề cập, là tập trung rà soát, xử lý, chấn chỉnh các nguyên nhân là “nhân tai” trong các vụ sạt lở.
Đó có lẽ là nội dung được chú ý và mong chờ nhất, trước các sự cố sạt lở liên tiếp xảy ra, chỉ trong vài tuần trở lại đây.
Bởi các vụ sạt lở liên quan đến địa chất địa tầng, mùa mưa bão năm nào cũng có. Người dân phần nào chấp nhận đó là một phần không thể tránh khỏi ở một đất nước nhiệt đới nắng lắm mưa nhiều, ¾ diện tích tự nhiên là đồi núi cao nguyên. Các vụ sạt lở bờ sông, bờ kênh cũng không phải bây giờ mới xảy ra, triều cường và biến đổi khí hậu là những lý giải phần nào được chấp nhận.
Nhưng cho đến khi xảy ra các vụ sạt lở nghiêm trọng ở Tây Nguyên và đặc biệt là ngay tại Hà Nội, thì những lý giải trước đó đã không còn thuyết phục. Và nó hoàn toàn không phải là diễn biến bất ngờ. Nó chỉ bất thường so với các quy luật của tự nhiên.
Khi hàng loạt diện tích cây rừng bị thay thế bằng cây trồng nông nghiệp, giới khoa học đã nhìn thấy ngay điều gì sẽ xảy ra. Các cảnh báo, nhất định đã được gióng lên ở các hội nghị, hội thảo có sự tham gia của địa phương và cơ quan quản lý chuyên ngành.
Khi hàng loạt các khu nghỉ dưỡng, khu sinh thái đua nhau mọc lên như nấm sau mưa ở vùng ven của Hà Nội – mà rất nhiều trong số đó thuộc phạm vi của đất rừng, của các thảm thực vật dự trữ, với những con đường cứ san đồi, vạt núi mà mở, với các công trình cứ san phẳng mà xây, thì đến người nông dân cũng hiểu rằng, những cấu trúc cân bằng vốn có của tự nhiên đã không còn. Sự bất ổn, sớm muộn gì rồi cũng đến.
Và nó đã đến. Hà Nội sau vài năm hân hoan với những doanh thu đem lại từ phân khúc du lịch nghỉ dưỡng ven đô, nay các tài xế đã được một phen hoảng hồn khi hàng chục ô tô bị đất vùi lấp do sạt lở, ngay trên những con đường tưởng rất đỗi nên thơ đi vào khu nghỉ dưỡng.
Địa phương có cái khó của địa phương. Bộ ngành có những bộn bề của bộ ngành. Nhưng dù thế nào, đổ tại cho vi phạm cho một vài hộ xây dựng trái phép là điều tệ nhất có thể. Cả một bộ máy không thể nào thiếu năng lực đến mức bất lực trước một vài vi phạm đơn lẻ.
Vì thế, rà soát, xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng, dù rất quan trọng, nhưng chỉ là một trong các việc cần làm, và ở phần “ngọn”. Bởi trước khi có vi phạm xây dựng trực tiếp của người dân hoặc doanh nghiệp, phải có vi phạm hoặc thiếu sót của thanh tra xây dựng, của người cấp phép xây dựng, của người phê duyệt dự án, người phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng, hoặc phê duyệt một bản quy hoạch xây dựng không đảm bảo an toàn.
Nếu có một tư duy thấu suốt về tầm quan trọng của phát triển bền vững, thì trong tất cả những khâu trên, câu hỏi về các yếu tố có nguy cơ đe dọa sự bền vững đã được đặt ra từ đầu để rà soát và ngăn chặn.
Nếu thực sự thấy được giá trị của phát triển bền, người ta đã không dễ dàng đánh đổi những vạt đồi, cánh rừng để lấy một vài mùa vụ nông sản, hay những lợi ích nhất thời của du lịch mang lại, mà tìm kiếm các cách an toàn hơn để tạo sinh kế cho dân.
Nếu thực sự xem phát triển bền vững là tất yếu, thì ngay cả trong điều kiện kinh tế khó khăn, khoa học về địa chất, địa tầng và khí tượng thủy văn vẫn được dành sự quan tâm thỏa đáng, để có bản đồ tổng thể, với những dự báo ngắn, trung và dài hạn cho các tai biến địa chất có thể xảy ra, làm căn cứ cho quy hoạch phát triển kinh tế xã hội. Hoặc chí ít, người ta cũng không phớt lờ trước những cảnh báo đầy tâm huyết của các nhà khoa học về nguy cơ nhãn tiền.
Giải pháp lâu dài cho tình trạng sạt lở
Coi trọng phát triển bền vững, người ta cũng sẽ không thể dễ dàng chấp nhận những báo cáo đánh giá tác động môi trường với tư cách chỉ một văn bản đính kèm hồ sơ phê duyệt dự án cho đủ lệ bộ.
Các giải pháp lâu dài cho tình trạng sạt lở đã được xác định trong chỉ đạo vừa qua của Chính phủ, với 2 nhóm giải pháp quan trọng, là kiểm soát hoạt động xây dựng và đầu tư cho khoa học. Tuy vậy, từ chỉ đạo này, hàng loạt các biện pháp cần được triển khai để đảm bảo thực thi, từ rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật về cơ chế quy trách nhiệm, ràng buộc trách nhiệm trong từng khâu, từng lĩnh vực; cho đến hệ thống các chế tài.
Nhưng trên tất cả, phát triển bền vững không thể chỉ là một tư duy về xu hướng của xã hội hiện đại, mà phải là một nhu cầu tự thân, một thấu suốt về nhận thức của những người lãnh đạo, đến mức trở thành bản năng.
Bởi nếu chỉ là một khẩu hiệu đầu môi hoặc miễn cưỡng phải làm theo, thì tinh thần phát triển bền vững sẽ chỉ dừng lại ở văn bản, mà không thể đi vào đầu nguồn chính sách.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/sat-lo-bat-thuong-quy-trach-nhiem-duoc-khong-post1038570.vov