Sau 8 tháng tạm ngưng, Bệnh viện Nhi đồng 2 chính thức ghép gan trở lại
Bệnh viện Nhi đồng 2 đã chính thức thực hiện ghép gan trở lại sau 8 tháng 'đóng cửa' hoạt động này, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có thiếu nguồn lấy tạng.
Sáng nay 26.6, chia sẻ với báo chí, BSCK2 Đặng Xuân Vinh - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết bệnh viện đã chuẩn xong mọi thứ và tiến hành trở lại việc ghép gan sau 8 tháng tạm ngưng.
Trong sáng 26.6, bệnh viện thực hiện 1 ca ghép gan cho bé trai tên L.G.B (11 tuổi, quê Bình Định). Bệnh nhi này bị teo đường mật bẩm sinh, đã phẫu thuật Kasai từ lúc 1 tháng tuổi.
Sau đó, đến ngày 30.6 bệnh viện sẽ thực hiện ca ghép gan thứ 2 cho cháu bé khác cũng bị teo đường mật bẩm sinh. “Đây là 2 trường hợp rất phức tạp, tình trạng bệnh rất nặng nên chưa thể tiên lượng được khả năng thành công như thế nào”, bác sĩ Vinh cho biết.
Cả 2 ca ghép gan lần này, Bệnh viện Nhi đồng 2 đều phối hợp với Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM để thực hiện, trong đó, Bệnh viện Đại học Y dược thực hiện việc lấy gan từ người hiến.
Như vậy, sau 8 tháng tạm ngưng hoạt động ghép gan, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã chính thức quay trở lại việc ghép gan thường quy tại đây.
Theo bác sĩ Vinh, hiện nay bệnh nhân ở các tỉnh phía nam và miền Trung có nhu cầu ghép gan tại Bệnh viện Nhi đồng 2 rất lớn và cấp thiết. Do đó, Ban Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 đã quyết định không thể để xảy ra tình trạng như vậy. “Nếu chúng ta chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân. Điều này là không nên. Chính bệnh viện đã cố gắng mọi thứ để tất cả các bệnh nhân được hỗ trợ chẩn đoán”, bác sĩ Vinh nói.
Để trở lại thực hiện ca ghép gan này sau hơn 8 tháng tạm ngưng, bác sĩ Vinh cho biết bệnh viện đã chuẩn rất chu đáo. Theo đó, gan ghép được đưa ra hội đồng chuyên môn của bệnh viện và hội đồng chuyên môn liên viện (đối tác của Bệnh viện Nhi đồng 2) hội chẩn. Sau đó, hội đồng chuyên môn bệnh viện và hội đồng chuyên môn liên viện sẽ hợp tác hội chẩn và thống nhất. Sau khi 2 hội đồng chuyên môn thống nhất quyết định ghép gan thì có bộ phận tư vấn về tâm lý (tư vấn cho người mẹ bệnh nhi được ghép để tránh tình trạng hiểu lầm sau này), pháp chế. Sau khi hoàn tất các khâu trên, bệnh viện chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự cũng như công tác chống nhiễm khuẩn.
“Đối với công tác chống nhiễm khuẩn là phải vô khuẩn phòng mổ. Chúng tôi phải tiến hành dọn vệ sinh, phải hấp đi hấp lại nhiều lần, cấy vi trùng…, đồng thời rà soát tất cả trang thiết bị phục vụ cho ê kíp ca ghép gan này như: máy siêu âm, máy C-arm, đèn mổ… và mời các công ty có liên quan đến thẩm định những trang thiết bị này xem có trục trặc gì trong giai đoạn ghép gan không. Ngoài ra, bệnh viện còn chuẩn bị đầy đủ về thuốc men, vật tư tiêu hao, giải phẫu bệnh, hậu cần … Chúng tôi đang vận động hết tất cả nguồn lực cho ca ghép gan này”, bác sĩ Vinh cho biết.
Theo Bệnh viện Nhi đồng 2, từ tháng 12.2005 bệnh viện đã triển khai ca ghép gan đầu tiên. Số lượng ca ghép gan tại bệnh viện đã tăng dần theo mỗi năm, nếu như giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2019 có 13 trường hợp, thì chỉ riêng giai đoạn từ năm 2020 đến nay đã có 12 trường hợp được ghép thành công. “Dù trong thời gian qua, chúng tôi ngưng ghép gan nhưng ê kíp vẫn duy trì trau dồi kiến thức và cầu nối chính là Giáo sư Trần Đông A gửi những bác sĩ này ra nước ngoài học. Các nhân sự vẫn liên tục cập nhập kiến thức, một số bác sĩ đã ra nước ngoài học, một số học trong nước”, bác sĩ Vinh cho biết.