Sau đường hoa, sông hoa sẽ là lễ hội mùa xuân?

Những điểm đến mùa xuân ở TP.HCM hiện có đủ đường hoa, vườn hoa, sông hoa với diện mạo mới, cách tổ chức mới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu thành phố có được những lễ hội đường phố vào dịp xuân thì sức thu hút sẽ gia tăng, các không gian công cộng sẽ phát huy tốt hơn nữa công năng của nó.

Đường hoa Nguyễn Huệ bắt đầu xuất hiện từ năm 2004. Nếu tính theo số năm thì đường hoa đã có 16 năm nhưng trừ năm 2015 tổ chức ở đường Hàm Nghi thì đường hoa Nguyễn Huệ thực sự có mặt tròn 15 năm. Có thể là không dài so với nhiều điểm đến khác nhưng đường hoa Nguyễn Huệ lại có những nét đặc biệt.

Về lịch sử, đường hoa Nguyễn Huệ được thừa hưởng địa điểm từ chợ hoa Nguyễn Huệ xa xưa với vị trí trung tâm, đầu mối giao thông thuận lợi kết nối với các điểm tham quan, danh thắng.

Về không gian, từ năm 2004 và đặc biệt từ 2015, đường hoa Nguyễn Huệ được quy hoạch thành phố đi bộ với chức năng quảng trường. Đây là không gian duy nhất ở thành phố hiện có thể quy tụ cùng lúc nhiều chục ngàn người tham gia hoạt động có chủ đề.

Về tổ chức, đường hoa Nguyễn Huệ hiện đang vận hành theo phương thức có lãnh đạo chỉ đạo, có chủ đầu tư, mỗi năm đều quy tụ được giới chuyên môn về kiến trúc cảnh quan, chuyên gia các lãnh vực để tổ chức sắp đặt theo chủ đề. Bên cạnh đường hoa hàng năm còn có Lễ hội đường sách.

Đường hoa Nguyễn Huệ thu hút đông đảo công chúng, và đặc biệt đã trở thành điểm check-in công cộng hàng đầu của giới trẻ vào mỗi độ xuân về tết đến.

Đường hoa Nguyễn Huệ thu hút đông đảo công chúng, và đặc biệt đã trở thành điểm check-in công cộng hàng đầu của giới trẻ vào mỗi độ xuân về tết đến.

Đường hoa hàng năm được vận hành có kế hoạch từ ý tưởng đến triển khai thi công, truyền thông, tổ chức sự kiện kèm theo các dịch vụ bảo vệ, giữ xe, thông tin liên lạc, bán hàng… Có thể hàng năm vẫn còn tồn tại những ý kiến đóng góp như chủ đề đơn điệu, một số dịch vụ còn phiền hà… nhưng không thể phủ nhận thực tế là đường hoa Nguyễn Huệ thu hút đông đảo công chúng và đặc biệt, đã trở thành nơi check-in công cộng hàng đầu của giới trẻ dịp tết.

Trên từ điển Wikipedia đã có mục từ “Đường hoa Nguyễn Huệ” với danh mục chủ đề hàng năm và đường dẫn hàng trăm bài báo, các tư liệu liên quan. Số lượt người đến đường hoa đã tăng từ 500.000- 700.000 đến cả triệu lượt người mỗi dịp tết.

Đường hoa Nguyễn Huệ thực tế đã trở thành điểm đến của Sài Gòn - TP.HCM những năm 2000.

Nếu đường hoa Nguyễn Huệ là không gian vui chơi thì Hội hoa xuân Tao Đàn lại là không gian thưởng lãm. Hội hoa xuân hàng năm được tổ chức tại Công viên Văn hóa Tao Đàn quy tụ các nghệ nhân, nhà sản xuất.

Những người chơi hoa, cây cảnh, bonsai, cá cảnh… ở mức chuyên sâu đều mong đợi Hội hoa xuân như là một sân chơi chính thức, định kỳ hàng năm để tham dự các cuộc thi! Các sản phẩm như cây, hoa, cá, chim cảnh được trưng bày ở đây đều là những sản phẩm được chọn lọc, có “đẳng cấp”.

Chính vì vậy, Hội hoa xuân Tào Đàn trở thành nơi thưởng lãm. Người dân đến đây không chỉ để vui chơi mà còn chứng kiến, xem những cây mai “đỉnh nhất”, gốc bonsai cầu kỳ, đắt tiền nhất; con cá đẹp nhất…

Không gian của công viên Tao Đàn với tán rừng cổ thụ ngay trung tâm thành phố giữa đầu mối giao thông của các trục đường lớn là không gian thích hợp cho sân chơi hoa cảnh. Dù thu hút đông đảo mọi người nhưng đường hoa, hội hoa xuân mới chỉ đáp ứng nhu cầu vui chơi, thưởng lãm. Muốn mua sắm thì mọi người phải tìm đến các chợ hoa xuân.

Điểm độc đáo của chợ hoa bến Bình Đông là chợ họp ngay bên sông, các sản vật được bày trên thuyền, trên bờ, người bán người mua nhộp nhịp từ ngày 23 tháng chạp hàng năm.

Điểm độc đáo của chợ hoa bến Bình Đông là chợ họp ngay bên sông, các sản vật được bày trên thuyền, trên bờ, người bán người mua nhộp nhịp từ ngày 23 tháng chạp hàng năm.

Ngày tết người dân thành phố có nhiều nơi để lựa chọn mua hoa trái nhưng có một điểm đến thú vị, độc đáo đang nổi lên về độ hấp dẫn là chợ hoa bến Bình Đông (quận 8). Chợ hoa tết bến Bình Đông nằm trên địa bàn phường 13, 14 quận 8, kéo dài khoảng 2km dọc kênh Tàu Hũ.

Chợ hoa trên bên dưới thuyền được tổ chức bài bản, quy mô hơn và thu hút đông người hơn kể từ năm 2011, khi đại lộ Võ Văn Kiệt và hầm sông Sài Gòn được đưa vào sử dụng.
Điểm độc đáo nhất ở đây là chợ họp ngay bến sông. Ghe thuyền mang hoa trái, sản phẩm từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp… đậu trên bến để bán. Đa số cây trái và hoa được bày trên thuyền, một số ít được bày trên bờ.

Thuyền chở hoa trái gợi lại hình ảnh những chuyến ghe thương hồ xa xưa khi đường thủy còn là đường vận tải hàng hóa chính kết nối miền Tây và miền Đông Nam bộ. Chợ thường họp từ 23 tháng chạp.

Chợ hoa bến Bình Đông không chỉ thu hút cư dân quận 8 hoặc vùng lân cận. Nhiều người ở những quận xa và đặc biệt là du khách đến chợ Bình Đông trên bến dưới thuyền để có thể vừa chọn hoa trái vừa tham quan cảnh chợ độc đáo mang đặc thù sông nước Nam bộ.

Những năm gần đây, thời gian nghỉ tết được kéo dài. Trong dịp tết, nhu cầu mua sắm, giải trí, du lịch tăng cao. Rất nhiều không gian công cộng ở thành phố được dành để đáp ứng nhu cầu này và việc tổ chức cũng ngày càng bài bản hơn.

Tuy nhiên, các chuyên gia đô thị, du lịch cho rằng nếu thành phố có thêm những lễ hội truyền thống mùa xuân, có câu chuyện, có sự tích thì việc tổ chức sẽ thuận lợi hơn. Khi bài báo này lên khuôn thì TP.HCM vừa hoàn thành Lễ hội âm nhạc Hò Dô lần thứ nhất được đánh giá là thành công, ấn tượng và sẽ có hướng duy trì thường niên.

Hy vọng trong một tương lai không xa, TP.HCM sẽ có những lễ hội đường phố, lễ hội mùa xuân chứ không chỉ là đường hoa, sông hoa thông thường!

Một số lễ hội đường phố nổi tiếng trên thế giới

1. Venice Carnival là một lễ hội thường niên được tổ chức tại Venice, Ý. Lễ hội kết thúc vào khoảng 40 ngày trước lễ Tạ Ơn của người Thiên Chúa ở châu Âu. Lễ hội nổi tiếng thế giới về những chiếc mặt nạ được trang trí rất kỹ lưỡng.

2. Lễ hội đua thuyền rồng ở Trung Quốc là một lễ truyền thống diễn ra vào ngày thứ 5 của tháng thứ 5 theo âm lịch, nên còn được gọi theo tên khác là ngày hội Song Ngũ được tổ chức ở nhiều thành phố.

3. Lễ hội Las Fallas ở Valencia, Tây Ban Nha. Từ Falles dùng để chỉ các hình nộm khổng lồ bị đốt cháy trong lễ.

4. Lễ Thánh Patrick ở Dublin là một lễ kỷ niệm văn hóa và tôn giáo hàng năm được tổ chức vào ngày 17 tháng 3, ngày mất của Saint Patrick - vị thánh bảo trợ hàng đầu của Ireland.

Bài: Thanh Nga - Ảnh: Trần Trương Tôn Dzũng

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/sau-duong-hoa-song-hoa-se-la-le-hoi-mua-xuan-22341.html