Sau 4 tháng bị chó cắn, một thanh niên lên cơn dại
Một nam thanh niên 30 tuổi ở Phú Thọ sau khi bị chó lạ cắn 4 tháng đã bị lên cơn dại. Được bác sĩ giải thích tiên lượng tử vong, gia đình đã xin cho bệnh nhân về nhà.
Bệnh nhân 30 tuổi (ở Phú Thọ) vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 21/12/2022 trong tình trạng hốt hoảng, lo âu.
Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết khoảng 3-4 tháng trước, bệnh nhân bị một con chó lạ cắn. Sau đó bệnh nhân đã đánh chết con chó và làm thịt ăn. Bệnh nhân cũng không đi tiêm kháng huyết thanh.
Trước khi vào viện hai ngày, bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi, kích thích, sợ nước, sợ gió lạnh, không tắm, đau mỏi đầu và hai vai. Khi đó, bệnh nhân đi khám ở phòng khám tư nhưng không đỡ.
10 giờ sáng ngày 21/12/2022, bệnh nhân đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khám, được chẩn đoán và làm xét nghiệm virus dại có kết quả dương tính. Bệnh nhân được chuyển vào điều trị tại Khoa Cấp cứu.
Đến 18 giờ 15 phút cùng ngày, bệnh nhân hốt hoảng, kích thích, tình trạng sợ nước, sợ gió của bệnh nhân tăng dần. Được bác sĩ giải thích tiên lượng tử vong, gia đình đã xin cho bệnh nhân về nhà.
Theo bác sĩ Hoàng Đình Khánh, Trung tâm Phòng, chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, khi bị chó, mèo cắn, người dân cần chủ động đến các trung tâm tiêm chủng để tiêm dự phòng trước đối với bệnh dại.
Nếu chủ động tiêm phòng dại trước sẽ có các lợi ích: Tránh phải tiêm huyết thanh kháng dại, loại huyết thanh này được sản xuất từ huyết thanh ngựa nên dễ có phản ứng dị loài, cần thận trọng trong quá trình tiêm và theo dõi sau tiêm. Người bệnh chỉ cần tiêm hai mũi vaccine phòng dại nếu đã tiêm phác đồ dự phòng trước phơi nhiễm.
Phác đồ tiêm phòng trước phơi nhiễm đối với bệnh dại như sau:
- Liều cơ bản: Tiêm bắp 3 liều (0,5 ml/liều) VERORAB vào ngày 0, ngày 7, ngày 28 hoặc ngày 21
- Liều nhắc lại: Sau mũi 3 một năm và cứ 5 năm nhắc lại 1 mũi vaccine phòng bệnh dại.
Theo các bác sĩ, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra, bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo).
Cho đến nay bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị bệnh dại gần như tử vong 100%. Bệnh dại nguy hiểm nhưng đã có vaccine phòng và người dân hoàn toàn có thể phòng tránh được bệnh dại.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/sau-4-thang-bi-cho-can-mot-thanh-nien-len-con-dai-post732295.html