Tìm giải pháp tăng 'nội lực mềm' cho doanh nghiệp Việt

Sáng nay 27-6, Báo SGGP tổ chức hội thảo 'Thương hiệu - Nội lực mềm cho doanh nghiệp Việt'. Chương trình có sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước.

Chủ trì hội thảo gồm: PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh tế tuần hoàn, ĐH Quốc gia TPHCM; ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM (HUBA); nhà báo Phạm Văn Trường, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP.

Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến ở nhiều điểm cầu trên cả nước. Từ điểm cầu Hà Nội có các đại biểu: ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT; bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương; ông Phạm Minh Tuân, Trưởng phòng Nghiệp vụ 3, Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường.

Tại điểm cầu TPHCM và các tỉnh thành có các đại biểu: ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC); Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op); lãnh đạo sở ngành các tỉnh Cà Mau, Long An, Cần Thơ, Sóc Trăng, Đồng Nai.

Thực tế những năm qua, Việt Nam đã vươn lên tốp 10 quốc gia xuất khẩu hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, có một thực tế đáng quan ngại là hầu hết sản phẩm Việt, đặc biệt là nông sản, chưa xây dựng được thương hiệu. Sản phẩm Việt chủ yếu là xuất khẩu thô, gia công nên giá trị gia tăng thấp, xuất khẩu qua trung gian là chính. Rất ít sản phẩm có thể xuất khẩu bằng chính thương hiệu của mình.

Đây là một thiệt thòi rất lớn cho hàng Việt và DN Việt trên thị trường. Hội thảo lần này được tổ chức nhằm thảo luận và tìm các giải pháp để phát triển thương hiệu Việt trong bối cảnh thương mại xanh, hướng đến kiến tạo phát triển hệ sinh thái DN Việt có thương hiệu mạnh và bền vững.

80% sản phẩm Việt chưa có thương hiệu

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Phạm Văn Trường nhấn mạnh, thương hiệu chính là nội lực mềm cho sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam. Việc xây dựng thương hiệu Việt không đơn thuần là dừng lại ở sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã sáng tạo mà còn góp phần khẳng định bản sắc, vị thế của doanh nghiệp Việt trên phạm vi toàn cầu. Cao hơn, sự phát triển thương hiệu của từng doanh nghiệp sẽ là mảnh ghép trong hệ sinh thái thương hiệu quốc gia, góp phần đưa thương hiệu quốc gia vươn tầm quốc tế.

Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Phạm Văn Trường

Việt Nam đã vươn lên Top 10 quốc gia xuất khẩu hàng đầu trên thế giới. Với sự phát triển nội tại của từng doanh nghiệp, cùng với lợi thế từ nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã tạo ra tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong nhiều năm, góp phần đưa Việt Nam vào nhóm 20 quốc gia có thương mại hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng tích cực trên thì vẫn còn một thực tế rất buồn đang diễn ra từ nhiều năm nay. Đó là hầu hết sản phẩm Việt, đặc biệt là nông sản đang phải “vay thương hiệu” để xuất khẩu. Thống kê từ Bộ Công Thương chỉ rõ, có đến 70-80% là xuất thô, giá trị gia tăng thấp.

Minh chứng rõ nét như ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, có tới 95% giá trị xuất khẩu thuộc các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thương hiệu toàn cầu riêng. Hay như nhóm hàng hóa nông sản, là mặt hàng xuất khẩu chủ lực cung ứng cho cả thị trường trong và ngoài nước, nhưng có tới 80% sản phẩm chưa có thương hiệu.

Hiện đã có rất nhiều quốc gia nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ở dạng thô, hoặc đầu tư nhà máy chế biến nông sản tại Việt Nam, sau đó sơ chế, đấu trộn, đóng gói dưới thương hiệu của đơn vị sản xuất, rồi bán ra thị trường với giá cao gấp hàng chục lần.

Tính chung trong chuỗi giá trị thương mại toàn cầu, sản phẩm Việt tồn tại chủ yếu dưới hình thức gia công, giá trị gia tăng thấp, tỷ lệ xuất khẩu qua trung gian là chính, rất ít sản phẩm có thể xuất khẩu bằng thương hiệu của mình. Điều này xuất phát từ nguyên do thương hiệu của DN còn thiếu và yếu. Đó là một thiệt thòi rất lớn cho hàng Việt, cho DN Việt nói chung trên thị trường, nhất là tại thị trường quốc tế.

DN không thể đi một mình

Chia sẻ tại hội thảo, ông Vương Ngọc Dũng, Giám đốc Marketting Công ty cổ phần mỹ phẩm Sài Gòn (SCC), cho biết, qua 50 năm thăng trầm, SCC vẫn giữ được bản sắc riêng. Theo ông Dũng, SCC rất quan tâm và tập trung chất lượng sản phẩm. Nếu không đủ chất lượng thì không thể tồn tại và phát triển lâu dài, vì mỗi thời kỳ, giai đoạn, hình thức phân phối, bán lẻ có nhiều hình thức khác nhau.

Vài chục năm trước, các cửa hàng tạp hóa là kênh phân phối chính. Nhưng hiện nay có rất nhiều chuỗi kinh doanh, thương mại điện tử ngày càng có nhiều phương pháp tiếp cận chính xác hiệu quả hơn.

SCC cũng không nằm ngoài xu thế này. SCC có thương hiệu nước hoa Miss Sài Gòn là sản phẩm mang yếu tố rất Việt Nam, từ bao bì áo dài nón lá, hay thương hiệu dầu gội Fresh phát triển hơn 30 năm qua. SCC đã liên tục đổi mới để phát triển đến ngày hôm nay. Trong đó, SCC đưa vào nhiều thành phần nguyên liệu của Việt Nam, như dầu gội Fresh mới ra mắt dòng sản phẩm có hơn 20 nguyên liệu nguồn gốc thiên nhiên, phần lớn là nguyên liệu đặc trưng của Việt Nam như bồ kết, gừng, bưởi…

Để đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường quốc tế, hướng đi của SCC là sâu sát cùng các đối tác nước ngoài ngay từ đầu, để sản phẩm khi xuất khẩu sẽ đáp ứng được ngay các tiêu chuẩn. Ông Vương Ngọc Dũng cũng chia sẻ thêm định hướng của SCC. Đơn vị hiện đang xâm nhập vào các thị trường khó tính như Nhật Bản và đang nghiên cứu thị trường Ấn Độ.

Tương lai là xanh hoặc không có tương lai

PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển Kinh tế tuần hoàn, ĐH Quốc gia TPHCM khẳng định: Kinh tế tuần hoàn chính là tương lai của nền kinh tế toàn cầu. Tương lai là tuần hoàn, tương lai là xanh hoặc không có tương lai. Các nội dung cụ thể của nền kinh tế tuần hoàn có thương mại xanh, tiêu dùng xanh, thương hiệu xanh.

PGS-TS Nguyễn Hồng Quân

Báo cáo của Grand View Research Group 2022, quy mô thị trường công nghệ xanh và bền vững toàn cầu được định giá 13,28 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ mở rộng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 22,4% từ năm 2022 đến năm 2030.

Đối với nước ta, có các đề án, chương trình hành động quốc gia, tham gia các hiệp định thương mại tự do… vào nền kinh tế xanh toàn cầu; tuy vậy, ta đang gặp nhiều thách thức, liên quan đến nguồn nhân lực, biến đổi khí hậu, nguyên vật liệu, điện… Các nghiên cứu gần đây của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cho thấy yêu cầu về thương mại xanh đang cấp thiết, rõ ràng; xu hướng tiêu dùng xanh rất quan trọng, các khách hàng ngày càng quan tâm về vấn đề này…

Khảo sát của McKinsey năm 2022 cho thấy, khoảng 63% người tiêu dùng cân nhắc yếu tố phát triển bền vững của các thương hiệu khi ra quyết định mua hàng. Bên cạnh đó, các công ty có tác động ESG lớn (tiêu chuẩn liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng) sẽ có cơ hội phát triển cao hơn.

Một số thương hiệu lớn trên thế giới đã và đang có lợi thế thương hiệu xanh mang lại. Chẳng hạn như Toyota đã có những giải pháp cụ thể đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng (tôn trọng môi trường, ngăn ngừa hiện tượng nóng lên toàn cầu và không gây ô nhiễm không khí); hay như Vinamilk cũng thế, thuộc nhóm phát triển bền vững, duy trì phát triển thương hiệu xanh, với dòng vốn ngoại ổn định. Cách tiếp cận của Vinamilk khá giống Nestle, vừa phát triển, bảo vệ môi trường…

Kinh tế tuần hoàn hỗ trợ thương hiệu xanh ra sao? Trách nhiệm của nhà sản xuất, hướng tới net zero, giúp cho hệ sinh thái trong doanh nghiệp phát triển bền vững. Đối với yếu tố truyền thông cũng rất quan trọng, thông qua kể lại những câu chuyện thương hiệu để tiếp cận người tiêu dùng…

Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp là xu hướng tất yếu. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động trước những rào cản xanh đặt ra bởi các thị trường quốc tế. Các mô hình kinh tế tuần hoàn có thể cung cấp giải pháp trong việc huy động nguồn lực, thực hiện đa mục tiêu, đa nguồn lực.

Hàng Việt phải theo xu thế trên thế giới

Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM dẫn số liệu của Bộ Công Thương cho biết ngành bán lẻ Việt Nam hiện nay có quy mô thị trường bán 142 tỷ USD và dự báo có thể tăng 350 tỷ USD vào năm 2025.

Theo ông Nguyễn Anh Đức, hiện nay, ở thị trường trong nước, hàng Việt đã có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, hàng Việt đang được đầu tư phát triển về chiều sâu, lan tỏa và có sức hút đặc biệt với người tiêu dùng. Người tiêu dùng ngày càng được tiếp cận nhiều chủng loại hàng hóa trong nước có chất lượng cao, uy tín, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Trong nước, thương mại hiện đại và thương mại điện tử đã và đang tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho hàng Việt phát triển theo đúng xu thế trên thế giới. Những đầu tư về logistics, cơ sở hạ tầng giao thông cũng đóng góp quan trọng đối với năng lực cung ứng của hàng Việt, nâng cao khả năng cạnh tranh. Đối với thị trường thế giới, hàng Việt cũng vượt khó và từng bước chinh phục thị trường thế giới bằng chất lượng và giá cả cạnh tranh.

MAI HOA - THI HỒNG

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/tim-giai-phap-tang-noi-luc-mem-cho-doanh-nghiep-viet-post115124.html