Sạt lở do mưa lũ khiến một người chết và một người mất tích
Tại xã Quảng Chu (huyện Chợ Mới), thôn Nà Lằng bị sạt lở khoảng 105m3 đất; thôn Bản Đén sạt lở khoảng 64m3; thôn Làng Chẽ bị xói lở sụt mố cầu; thôn Cửa Khe bị cuốn trôi 60m đường rải cấp phối.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và phóng viên TTXVN tại các địa phương, từ ngày 20-26/6, mưa lớn và sạt lở đất đã gây nhiều thiệt hại tại các địa phương. Tính đến 18 giờ ngày 26/6, mưa lũ tại khu vực Bắc Bộ đã làm 1 người chết (Bắc Kạn), 1 người mất tích (Lạng Sơn) và các thiệt hại khác.
Tại tỉnh Bắc Kạn, mưa lớn kèm gió mạnh đã làm sạt lở ta-luy dương, tốc mái; 12 nhà dân ở thành phố Bắc Kạn, huyện Pác Nặm, Chợ Mới bị ngập; 1,2 ha cây bạch đàn bị sạt lở, vùi lấp; khoảng 1,2 ha ao nuôi thủy sản mất trắng (huyện Chợ Mới); đoạn đường tổ 1a, phường Đức Xuân (thành phố Bắc Kạn) đi tổ Bản Vẻn, xã Huyền Tụng bị sạt lở dài 20m, khối lượng sạt lở ước tính 40m3.
Tại xã Quảng Chu (huyện Chợ Mới), thôn Nà Lằng bị sạt lở khoảng 105m3 đất; thôn Bản Đén sạt lở khoảng 64m3; thôn Làng Chẽ bị xói lở sụt mố cầu; thôn Cửa Khe bị cuốn trôi 60m đường rải cấp phối, 2 công trình thủy lợi tại xã Khang Ninh và Mỹ Phương huyện Ba Bể bị hư hỏng. Cùng với đó, 3 nhà dân tại huyện Na Rì bị hư hại; đường bê tông nông thôn tại thôn Thẳm Mu, xã Văn Lang và thôn Nà Pàn, xã Sơn Thành bị sạt lở.
Mưa lớn đã làm 40 nhà hư hỏng do sạt lở đất, sét đánh (Bắc Giang, Lạng Sơn), 365 ha lúa, hoa màu bị ngập úng (Lạng Sơn).
Ngoài ra, trên tuyến kênh Rạch Mọp, xã Song Phụng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, đã xuất hiện hai vụ sạt lở nghiêm trọng, với tổng chiều dài trên 110m, lấn sâu vào đất liền từ 15 - 23 m.
Sạt lở tại Vàm sông Rạch Mọp (giáp sông Hậu) với chiều dài 40m, lấn sâu vào đất liền 8m, làm ba căn nhà sụp hoàn toàn xuống sông và một căn bị ảnh hưởng 50% (có nguy cơ sạt lở hoàn toàn). Cùng với đó, hệ thống điện, đường nông thôn bị hư hỏng, ước tính tổng thiệt hại gần 2 tỷ đồng.
Trên địa bàn xã Hòa Tịnh, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long xảy ra vụ sạt lở bờ sông có chiều dài khoảng 30m, ăn sâu vào bờ 4-6m, thuộc tuyến sông Bình Hòa, thuộc ấp Bình Tịnh A, xã Hòa Tịnh.
Vụ sạt lở khiến 1 đoạn kè kiên cố, 3 căn nhà với 15 nhân khẩu bị ảnh hưởng. Trong đó, 1 căn nhà bị sạt lở hoàn toàn phần nhà phụ phía sau, phần nhà chính bị rạn nứt nghiêm trọng; 2 căn nhà bị nứt, nguy cơ cao bị đổ sập.
Tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) xuất hiện trận mưa lớn, khiến nhiều khu vực bị ngập cục bộ. Hàng loạt cây xanh trên địa bàn bị đổ, bật gốc do mưa to, gió lớn.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương đã tổ chức hỗ trợ thăm hỏi người chết, tìm kiếm người mất tích; huy động lực lượng giúp đỡ người dân khắc phục thiệt hại, sớm ổn định cuộc sống.
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 26-27/6, khu vực miền núi phía Bắc, Thanh Hóa và Nghệ An tiếp tục có mưa to, có nơi mưa rất to. Riêng khu vực Đông Bắc Bắc Bộ, mực nước tại sông Thương sẽ tiếp tục lên. Mực nước lũ trên sông Thương tại Cầu Sơn sẽ duy trì trên mức báo động 2 và tại Phủ Lạng Thương có khả năng lên trên mức báo động 1.
Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Dự báo xa hơn về xu thế lượng mưa từ tháng 7 đến tháng 9/2023, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho hay, tổng lượng mưa hầu hết các khu vực trong cả nước phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm. Riêng tháng 8/2023, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến cao hơn từ 5-20% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Mùa lũ năm 2023, các sông suối ít có khả năng xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm. Đỉnh lũ trên các sông ở Bắc Bộ phổ biến ở mức báo động 1 - báo động 2, riêng các sông suối nhỏ từ báo động 2 - báo động 3, các đợt lũ chủ yếu tập trung trong các tháng 7 đến tháng 9/2023.
Ông Nguyễn Văn Hưởng lưu ý, tổng lượng dòng chảy đến các hồ chứa lớn trên sông Đà thiếu hụt từ 30 - 50% so với trung bình nhiều năm, thấp hơn năm 2022 khoảng 10 - 20%; trên sông Gâm thiếu hụt từ 20-30% so với trung bình nhiều năm, thấp hơn năm 2022 khoảng 10 - 30%; trên sông Chảy thiếu hụt từ 10- 15% so với trung bình nhiều năm, thấp hơn năm 2022 khoảng 20-30%.
Nguy cơ ngập lụt tại các đô thị, thành phố lớn tiếp tục diễn ra do ảnh hưởng của mưa lớn cục bộ. Lũ quét, sạt lở đất nguy cơ cao xuất hiện tại các tỉnh khu vực vùng núi phía Bắc.
Để tiếp tục ứng phó với mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện việc theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền, nhân dân để chủ động phòng tránh.
Các địa phương chỉ đạo các đơn vị chức năng ở địa phương huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định đời sống; triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn, đồng thời sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Các cơ quan thông tin truyền thông tăng cường đưa tin về diễn biến mưa lớn đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động phòng tránh./.