Sau bài viết Tạp chí đăng tải, ĐH Ngoại thương đính chính một số thông tin

Liên quan đến một số nội dung trong Đề án tuyển sinh 2024, chiều tối ngày 03/06/2024, Trường Đại học Ngoại thương đã đính chính thông tin.

Ngày 03/06/2024, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết “ĐH Ngoại thương: Đề án tuyển sinh không kê khai điều kiện đảm bảo chất lượng”. Trong đó, đề cập đến nội dung một số thông tin trong Đề án tuyển sinh năm 2024 Trường Đại học Ngoại thương không kê khai theo mẫu tại Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Sau khi bài viết được đăng tải, chiều tối ngày 3/6, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có nhận được phản hồi của Trường Đại học Ngoại thương qua địa chỉ email của tòa soạn.

Trường Đại học Ngoại thương cho biết, thứ nhất, đối với nội dung “Đề án tuyển sinh 2024 của trường hiện chỉ có Phụ lục 1 về Tuyển sinh đào tạo vừa làm vừa học chứ không hiển thị Phụ lục 2”, Nhà trường cho biết hiện tại đã kiểm tra và đã khắc phục lỗi kỹ thuật để hiển thị Phụ lục 2 đính kèm.

Khi nhận được phản hồi của nhà trường, phóng viên truy cập vào đường link Đề án tuyển sinh 2024 đã thấy trường cập nhật phụ lục 2 về báo cáo các điều kiện đảm bảo chất lượng với đầy đủ nội dung về “Quy mô đào tạo hình thức chính quy”; “Cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu” và “Danh sách giảng viên” theo quy định tại Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT.

Phụ lục về Báo cáo các điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định tại Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT đã được Trường Đại học Ngoại thương cập nhật trong Đề án tuyển sinh 2024 (Ảnh chụp màn hình).

Qua Báo cáo các điều kiện đảm bảo chất lượng tại Đề án tuyển sinh 2024 của Trường Đại học Ngoại thương cho thấy, về quy mô đào tạo hình thức chính quy tính đến ngày 31/12/2023 như sau:

Đào tạo trình độ tiến sĩ có 98 người học (56 người học Lĩnh vực Kinh doanh và quản lý; 42 người học Lĩnh vực Luật);

Đào tạo trình độ thạc sỹ có 1544 người học (925 người học Lĩnh vực Kinh doanh và quản lý; 231 người học Lĩnh vực Pháp luật và 388 người học Lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi);

Đối với quy mô đào tạo của đại học chính quy có 15.205 sinh viên (Lĩnh vực Kinh doanh và quản lý có 7.073 sinh viên; Lĩnh vực Pháp luật có 520 sinh viên; Lĩnh vực Nhân văn có 1.880 sinh viên; Lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi có 5.629 sinh viên; Lĩnh vực Du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ có 103 sinh viên); Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy quy mô đào tạo đại học vừa làm vừa học của trường là 455 sinh viên; hệ từ xa là 0 sinh viên.

Về cơ sở vật chất, hiện trường có tổng diện tích đất là 8,205 ha (tương đương 82.050m2), như vậy, diện tích đất tính bình quân trên một người học chính quy là khoảng 4,9m2 (dựa trên tổng số người học chính quy của trường); Diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của trường tính trên một sinh viên chính quy là 3,18m2/sinh viên.

Về danh sách giảng viên toàn thời gian giảng dạy đại học, theo báo cáo các điều kiện đảm bảo chất lượng, hiện Trường Đại học Ngoại thương đang có 599 giảng viên, trong đó không có giảng viên nào giáo sư, 45 giảng viên là phó giáo sư.

Thứ hai, về nội dung “tình hình việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp theo đường link được nêu trong mục 7 về tình hình việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp tại phần Thông tin chung trong Đề án tuyển sinh năm 2024, nhà trường có phản hồi như sau: “Hình ảnh đính kèm trong bài báo thể hiện cột nội dung “tỷ lệ sinh viên có việc làm/tổng số sinh viên tốt nghiệp” được xác định là tỷ lệ sinh viên đã trả lời là có việc làm/tổng sinh viên tốt nghiệp, hay nói cách khác là tỷ lệ mẫu lựa chọn khảo sát đáp ứng quy định tại văn bản 2919/BGDĐT-GDĐH của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Để tránh hiểu không đúng về nội dung này, hiện Nhà trường đã điều chỉnh lại tên cột”.

Truy cập vào đường link về “báo cáo tình hình việc làm của sinh viên năm 2023”, phóng viên thấy rằng, sau bảng biểu cũ mà nhà trường đã đăng tải, hiện cột “Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm/tổng số sinh viên phản hồi (%)” và cột “Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm/tổng số sinh viên tốt nghiệp (%)" có tỷ lệ như nhau.

Ảnh chụp màn hình báo cáo tình hình việc làm của sinh viên năm 2023 của Trường Đại học Ngoại thương.

Thứ ba, về nội dung “phóng viên không thấy đề án của trường có các mục như trong quy định tại Phụ lục III của Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT gồm "Việc cơ sở đào tạo thực hiện các cam kết đối với thí sinh giải quyết khiếu nại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của thí sinh trong những trường hợp rủi ro"; "Thông tin tuyển sinh các ngành đào tạo đặc thù có nhu cầu cao về nhân lực trình độ đại học đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước"; "Thông tin về doanh nghiệp hợp tác đào tạo; Các thông tin triển khai áp dụng cơ chế đào tạo đặc thù có nhu cầu cao về nhân lực trình độ đại học (không trái các quy định hiện hành)" mà chuyển luôn sang mục “Các nội dung khác (không trái quy định hiện hành) được đăng tải trong bài viết thì Trường Đại học Ngoại thương cho biết, trường đã chuyển các thông tin tương ứng ở mục “Các nội dung khác” trả về các mục chi tiết ở trên để thống nhất với trình tự, tiểu mục của mẫu đề án.

Truy cập vào đường link Đề án tuyển sinh 2024 của Trường Đại học Ngoại thương, phóng viên thấy rằng, các mục nêu trên đã được trường cập nhật trong Đề án tuyển sinh 2024.

Ảnh chụp màn hình các mục còn thiếu trong Đề án tuyển sinh 2024 đã được Trường Đại học Ngoại thương cập nhật.

Tường San

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/sau-bai-viet-tap-chi-dang-tai-dh-ngoai-thuong-dinh-chinh-mot-so-thong-tin-post243161.gd