Sau đại dịch, người lao động tìm kiếm điều gì ở một môi trường làm việc tốt?
Nhiều doanh nghiệp đồng ý rằng lương thưởng cao không còn là yếu tố hàng đầu khi nhắc đến một môi trường làm việc tốt, đặc biệt trong bối cảnh sau đại dịch như hiện nay.
Đại dịch mang tới nhiều thay đổi trên thị trường lao động thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Đó là sự phổ biến của những khái niệm như “remote working” (làm việc từ xa), “hybrid working” (hình thức làm việc kết hợp, vừa làm tại văn phòng vừa làm từ xa), "freelancer" (người lao động tự do),…Ngoài ra, làn sóng nghỉ việc ồ ạt, thường được biết đến với thuật ngữ "The Great Resignation”, cũng lan tràn khắp nơi.
Theo một báo cáo do Microsoft thực hiện vào giữa năm 2021, có tới 42% nhân sự trên thế giới chia sẻ rằng họ có ý định nghỉ việc, ngay cả khi tình trạng thất nghiệp tại thời điểm đó đang leo thang do ảnh hưởng của Covid-19.
Còn tại Việt Nam, vào tháng 4/2022, có tới 260.000 trong số gần 4 triệu thành viên tham gia mạng xã hội việc làm Linkedin đã cập nhật trạng thái "Open To Work", tạm dịch là sẵn sàng tìm việc. Trong năm 2022, nhiều thành viên, dù không đăng tải trạng thái "Open to Work" nhưng vẫn sẽ cởi mở và sẵn sàng phản hồi khi nhận được được thông tin về cơ hội việc làm mới.
Đặc biệt, đại dịch không chỉ làm thay đổi nhu cầu tìm việc mà còn thay đổi tư duy khi tìm việc của một bộ phận không nhỏ người lao động.
Cụ thể, theo báo cáo tuyển dụng 2022 của TopCV, lương thưởng không còn là yếu tố hàng đầu khiến người lao động quan tâm khi tìm kiếm một công việc. Họ bắt đầu quan tâm đến những yếu tố khác như: Nội dung công việc phù hợp với vị trí tuyển dụng, văn hóa doanh nghiệp và trải nghiệm việc làm, lộ trình phát triển và thăng tiến tương ứng với năng lực… Đối với người lao động, sự đầu tư từ doanh nghiệp vào những yếu tố trên sẽ góp phần tạo nên một môi trường làm việc lý tưởng.
Ông Trần Trung Hiếu, CEO, nhà sáng lập TopCV nhìn nhận: “Thay vì đặt câu hỏi 'Cần làm gì để thu hút và giữ chân nhân sự?', doanh nghiệp nên nghĩ về việc 'Nhân sự sẽ đạt được gì khi ở lại với doanh nghiệp?'. Khi thấu hiểu nhu cầu và mong muốn nội bộ, doanh nghiệp sẽ có cơ sở để xây dựng một môi trường làm việc lý tưởng cho nhân viên hiện tại và tương lai, làm tăng mức độ hài lòng về trải nghiệm công việc, từ đó nhân viên sẽ tự có cảm giác muốn được gắn bó và đồng hành lâu dài cùng doanh nghiệp”.
Từ vị trí của một người trong ngành, bà Vũ Thị Thu Hiền, trưởng nhóm tuyển dụng BIDV, đơn vị vừa lọt top 10 nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam (VBE 500) đánh giá người lao động nhìn chung đã có quan điểm mới, mong muốn mới trong khi tìm việc làm. Họ hướng tới những công việc có chế độ làm việc linh hoạt, có sự an toàn và đem lại thu nhập cao đủ để bù đắp lại áp lực của tình hình trượt giá.
Hiểu được điều này, bà Hiền cho biết thời gian qua, BIDV đã và đang tập trung định vị lại thương hiệu nhà tuyển dụng theo xu hướng của thời đại mới, tập trung và quan tâm đến trải nghiệm nhân viên, đề cao văn hóa chia sẻ từ tất cả các quản lý cũng như lãnh đạo, đồng hành, thấu hiểu với nhân viên để vạch ra lộ trình phát triển phù hợp,... hướng tới xây dựng môi trường mà mọi người thỏa sức phát triển khả năng, sở trưởng của bản thân nhưng vẫn đem lại giá trị chung cho tổ chức.
Gen Z, thế hệ đặc biệt cần môi trường đặc biệt
Mỗi thế hệ lại mang những làn gió khác nhau thổi qua môi trường công sở. Và Gen Z, thế hệ sinh từ năm 1997 đến 2012, đang nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp nói chung.
Bà Vũ Thị Thu Hiền khẳng định không chỉ BIDV mà nhiều tập đoàn lớn đã bắt tay nghiên cứu, xây dựng các chương trình tuyển dụng phù hợp hướng tới Gen Z, nhóm đối tượng có sự khác biệt trong trải nghiệm và nhìn nhận cuộc sống. Gen Z cũng được dự đoán sẽ chiếm khoảng 15% thị trường lao động Việt Nam trong vòng 10 năm tới.
“Gen Z thường không nhìn cả một hành trình dài mà với họ là những con đường ngắn. Vì vậy, với mỗi chặng tiếp xúc, chúng tôi mang đến cho họ những trải nghiệm “wow”. Ngoài ra, chúng tôi xây dựng chương trình tuyển dụng nhân tài hướng tới đối tượng Gen Z, không chỉ nhìn ngắn hạn trong 2-3 năm mà sẽ đồng hành cùng các bạn cả chục năm, từ khi các bạn mới bước chân vào BIDV cho đến khi trở thành những lãnh đạo cấp cao của ngân hàng”, đại diện BIDV chia sẻ.
Trong khi đó, với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực tuyển dụng, CEO TopCV nhấn mạnh rằng để tạo dựng một môi trường phù hợp với người lao động thuộc Gen Z, doanh nghiệp trước hết cần tìm hiểu về tính cách và phong cách làm việc của thế hệ này.
“Khi làm việc cùng các bạn Gen Z, tôi nhận thấy các bạn là một thế hệ chủ động, linh hoạt, thực tế, có tính tự chủ trong công việc và tính độc lập cao, không muốn bị gò ép theo một khuôn khổ nhất định nào”.
Để thu hút và giữ chân nhân tài thuộc thế hệ Gen Z, CEO Trần Trung Hiếu đề xuất doanh nghiệp nên tạo dựng môi trường làm việc có tính cởi mở, linh hoạt, sáng tạo và tôn trọng sự tự do. Bên cạnh đó doanh nghiệp cần phát triển văn hóa ghi nhận, xây dựng lộ trình thăng tiến rõ ràng, có mục tiêu trở thành một nơi mà ở đó gen Z có cơ hội phát triển một cách toàn diện nhất.
Ngoài ra, vốn được sinh ra và lớn lên trong thời đại phát triển công nghệ, Gen Z rất ưa chuộng môi trường làm việc số. Môi trường làm việc với những trang thiết bị công nghệ tân tiến sẽ mang đến những trải nghiệm số thú vị tại doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu suất làm việc và gia tăng sự hứng khởi cho gen Z khi đi làm.
“Bên cạnh đó, do thế hệ này không thích cảm giác bị gò bó trong một khuôn khổ, việc phát triển môi trường làm việc đa dạng hình thức như hybrid working, remote working,... cũng nên được cân nhắc”, ông Hiếu bổ sung thêm.
Top 500 Nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam (VBE 500) là Chương trình đánh giá, khảo sát và xếp hạng thường niên về quy mô lao động, môi trường làm việc và sự hài lòng của người lao động, đánh giá từ các ứng viên tuyển dụng cũng như các bên liên quan trong các doanh nghiệp tại Việt Nam. Chương trình được thực hiện bởi Viet Research và được công bố trên Báo Đầu tư và các kênh truyền thông đại chúng.