Sau cải cách tiền lương, giáo viên được bổ sung 2 khoản phụ cấp mới: 'Người trong cuộc' nói gì?

Sau cải cách tiền lương, giáo viên được bổ sung 2 khoản phụ cấp mới khiến nhiều giáo viên rất hy vọng sau thông tin bỏ phụ cấp thâm niên.

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, trong quá trình cải cách tiền lương năm 2024, hai khoản phụ cấp mới được tạo ra như sau:

Phụ cấp theo nghề: Phụ cấp này dựa trên việc kết hợp các phần thưởng và ưu đãi đặc biệt, trách nhiệm và rủi ro của từng ngành nghề cụ thể

Và phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn: Phụ cấp này được tạo ra bằng cách kết hợp các phần thưởng đặc biệt, thu hút và hỗ trợ công việc lâu dài tại các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Như vậy, bảng lương của giáo viên trong các khu vực công sẽ áp dụng hai khoản phụ cấp mới này. Nhiều giáo viên cho rằng về bản chất, hai khoản phụ cấp này chỉ là sự "tổng hợp" của các phụ cấp đã tồn tại trước đó.

Và để thực hiện chi tiết hai khoản phụ cấp mới này trong quá trình cải cách tiền lương, cần chờ đợi hướng dẫn cụ thể từ các văn bản hướng dẫn trong thời gian sắp tới.

Trước vấn đề sau cải cách tiền lương, giáo viên được bổ sung 2 khoản phụ cấp mới là phụ cấp theo nghề và phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, cô Đình Thị Thủy, giáo viên dạy Văn của một trường liên cấp ở Hà Nội chia sẻ, chính sách phụ cấp thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với đối tượng là công nhân, viên chức, người lao động trong các ngành nghề.

Cô Thủy cho rằng, việc tăng lương lần này được bổ sung 2 khoản phụ cấp mới trong ngành giáo dục khẳng định và tạo động lực và là nguồn động viên cho lực lượng lao động trong quá trình chọn ngành, nghề; góp phần củng cố khả năng, mức độ gắn bó của người lao động với nghề...

Cô Thủy cho rằng, phụ cấp cho người lao động ở vùng khó khăn cũng thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc phát triển và cân bằng hóa sự phát triển (ở các lĩnh vực: an ninh quốc phòng, văn hóa giáo dục, kinh tế...) cho các vùng miền trên cả nước.

“Phụ cấp này sẽ giúp cho một lực lượng không nhỏ người lao động trong đó có giáo viên phát huy được phẩm chất xã hội, có thêm động lực để cống hiến và gắn bó lâu dài với vùng còn khó khăn”- cô Thủy chia sẻ quan điểm.

Một vị phó hiệu trưởng một trường THPT ở huyện Quốc Oai (Hà Nội) cho rằng, việc tăng lương lần này được bổ sung 2 khoản phụ cấp mới trong đó có ngành giáo dục là một tín hiệu vui với giáo viên.

Tuy nhiên, là giáo viên có thâm niên dạy trong nghề ngót nghét 20 năm, vị hiệu trưởng này chia sẻ, phụ cấp ưu đãi nghề là chung cho tất cả giáo viên. Mặt khác, việc có phụ cấp ưu đãi nghề nhưng lại bỏ phụ cấp thâm niên là một thiệt thòi cho giáo viên nhất là giáo viên dạy lâu năm.

“Phụ cấp thâm niên là giáo viên phải 5 năm công tác liên tục trở lên (tính từ khi làm việc chính thức). Nếu bỏ phụ cấp thâm niên là thiệt thòi cho giáo viên lâu năm. Tuy nhiên, việc bổ sung hai khoản phụ cấp này cũng đã là ghi nhận sự đóng góp cho ngành”- vị hiệu trưởng này chia sẻ.

Cô Huy Thị Lộc, giáo viên bộ môn Tin học của trường Tiểu học Dương Liễu B (Hà Nội) cho rằng, cô rất vui trước thông tin về việc tăng lương cho giáo viên từ ngày 1/7 tới sẽ có bổ sung cho hai khoản phụ cấp.

“Các giáo viên trường tôi tâm sự là cách tính lương mới sẽ có lợi cho giáo viên trẻ. Nhưng theo tôi, điều đó cũng là hợp lý. Chẳng lẽ cũng làm việc như nhau mà giáo trẻ lương lại thấp quá thì thiệt thòi cho họ.”- cô Lộc nói.

Cũng theo giáo viên này, ví dụ lương hiện tại khoảng của cô là 9,5 triệu đồng/ tháng, là tính hết các phụ cấp nghề, thâm niên trong đó. Tuy nhiên, khi sang mức lương mới chỉ phụ cấp nghề và không có phụ cấp thâm niên thì lên khoảng 14 triệu đồng/ tháng.

“Như vậy, giáo viên chỉ nhìn vào mức tăng từ 1/7 so với trước lên bao nhiêu % là quan trọng nhất chứ việc sắp xếp, bỏ lại quy định này, thêm phụ cấp kia là ở những nhà làm chính sách”- cô Lộc chia sẻ.

Giáo viên cần gì?

Theo cô Đình Thị Thủy, trong thực tế, yếu tố tạo nền tảng cho sự gắn bó của người lao động với nghề vẫn xuất phát từ năng lực, sở trường, niềm hứng thú, nhiệt tâm của cá nhân người lao động.

Hơn nữa, giáo viên này cho rằng, khoản phụ cấp cần đủ sức hấp dẫn lực lượng lao động có năng lực, có chuyên môn mới có thể đảm bảo đáp ứng kì vọng về chất lượng ngành nghề cũng như tính ổn định, bền vững của sự gắn bó giữa người lao động với nghề.

“Với người lao động có năng lực, cơ hội việc làm và mức thu nhập ổn định, hấp dẫn không phải là trở ngại, cá nhân người lao động sẽ có những cân nhắc, lựa chọn để phù hợp với nhu cầu của bản thân và đáp ứng được các tiêu chí mà họ coi trọng”- cô Thủy nói.

Thế nên, với các vùng kinh tế xã hội còn khó khăn, ngoài chính sách phụ cấp để thu hút người lao động (nhất là người có năng lực) thì cần có giải pháp đồng bộ, cần đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, văn hóa, giao thông...

Còn thầy N.T.C, một giáo viên chuyên có tiếng của một trường THPT ở Hà Nội cho rằng, việc tăng lương là vấn đề then chốt để giáo viên tròn vai, tâm huyết với nghề.

Phụ cấp theo nghề: Phụ cấp này dựa trên việc kết hợp các phần thưởng và ưu đãi đặc biệt, trách nhiệm và rủi ro của từng ngành nghề cụ thể. Được áp dụng cho công chức, viên chức làm việc trong các lĩnh vực có điều kiện lao động đặc biệt và được chính sách ưu đãi phù hợp của Nhà nước áp dụng, bao gồm giáo dục và đào tạo, y tế, tòa án, kiểm sát, thi hành án dân sự, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, hải quan, kiểm lâm, quản lý thị trường, và các lĩnh vực khác.

- Phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn: Phụ cấp này được tạo ra bằng cách kết hợp các phần thưởng đặc biệt, thu hút và hỗ trợ công việc lâu dài tại các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Mục tiêu của phụ cấp này là khuyến khích và hỗ trợ các nhân viên làm việc ở những vùng đặc biệt này, giúp họ vượt qua những thách thức đặc biệt trong công việc và duy trì sự ổn định và hiệu suất làm việc.

Đỗ Hợp

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/sau-cai-cach-tien-luong-giao-vien-duoc-bo-sung-2-khoan-phu-cap-moi-nguoi-trong-cuoc-noi-gi-post1647697.tpo