Sạt nhiều điểm taluy trên tuyến đường liên vùng Phú Thọ - Yên Bái
Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ liên tục xuất hiện nhiều đợt mưa lớn, kéo dài khiến đất bị xói mòn, sạt lở nhiều điểm taluy trên tuyến đường liên vùng hơn 2.000 tỷ đồng gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Dự án Đường giao thông liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 70B, Quốc lộ 32C tỉnh Phú Thọ đi Yên Bái có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 2.120 tỉ đồng. Sau hơn 2 năm khẩn trương thi công, đã có hơn 24km tuyến chính được bàn giao, đưa vào khai thác sử dụng.
Đến nay, vẫn còn hơn 1 nửa chiều dài tuyến chính (chủ yếu qua địa phận huyện Cẩm Khê) vẫn đang trong quá trình thẩm tra về an toàn giao thông chưa thể bàn giao, số ít từ Km0 - Km2+452 tại địa phận xã Lam Sơn, huyện Tam Nông đang thi công dở dang (đoạn được xây dựng sau khi điều chỉnh chủ trương dự án vào cuối năm 2023).
Theo ghi nhận của PV, trên tuyến đường liên vùng Phú Thọ - Yên Bái hiện nay xuất hiện nhiều điểm ta luy đã sạt lở gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Trao đổi với PV, ông Phan Long, Chủ tịch UBND xã Bằng Giã (huyện Hạ Hòa) cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, UBND xã đã báo cáo lên Sở GTVT Phú Thọ và đã có kiến nghị với người dân về việc chặt bớt những cây cọ có nguy cơ đổ gãy do sạt lở để đảm bảo an toàn giao thông.
Sáng 6/8, trao đổi với PV, ông Đỗ Thế Nam - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp tỉnh Phú Thọ cho biết, nguyên nhân gây sạt lở do nhiều ngày qua trên địa bàn tỉnh liên tục mưa lớn kéo dài. Tuyến đường vừa làm xong, đất đá còn mềm nên xuất hiện tình trạng sạt lở là không tránh khỏi. Đặc biệt, đây là những đoạn chưa bàn giao và chưa đi vào sử dụng.
Ngay sau khi nắm được thông tin, Sở GTVT Phú Thọ cùng với nhà thầu nhanh chóng kiểm tra, đào hót sụt. Nếu có thể sẽ tiến hành thu hồi thêm đất của người dân để đào bạt lại mái ta luy nhằm đảm bảo an toàn giao thông.
Cũng theo ông Nam, đơn vị đang cố gắng hoàn thiện nốt những đoạn đường chưa thi công xong trong năm 2024 và đưa vào sử dụng vào đầu năm 2025. Tuyến đường sau khi được đưa vào sử dụng sẽ tăng hiệu quả khai thác của các tuyến giao thông hiện hữu tại Phú Thọ, Yên Bái; tăng tính liên kết giữa các địa phương và giữa các khu công nghiệp/cụm công nghiệp với nhau; thu hút người lao động từ Yên Bái và các tỉnh Tây Bắc về Phú Thọ làm việc... tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.