Sau 3 năm WHO tuyên bố đại dịch COVID-19: Giá trị của những 'điều bình thường' tưởng như đã cũ
Hôm nay (11-3) đúng 3 năm ngày Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố đại dịch COVID-19 toàn cầu (11-3-2020 - 11-3-2023). Trong khoảng thời gian tưởng chừng như chỉ là một khoảng chớp mắt thôi, nhỏ bé so với lịch sử loài người, nhưng hết sức dài với chúng ta - những người sống trong đại dịch. Nhiều bài học đã và sẽ được rút ra, nhiều giá trị cuộc sống sẽ được nhìn nhận và trân quý hơn bao giờ hết.
Đại dịch COVID-19 mang theo những rủi ro, đau thương và cả mất mát, nhưng cũng đem lại cơ hội để mỗi người nhìn lại và trân quý những giá trị cốt lõi của cuộc sống. Bước vào giai đoạn “bình thường mới”, cùng với việc thích nghi và chung sống với COVID-19, chúng ta cùng nhìn lại những đau thương, mất mát đã trải qua sau 3 năm sống chung với đại dịch, từ đó cùng nhau nỗ lực hơn, cố gắng hơn vì triển vọng quay trở lại cuộc sống bình thường đang trở nên tươi sáng hơn bao giờ hết.
COVID-19 đã lấy đi của chúng ta những gì?
Cả thế giới ghi nhận 6,9 triệu người chết, gần 800 triệu ca mắc bệnh (con số chắc chắn lớn hơn rất nhiều do nhiều người bệnh không đến các cơ sở y tế để điều trị).
Châu Âu - lục địa gồm nhiều quốc gia phát triển nhất với nền y học tiến bộ - đã ghi nhận số ca mắc cao nhất 274 triệu.
Hàng trăm ngàn bệnh viện dã chiến được thành lập trên toàn cầu, chật chội, đông đúc. Hàng ngàn hình ảnh trên báo chí, mạng xã hội.. về những xác người chết không kịp chôn cất, hỏa thiêu phải nằm xếp lớp ngoài trời.
Tất cả các quốc gia đều đóng cửa ít hay nhiều. Hàng loạt quy định hạn chế đi lại, yêu cầu tiêm ngừa vaccine được ban hành. Tự do cá nhân tạm gác lại ở hàng thứ yếu so với ưu tiên chống dịch.
Nền kinh tế bị trì trệ, hoàng loạt các công ty phá sản, hàng triệu người mất việc, ảnh hưởng thu nhập và đời sống cá nhân. Khó khăn kinh tế vì ảnh hưởng của dịch bệnh đè nặng cuộc sống của hàng tỉ người một cách rõ ràng hơn.
Chúng ta đã làm gì để chống chọi với đại dịch?
Với nền khoa học kỹ thuật được loài người tự đánh giá chủ quan đạt nhiều thành tựu vĩ đại, tổng số vắc-xin (vaccine) được sử dụng đến đầu tháng 3 là 13,2 tỉ liều. Tính theo đầu người trên toàn cầu thì mỗi người chưa đủ được hai liều.
Đeo khẩu trang, rửa tay bằng cồn ở khắp nơi không còn là điều lập dị. Con người có vẻ ích kỷ hơn khi từng người thu gọn phạm vi quan tâm và tình cảm hướng về gia đình và người thân; khi từng quốc gia thu gọn hành động chủ yếu vì lợi ích của chính quốc gia và dân tộc mình. Nhiều người vẫn còn nhớ hình ảnh một quan chức WHO đã khóc khi nói về sự hợp tác quá yếu kém và ích kỷ của một số quốc gia trong đại dịch.
Sự xuất hiện của công nghệ vắc-xin tiên tiến giúp các nhà sản xuất nhanh chóng cập nhật vắc-xin để chống lại biến thể mới, bộ xét nghiệm nhanh tại nhà, các loại thuốc kháng vi rút và các phương pháp điều trị mới cũng giúp COVID-19 dần dần trở thành bệnh đặc hữu. Giờ đây, COVID-19 không còn làm gián đoạn cuộc sống và việc du lịch, lễ hội, đến trường, đi làm… đã có thể diễn ra bình thường như trước đại dịch.
Những điều “bình thường” được đánh thức giá trị trong đại dịch
Việc đại dịch COVID-19 bùng phát đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để mỗi người tự nhìn lại và trân quý những giá trị cốt lõi của cuộc sống - những giá trị đâu đó dường như đã “ngủ quên” trong hối hả bộn bề. Đó là giá trị của sự tự do, của tình cảm gia đình, tình bạn, tình đồng nghiệp, và tình đồng bào. Đôi khi, chúng ta cứ mải mê đi tìm chất lượng cuộc sống mà không biết được rằng, chỉ cần còn được nhìn thấy ánh mặt trời, còn được nhìn thấy nụ cười của nhau sau đại dịch đã là một điều may mắn và hạnh phúc… đó chính là giá trị lớn nhất mà sau khi trải qua những đau thương, mất mát chống chọi với dịch bệnh, chúng ta mới thật sự nhận ra và thấu hiểu.
Đặc biệt, đại dịch cho chúng ta cơ hội để thấu hiểu giá trị của sự “hi sinh” - đó là những hy sinh, đóng góp thầm lặng của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên ngành y tế - những “chiến sĩ” trên tuyến đầu của mặt trận chống dịch, để từ đó sống với lòng biết ơn và chung tay cùng ngành y tế nâng cao ý thức phòng, chống dịch. Và, những ngày “bình thường mới” cũng ghi nhận nhiều câu chuyện cảm động về những tấm lòng, những đóng góp thầm lặng không tên nhưng đầy ý nghĩa ở khắp mọi nơi.
Dù triển vọng quay trở lại cuộc sống bình thường đang trở nên tươi sáng hơn bao giờ hết, nhân loại đang dần bước sang trang mới sau 3 năm sống dưới cái bóng của đại dịch COVID-19 , nhưng các chuyên gia cảnh báo chúng ta cần phải tiếp tục cảnh giác trước các biến thể mới. Và dù đóng góp và hành động theo cách nào đi chăng nữa, thì mỗi người dân, tất cả đều đang vì chính mình, vì nhau để thắp lên hy vọng rằng cuộc sống sẽ sớm bình thường trở lại.
Cuối cùng, xin dẫn lại vài câu trong diễn văn của Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố đại dịch toàn cầu 3 năm trước để từng người chúng ta tự suy ngẫm: ”Chúng tôi (WHO) quan ngại sâu sắc trước mức độ lây lan và sự nghiêm trọng đáng báo động này, cũng như tình trạng thiếu hành động một cách đáng báo động. Chúng tôi đã rung hồi chuông cảnh tỉnh… Đại dịch sẽ ảnh hưởng đến tất cả lĩnh vực, tất cả mọi ngành và tất cả cá nhân phải hành động… Tất cả hãy quan tâm đến nhau vì chúng ta cần nhau”.
Lan Phương
---------
Trong bài có sử dụng tư liệu của đồng nghiệp.