Sát sao, trách nhiệm

Đến thời điểm này, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước vẫn rất chậm. Theo kết quả lũy kế từ năm 2016 đến tháng 5-2020, chỉ có 36/128 doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa, đạt tỷ lệ 28,1% so với kế hoạch. Tương tự, tình hình thoái vốn tại doanh nghiệp trong cùng khoảng thời gian mới đạt 25% kế hoạch.

Thực trạng này cho thấy, nhiều doanh nghiệp nhà nước chưa triển khai nghiêm túc kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn. Đáng nói là, bản thân lãnh đạo của không ít doanh nghiệp có tư tưởng sợ sai nên chần chừ thực hiện, hoặc vì lợi ích “sân trước, sân sau” nên khi tiến hành cổ phần hóa, thoái vốn không bảo đảm nguyên tắc thị trường… Ngoài ra, chính tâm lý một bộ phận người lao động chưa “thông” cũng gây khó khăn cho quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp.

Một vướng mắc khác cản trở tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, đó là xác lập hồ sơ pháp lý đất đai. Cụ thể, những khó khăn trong rà soát, phê duyệt phương án sử dụng đất bắt nguồn từ yếu tố lịch sử, pháp lý phức tạp… trong khi hầu hết các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn đều sở hữu nhiều đất đai. Ngoài ra, còn có tình trạng một số đơn vị sau cổ phần hóa đã lợi dụng chính sách quản lý đất đai để chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng quy định. Điểm hạn chế nữa là tỷ lệ vốn nhà nước giữ lại trong phương án cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp còn cao, dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư mua cổ phần, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai.

Trong bối cảnh đó, việc Bộ Tài chính đã đề ra 10 giải pháp thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước là tín hiệu tích cực, thể hiện quyết tâm của các cơ quan quản lý nhà nước.

Có thể nói, để tiến độ tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước bảo đảm kế hoạch đề ra, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương chủ quản và bản thân các doanh nghiệp, cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị này - theo đúng chức năng, nhiệm vụ là yếu tố tiên quyết. Khi đó, những “nút thắt” về đất đai, lao động, tài chính, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong xác định giá trị doanh nghiệp… mới được tháo gỡ.

Song song đó, trách nhiệm của người đứng đầu các doanh nghiệp cũng đóng vai trò rất quan trọng. Cụ thể là thay vì tìm cách “giữ ghế”, trì hoãn thì họ phải triển khai rốt ráo kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn đã được cơ quan chủ quản phê duyệt. Các cơ quan, đơn vị đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước cần đôn đốc thực hiện công tác này một cách minh bạch, đúng pháp luật, bảo đảm nguyên tắc thị trường; chỉ đạo quyết liệt, thậm chí có chế tài với lãnh đạo các doanh nghiệp cố tình chậm trễ, chây ỳ trong triển khai thực hiện. Chỉ có như vậy mới đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, thoái vốn; tạo được niềm tin nơi các nhà đầu tư.

Ngoài ra, cũng cần đổi mới phương thức bán cổ phần. Hiện nay, hình thức cổ phần hóa, thoái vốn phổ biến là bán một phần vốn nhà nước cho các cổ đông chiến lược, người lao động, tổ chức công đoàn. Vì thế, cần đẩy mạnh phương thức bán đấu giá cạnh tranh một cách công khai, nâng tỷ lệ cổ phần chào bán ra công chúng, thực hiện nghiêm việc niêm yết các doanh nghiệp sau cổ phần hóa (tính đến tháng 4-2020 vẫn còn khoảng 800 doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán) theo đúng quy định của pháp luật…

Suy cho cùng, để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, sự quyết tâm, trách nhiệm, sát sao của chính các doanh nghiệp và cơ quan đại diện chủ sở hữu vẫn là hai nhân tố đóng vai trò quyết định.

Chí Kiên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/968753/sat-sao-trach-nhiem